Suy Niệm 1:
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay nói về lệnh truyền quan trọng nhất Thiên Chúa ban cho Israel, dân tộc được Người tuyển chọn. Điều răn này, Chúa Giêsu cũng đòi hỏi nơi các môn đệ, những người quyết tâm bước theo Ngài. Tại sao phải yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, và hết sức lực? Tại sao tình yêu ấy phải là trọn vẹn, chứ không chỉ một phần? Với người Do Thái, Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Chí Thánh, Đấng đã phán với dân qua các ngôn sứ, đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và chăm sóc họ trên hành trình đến Đất Hứa.
Với chúng ta, Thiên Chúa là ai?
Dù hiểu biết về Thiên Chúa còn giới hạn, chúng ta biết Người là Đấng dựng nên loài người theo hình ảnh của chính mình; vì thế, ngay từ lúc được sáng tạo, chúng ta đã thuộc về Người. Thiên Chúa không ngừng yêu thương, chăm sóc, ban muôn ân sủng cho con người, cho chúng ta làm chủ trái đất và muôn loài Người dựng nên. Thiên Chúa ban hơi thở cho ta, dưỡng nuôi trong thần khí tình yêu của Người, và luôn dõi theo chúng ta trên mọi bước đường.
Sau cuộc đời này, chúng ta sẽ trở về với Đấng đã dựng nên mình. Chỉ trong Thiên Chúa, chúng ta mới tìm thấy hạnh phúc đích thực và bền vững. Người muốn chúng ta luôn nhớ rằng mình đến từ Thiên Chúa và sẽ trở lại cùng Người, rằng Thiên Chúa yêu ta hơn bất kỳ loài thọ tạo nào. Trước khi chúng ta nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, Người đã yêu chúng ta trước. Thiên Chúa yêu đến nỗi ban Con Một để cứu độ và trao ban Thịt Máu của người Con ấy làm của ăn cho linh hồn chúng ta. Người Con ấy cũng là Thiên Chúa tối cao, vậy mà đã hạ mình xuống trần vì yêu thương, đã chịu chết trên thập giá cũng vì yêu. Còn lý do gì để ta không yêu mến Thiên Chúa hết linh hồn và trí khôn, trên hết mọi sự?
Biết Thiên Chúa là một hồng ân và yêu mến Người là một ân phúc đến từ Chúa. Nói yêu mến Chúa thì dễ, nhưng để tình yêu ấy bén rễ trong lòng và thể hiện ra bên ngoài lại không đơn giản. Bởi lẽ, “người anh em mình xem thấy mà không yêu thương được, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Ðấng mình không thấy được?” Thiên Chúa hiểu rõ điều này, nên Người dạy chúng ta phải yêu tha nhân như chính mình để bày tỏ tình yêu với Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa kêu gọi chúng con sống điều thiện hảo là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Xin ban thêm cho chúng con tình yêu và ơn Chúa để chúng con đủ sức thực hiện điều Chúa dạy. Xin củng cố đức tin trong chúng con, để nhận ra hình ảnh Chúa nơi tha nhân mà yêu mến họ, ngay cả khi chúng con cảm thấy họ không đáng yêu. Amen.
Eli Thao
Suy Niệm 2:
Tương Quan Với Thiên Chúa Và Tha Nhân
“Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh.”
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã đáp lại nhóm luật sĩ bằng giới răn “Mến Chúa và yêu người” – một điều răn mà mọi môn đệ đều phải đặt lên hàng đầu trong đời sống đức tin của mình. Thực hiện giới răn “Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình” không chỉ là con đường dẫn đến hạnh phúc Nước Trời mà còn là kim chỉ nam cho những ai theo bước chân Thầy Giê-su, giúp ta chạm đến Thiên Chúa và tha nhân.
Suy gẫm về hai điều răn chính của đạo Ki-tô giáo, ta thấy rằng đây không phải là những điều mới mẻ hay xa lạ. Giới răn ấy là những nguyên tắc Chúa Giê-su đã thiết lập, đòi hỏi chúng ta sống đúng và trọn vẹn. Nhưng giữ trọn giới răn “Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức mình” không hề dễ dàng, bởi Thiên Chúa vô hình và vô hạn, trong khi chúng ta hữu hình và giới hạn. Dù chúng ta có tuyên xưng yêu mến Thiên Chúa, nhưng đôi khi hành động của ta vẫn còn thiếu chân thành và chưa thực sự đặt Ngài lên trên hết mọi sự trong cuộc sống.
