Việc không quan tâm đến những người yếu đuối nhất, ở một khía cạnh nào đó, đây là một khiếm khuyết tâm hồn…
Một số người trong chúng ta không cách nào đặt mình vào vị trí người khác và xem mình là người yếu nhất. Làm thế nào tâm hồn chúng ta lại rơi vào trạng thái này và nó có hại cho chúng ta theo cách nào? Câu trả lời của nhà tâm lý học Jacques Arènes.
“Cô không thèm quan tâm đến những người yếu đuối nhất”: một người tôi tháp tùng gần đây nói với giọng điệu nhẹ nhàng chua chát về em gái của cô. Đây không phải là lời buộc tội, nhưng là lời xác nhận có phần đau đớn khi đối diện với người mà mình thấy họ xây dựng cuộc đời chủ yếu không làm hại ai, nhưng thực chất chỉ nghĩ đến tiện nghi cá nhân, thoải mái tiêu dùng và dĩ nhiên là tiêu dùng công chính, chỉ để lương tâm được yên.
Thật ra lương tâm có được “yên” không? Tôi không tin lương tâm được “yên”, vì cũng cùng lý do, tôi nghĩ cần thiết là phải loại kiểu mặc cảm tội lỗi thái quá. Trong cả hai trường hợp, đối tượng được đặt ở trung tâm, có trách nhiệm về mọi chuyện hoặc không có trách nhiệm gì. Thật ra, lương tâm bị “áy náy” không phải là điều vô ích. Không phải giả vờ làm những gì cần thiết để có được giấc ngủ của người công chính, nhưng vì áy náy lương tâm cũng là động lực tốt. Giấc ngủ của người công chính không phải lúc nào cũng hoàn toàn yên bình, chỉ vì họ luôn bị những bất công, những đau khổ dằn vặt.
Không có khả năng cảm nhận được đau khổ của người khác
Nhà tâm lý học thấy đây là trường hợp đáng xem xét, lời xác nhận đau lòng này không phải vì lý do đạo đức, dù nó có thể chấp nhận được và hợp pháp. Nhưng việc không quan tâm đến những người yếu đuối nhất, ở một khía cạnh nào đó, đây là một khiếm khuyết tâm hồn, như thử không có khả năng đến được với những gì ở trong người mình, nên vẫn mong manh, đau đớn hoặc tổn thương. Có khi không màng quan tâm chỉ là một cách trốn vì đương sự thấy mình không thể về với lòng mình, nhận ra vết thương đã ghi dấu trên đời mình. Khi đó, nó sẽ là mối đe dọa quá mạnh của thói tự mê, sợ bị sụp đổ.
Chắc chắn nó cũng xảy ra khi tệ nạn văn hóa trong một xã hội mà nhiều người đã có được một tiêu chuẩn thoải mái nào đó, gần như một loại khiếm khuyết, một thiếu hụt bẩm sinh đến mức không nhận ra được những gì là mong manh trong chính mình và ngoài mình. Rất tiếc, vì lý do sinh lý, một số người trong chúng ta không thể phân định những uyển chuyển của bối cảnh, theo một cách bí ẩn và sâu sắc hơn có những người không làm sao nắm bắt được các tế nhị của sự mong manh, để từ đó biết tiếng nói này.
Ngôn ngữ của sự mong manh
Như những đứa bé “hoang dã” bị mê hoặc của thế kỷ 18 và 19, không có sự hiện diện của con người trong thời kỳ tiếp thu ngôn ngữ rõ ràng, chúng ta đắm mình trong môi trường văn hóa không phải lúc nào cũng dạy chúng ta ngôn ngữ mong manh. Vì thế, việc tìm kiếm thoải mái, một hình thức vô cảm, nhưng cũng là một mất mát lớn, mất mát sâu đậm để cảm nhận mình cũng là người mong manh, nhưng cũng có khả năng sáng tạo và đi tới dù với sự mong manh này.
“Cô không màng quan tâm đến những người yếu nhất”: nhận xét này gần như kèm theo một ái ngái, một tội nghiệp cho cô. Cô đã mất những gì, chúng ta đã mất những gì để bị thờ ơ như vậy? Triết gia Pháp Simone Weil khẳng định trong quyển Trọng lực và ơn sủng (La Pesanteur et la Grâce): “Tính dễ bị tổn thương là dấu hiệu của sự hiện hữu”. Vậy thì chúng ta đã mất gì trong sự hiện hữu của mình?
Marta An Nguyễn dịch(phanxico.vn)