Lời khuyên của một Giáo phụ sa mạc để tháo gỡ mối dây oán hận

Các Giáo Phụ Sa Mạc khuyên chúng ta điều gì để hướng dẫn đời sống thiêng liêng của chúng ta, trong những hoàn cảnh rất cụ thể của cuộc sống chúng ta? Đôi khi sự oán hận nổi lên và gây ra đau khổ mà không biết làm cách nào để thoát khỏi nó. Thánh Sisoes Cả đã thấy rõ: tự mình báo oán, đó là từ chối sự bảo vệ của Thiên Chúa…

Sisoès là một đan sĩ đến từ Thebaide (vùng Luxor ngày nay), trong thời kỳ phát triển rộng lớn của đời sống đan tu ở Ai Cập, vào đầu thế kỷ thứ V. Ngài là bậc thầy trong nghệ thuật dẫn dắt các tâm hồn, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng. Chẳng hạn như trong cuộc cãi vã nổ ra giữa hai ẩn sĩ. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy loại xung đột này nảy sinh giữa những người muốn sống thinh lặng. Cuộc sống hàng ngày tạo cơ hội cho nhiều sự tiếp xúc, vốn có thể trở thành nguyên nhân gây ra xích mích: xây dựng tu phòng, mua đồ nội thất cơ bản, cung cấp nước và thực phẩm, mua sách cầu nguyện, sản xuất giỏ và các vật dụng khác để có được một số nguồn lực khác. Hàng ngàn sự cố có thể làm đảo lộn cuộc sống của các ẩn sĩ đạo hạnh này. Và khi không còn lời để giải thích, cơn giận đã sôi sục rất lâu trong những trái tim nặng nề này.

Nỗi đau khổ của sự oán hận

Dù thế nào đi nữa, một trong hai anh em đã phải chịu một sự xúc phạm khiến một người anh em đặc biệt tổn thương và thôi thúc người anh em này nảy sinh ý muốn báo oán. Thật may mắn cho người anh em này, anh đã có can đảm để đến nói chuyện với cha thiêng liêng của mình, là Sisoès: “Con đã bị người anh em này xúc phạm và con muốn báo oán”. Nói thế, anh ấy không đặc biệt tự hào về điều đó, nhưng mọi chuyện đã như vậy rồi, anh ấy không thể làm gì được. Khi người cha thiêng liêng lại nói với anh ta: “Con ơi, đừng làm thế, hãy để Chúa báo oán cho con” bằng cách quy chiếu đến Thư gửi tín hữu Rôma (x. Rm 12, 19), thì vị đan sĩ này kháng cự và trả lời một cách hờn dỗi: “Con sẽ không ở yên cho đến khi con tự báo thù.” Sự oán hận của tu sĩ này vẫn còn đó và anh cảm nhận được rằng nó sẽ không rời đi. Anh không muốn đối mặt và chịu đựng nó lâu dài. Đó không còn là sự xúc phạm mà anh muốn gột rửa, nhưng là nỗi đau mà anh muốn tránh xa.

Tự mình báo oán hay phó thác vào Chúa?

Vị Thầy nhìn thấy tất cả những điều này một cách rõ ràng và không hề nản chí, ngài còn giúp khuây khỏa, ngài khuyến khích cầu nguyện: “Người anh em ơi, chúng ta hãy cầu nguyện!” Đan sĩ luôn là “người anh em”, bất chấp mong muốn trả thù của người ấy. Sisoès sẽ đề nghị gì cho người này? “Lạy Thiên Chúa của con, chúng con không cần Ngài phải lo lắng cho chúng con nữa vì chúng con đã tự mình báo oán.” Thật lạ thường ! Bằng cách đặt người này trước mặt Thiên Chúa, Sisoès cho anh ta thấy sự phi lý trong hoàn cảnh của anh ta; tự mình báo oán, đó là từ chối được Thiên Chúa bảo vệ! Như thể chúng ta sẽ an toàn hơn khi giải quyết công việc một mình! Bị Ngài bỏ rơi? Không không bao giờ! “Nghe những lời này, người anh em này quỳ xuống dưới chân vị thầy già và nói với ngài: Từ giờ trở đi, con sẽ không cãi nhau với anh này nữa; thưa cha, con xin cha tha thứ cho con”” (Sisoès, 1).

Chuyển ngữ: Tý Linh
Chuyển ngữ từ: fr.aleteia.org

Để lại một bình luận