Trong cuộc sống, biết bao cám dỗ, sân si và lôi kéo khiến chúng ta xa rời mối tương quan với Thiên Chúa. Nhiều khi, trái tim chúng ta không thuộc trọn về Ngài, trí khôn suy tính theo ý riêng ta, và sức lực cạn dần trong những điều không thuộc về Chúa. Chúng ta chưa thật sự hoàn toàn quy hướng về Thiên Chúa – nguồn sống và tình yêu đích thực mà Ngài đã ban tặng để chúng ta được hưởng hạnh phúc muôn đời.
Còn với giới răn “Yêu người như chính mình”, chúng ta lại càng thấy khó thực hiện. Đó là yêu mến và đối xử với nhau bằng tình cảm chân thành, vượt qua những so đo, tính toán của bản tính nhân loại. Khi ai đó làm tổn thương hoặc gây thiệt hại, làm sao ta có thể yêu thương họ thật lòng? Nếu họ không yêu mến ta, lý do nào để ta đến với họ? Trong sự yếu đuối của mình, chúng ta dễ rơi vào tâm lý “họ không thương mình, hà cớ gì mình thương họ.”
Vì thế, Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta xem lại lòng mến đối với Chúa và tha nhân. Đối với Thiên Chúa, tôi có sống thật lòng và chân thật với Ngài không? Đối với tha nhân, tôi có đối xử tử tế và yêu thương họ đúng như tinh thần của Thầy Chí Thánh đã dạy?
Lạy Chúa Giê-su, tình yêu của chúng con còn nhiều giới hạn. Xin Ngài thắp sáng ngọn lửa yêu mến trong lòng chúng con, để chúng con biết yêu Chúa trọn tình con thảo và yêu anh chị em bằng tình thương chân thành. Amen.
M. Nhị Thơ
Suy niệm 3:
Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta chứng kiến cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu về điều răn trong Cựu Ước. Một nhà thông luật hỏi: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào trọng nhất?”
Chúa Giêsu trả lời bằng cách liên kết hai điều răn: yêu mến Thiên Chúa và yêu người. Ngài nhắc lại điều răn từ Đệ Nhị Luật: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi với tất cả lòng dạ, linh hồn và sức lực của ngươi” (Đnl 6,5), và từ Lêvi: “Ngươi hãy yêu thương người thân cận của ngươi như chính ngươi” (Lv 19,8). Qua đó, Chúa Giêsu mở rộng định nghĩa “người thân cận” là mọi người xung quanh chúng ta, không phân biệt chủng tộc, màu da, hay tôn giáo, đặc biệt là những ai đang gặp khó khăn, giống như nạn nhân trong dụ ngôn người Samari nhân hậu.
Yêu người chính là yêu Chúa, và ngược lại, yêu Chúa phải dẫn chúng ta đến yêu tha nhân. Thánh Gioan viết: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà ghét anh em mình thì là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Thật vậy, tình yêu đối với Thiên Chúa phải được chứng minh qua lòng yêu thương đối với anh chị em xung quanh, bởi “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình” (1Ga 4,21).
Yêu thương không chỉ dừng lại ở lời nói, mà phải được cụ thể hóa qua hành động. Thánh Giacôbê nhắc nhở: “Nếu người anh em hay chị em không có áo che thân, không đủ của ăn hằng ngày, anh em nói: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ những thứ họ cần, thì có ích lợi gì?” (Gc 2,15-16).
Lời dạy của Cha già Đông, nguyên Tổng Đại Diện Giáo phận Kontum, như là kim chỉ nam cho tôi: “Chúng ta có thể giúp đỡ mà không thương, nhưng đã nói thương ai thì phải giúp họ. Làm việc bác ái là hy sinh thời gian, sức khỏe và cả tài chính.”
Để giúp các Kitô hữu sống trọn vẹn tình yêu thương, Giáo Hội nhắc nhở về 14 mối thương người, gồm những việc làm thiết thực như: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, che thân cho kẻ rách rưới, thăm viếng bệnh nhân, kẻ tù đày, đón tiếp khách lạ… Những hành động này không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là tình yêu cụ thể mà chúng ta dành cho Thiên Chúa. Như Chúa Giêsu nói: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” (Mt 25,35-36).
Trong cuộc sống thường ngày, tình yêu thương sẽ làm cho chúng ta gần Thiên Chúa hơn qua những việc làm nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa. Từng hành động bác ái là lời tuyên xưng đức tin sống động và là hành trang cho chúng ta trên hành trình đức tin.
Anrê Nhật Trường