Quá bận rộn ban đầu thường là đức tính tốt, rồi sau đó thường thường biến thành tính xấu, đó là một tham lam tinh vi.
Chỉ có một chứng nghiện mà chúng ta ca ngợi, đó là làm việc quá sức. Với mọi chứng nghiện khác, những người lo cho bạn sẽ đưa bạn vào viện hoặc vào chương trình phục hồi, nhưng nếu bạn nghiện làm việc, thường sẽ được xem là một đức tính tốt. Tôi hiểu điều tôi đang nói. Tôi là “một con nghiện làm việc đang phục hồi”, và hiện giờ cũng không hẳn là đã cai được hoàn toàn. Tuy nhiên, tôi nhìn nhận nó là một chứng bệnh. Đây là những triệu chứng của nó: chúng ta luôn mãi thiếu thời gian cho nhiều việc phải làm. Mỗi ngày trôi qua đều quá ngắn.
Trong tiểu sử tự thuật của mình, nhà phê bình phim Roger Ebert viết: “Tôi đã lấp đầy cuộc đời của tôi quá trọn vẹn đến nỗi tôi không còn thì giờ để nghĩ về việc tôi đang sống”. Nhiều người trong chúng ta hiểu cảm giác này. Tại sao chúng ta làm như thế với mình?
Câu trả lời có lẽ làm chúng ta ngạc nhiên. Khi cuộc sống của chúng ta quá áp lực đến nỗi chúng ta không bao giờ có thì giờ suy nghĩ, sự thật chúng ta đang sống cuộc sống đó, khi chúng ta luôn thiếu thời gian và có quá nhiều việc phải làm, chúng ta đang khổ vì tham lam, một trong những mối tội đầu.
Chúng ta có khái niệm đơn giản hóa về tham lam. Khi nghĩ về một người tham lam, chúng ta hình dung đó là người keo kiệt, ích kỷ, giàu có về tiền bạc và vật chất, tích trữ sự giàu có cho riêng mình. Ít người trong chúng ta phù với phạm trù này. Sự tham lam trong chúng ta có những dạng tinh vi hơn. Hầu hết những người rộng rãi, không ích kỷ và không giàu có về tiền bạc như chúng ta thì mắc phải tham lam về trải nghiệm, tham lam về cuộc sống, thậm chí tham lam về quảng đại. Chúng ta tham lam muốn làm nhiều hơn (dù làm việc tốt) những gì thời gian cho phép.
Và nó biểu hiện ở đâu? Nó biểu hiện nơi mình mỗi khi chúng ta không bao giờ có đủ thời gian để làm việc mà (dường như) chúng ta cần phải làm. Khi nghĩ rằng hình như Chúa đã nhầm về thời gian và không phân cho chúng ta đủ thời gian thì lúc đó là lúc chúng ta lâm vào chứng tham lam. Linh mục Henri Nouwen từng mô tả nó như sau: “Cuộc sống chúng ta như chiếc vali bị nhét đầy đến nỗi những đường may bị bung ra. Thật vậy, chúng ta luôn thấy mình bị trễ lịch. Luôn biện minh, còn những việc chưa làm, những lời hứa chưa thực hiện, những dự tính chưa làm được. Luôn có một cái gì đó khác mà mà chúng ta phải nhớ, phải làm hoặc phải nói. Luôn có những người mà chúng ta chưa nói chuyện, chưa trả lời thư hay chưa thăm viếng”.
Nhưng… Chúa không lầm về thời gian Ngài cho chúng ta. Chúa cho chúng ta đủ thời gian để làm điều mà chúng ta được yêu cầu, kể cả những việc quảng đại và quên mình. Vấn đề nằm ở chúng ta và vấn đề chính là tham lam. Chúng ta muốn có nhiều hơn những gì mà cuộc đời cho phép.
Hơn nữa, trong hầu hết trường hợp, chuyện này lại dễ lý luận. Nếu kiệt sức khi phục vụ người khác, thì chúng ta dễ dàng xem việc chúng ta quá gắng sức, mệt mỏi và cảm giác ám ảnh rằng mình đang không làm đủ là một đức tính tốt, là một dạng tử đạo, là quên mình, là dâng hiến bản thân cho tha nhân. Nó đúng phần nào, có những lúc khi tình yêu, hoàn cảnh hay một khoảng thời gian trong đời đòi hỏi chúng ta phải quên mình đến cùng, kể cả Chúa Giêsu cũng nhiều lần không chịu nổi và phải cố lánh đi đến một nơi hoang vắng. Tuy nhiên, đâu phải lúc nào cũng thế. Việc người mẹ phải làm cho đứa con sơ sinh hay tuổi còn quá nhỏ thì khác với việc bà phải làm cho đứa con đã lớn khôn, đã trưởng thành. Cái là đức tính tốt trong thời gian này lại có thể thành tham lam trong hoàn cảnh khác.
Quá bận rộn ban đầu thường là đức tính tốt, rồi sau đó thường thường biến thành tính xấu, đó là một tham lam tinh vi. Việc từng là cần thiết để phục vụ tha nhân bây giờ bắt đầu phục vụ thanh danh và hình tượng bản thân hơn. Nó còn là một lối thoát tiện lợi. Khi đắm chìm trong công việc làm cho người khác, chúng ta không cần phải đối diện với những con quỷ nội tâm cũng như những con quỷ khác mà chúng ta phải đối diện trong hôn nhân, ơn gọi và các mối quan hệ. Chúng ta quá bận rộn, nhưng đây là một chứng nghiện như mọi chứng nghiện khác, trừ việc chứng nghiện này lại được xem là đức tính tốt và là cái để ca ngợi.
Đây chính là lý do mà Chúa cho chúng ta ngày xa-bát, ra lệnh cho chúng ta nghỉ làm việc mỗi tuần một ngày. Tiếc là chúng ta đang đánh mất khái niệm về ngày xa-bát. Chúng ta biến một giới răn thành gợi ý cho một phong cách sống không quan trọng lắm. Kiểu nếu làm được thì tốt, nếu bạn có thể kham được. Tuy nhiên, như tác giả Wayne Mueller viết trong quyển sách đầy thách thức về ngày xa-bát: “Nếu quên nghỉ ngơi, chúng ta sẽ làm việc quá dữ dội và quên mất những chuyện khoan dung dịu dàng hơn, quên mất những người mà chúng ta yêu thương, quên mất con cái và sự kỳ diệu tự nhiên… Nên Chúa đã cho chúng ta giới răn giữ ngày xa-bát – Hãy nhớ nghỉ ngơi”. Đây không phải là một đề xuất về lối sống, nhưng là một giới răn, cũng quan trọng như không được trộm cướp, không được giết người, không được nói dối”.
Làm việc quá sức thì không phải là một đức tính!
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch