Suy Niệm 1:
“Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”.
Môn đệ Tôma khi nghe các môn đệ khác nói cho ông biết Chúa đã phục sinh nhưng ông phản biện lại không tin, vì Tôma chưa tận mắt được thấy Chúa. Dường như ông muốn kinh nghiệm biến cố phục sinh theo cách của riêng mình. Thế nhưng, Chúa Giê-su Phục Sinh chấp nhận yêu cầu của ông khi Người hiện đến lần thứ hai và bảo Tôma: “Hãy Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”. Vậy, tại sao Tôma muốn tận tay chạm vào các thương tích của thập giá? đòi hỏi của ông có cần thiết chăng? Gặp được Thầy Giêsu sống động đi lại, nói năng và ăn uống như người thường, chẳng lẽ ông vẫn hoài nghi?
Theo Tin Mừng Gioan, việc Thầy Giêsu bị đóng đinh vào thập giá và con tim bị đâm thủng không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về cái chết thể lý của một thân xác treo trên thập giá, nhưng đối với các môn đệ, đó là nội dung giáo lý trường kỳ của Đức Giêsu: dấu đinh trên tay chân và vết thương nơi cạnh sườn nói lên sự tự hiến yêu thương và diễn tả tình yêu bao la của Thiên Chúa cứu độ. Khi hiện ra, Đức Giêsu cho các ông xem tay và cạnh sườn, hẳn Đức Giêsu muốn bày tỏ với các môn đệ của Người một ý nghĩa sâu xa, hơn là khẳng định Người đã sống lại về mặt thể lý. Ý nghĩa ấy chính là tình yêu thương xót và cứu độ của Thiên Chúa đã trở thành bất diệt và toàn thắng, biểu lộ nơi các vết thương trên thân mình phục sinh của Người. Bởi thế, chúng ta được mời gọi cảm nhận cụ thể, là tin vào điều này cách bền vững.
Hôm nay Giáo Hội mừng kính Lòng Thương Xót của Chúa, chúng ta được mời gọi hãy chạm vào vết thương của Chúa, để ta được xoa dịu vết thương của chúng ta trong đời, vì vết thương đó cho ta nhận ra dấu chỉ của tình yêu và ơn tha thứ. Kinh nghiệm của Tôma cũng là kinh nghiệm của mỗi chúng ta, ta phải được chạm bằng chính niềm tin riêng mình, khi đó chúng ta mới cảm thấu được thế nào là tình yêu vô hạn của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đến ban bình an cho các môn đệ, an ủi và hồi sinh các ông trong Thánh Thần, để họ tiếp tục sứ mạng Chúa trao. Xin Chúa hãy đến dọi chiếu ánh sáng phục sinh vào tâm trí chúng con, nhờ đó chúng con cảm nghiệm được bình an, niềm vui và hy vọng.
Xin Chúa chạm vào chúng con, để chữa lành những vết thương trong tâm hồn và nơi thân xác, hầu chúng con được đổi mới trong ơn Chúa và trở thành những người tiếp nối tình yêu của lòng thương xót Chúa đến với anh chị em. Amen.
MB
Suy Niệm 2:
Tiếp nối niềm vui Phục Sinh của Chúa Giêsu trong tuần bát nhật vừa qua, Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta một biến cố khác cũng không kém phần quan trọng xảy ra đối với các môn đệ, và cũng là bài học đức tin sâu xa dành cho người Kitô hữu trong hành trình đời sống thiêng liêng.
Như chúng ta nhận thấy giới lãnh đạo Do Thái hay một số thành phần chống đối trong dân, họ không tin nhận biến cố Chúa Giêsu Phục Sinh, điều này không có gì khiến ta ngạc nhiên. Vì làm sao có thể nói cho người không muốn nghe, chỉ cho người không muốn thấy hay giải thích cho người không muốn hiểu. Tuy nhiên, Tin Mừng hôm nay muốn chúng ta lưu tâm đến người môn đệ theo Thầy Giê-su ba năm nhưng vẫn còn nghi ngờ việc sống lại của Thầy, chính là Tô-ma, dù ông biết Thầy đã hiện ra với anh em và kể lại nhưng không tin.
Theo tường thuật của các sách Tin Mừng, việc Chúa Giêsu Phục Sinh đã được các phụ nữ trong nhóm kể lại sau khi các bà đi ra viếng mồ Chúa vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Sau đó, có bản văn Tin Mừng thuật lại việc môn đệ Phêrô và người môn đệ kia cùng chạy ra mồ khi nghe bà Mác-đa-la kể lại. Và cuối cùng, Tin Mừng hôm nay, vào buổi chiều cùng ngày hôm ấy, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ trong khi các “cửa nhà đóng kín”. Trước sự ngỡ ngàng của các ông, Chúa Giêsu ban bình an và cho họ ‘xem tay và cạnh sườn’ của Ngài. Vậy, bằng chừng đều được thuyết phục và kết luận rằng Chúa Giêsu đã sống lại thật như lời Ngài đã báo trước.
Thế nhưng, môn đệ Tôma lại vắng mặt khi Chúa Giêsu hiện ra cho anh em. Ông vắng mặt vì lý do gì Tin Mừng không nói đến, nhưng thái độ của Tô-ma sau khi nghe các môn đệ kể lại những gì đã xảy ra, ông vẫn cứng lòng không tin. Tô-ma đòi kiểm chứng bằng những dấu đinh, bằng vết thương nơi cạnh nương long…Và rồi, tám ngày sau, những gì ông muốn, Chúa Giêsu đáp ứng cho ông, nhưng thay vì kiểm chứng như mình yêu cầu, thì Tô-ma sấp mình thờ lạy và tôn vinh Thiên Chúa “Lạy Chúa, Thiên Chúa của con”.
Khi đọc lại Tin Mừng hôm nay, chúng ta dễ dàng có thái độ không mấy thiện cảm đối với Tôma. Thế nhưng, khi nhìn lại tự bản thân mỗi người trước những phép lạ hiển nhiên Chúa làm trong đời sống hằng ngày, chúng ta có dễ dàng tin nhận? Đức tin là một ơn ban nhưng không của Thiên Chúa dành cho mỗi người, nhưng điều đó vẫn đòi hỏi sự cố gắng của chính ta. Dẫu chúng ta cho rằng không biết, không thấy sao mà tin? ‘Vô tri bất mộ’, nhưng đó là lý luận của con người. Còn đối với những mầu nhiệm cao vời của Thiên Chúa, hành vi đẹp nhất chính là “không thấy mà tin”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con khi đứng trước những mầu nhiệm hay thánh ý của Thiên Chúa, luôn có tâm thế khiêm hạ trong niềm tin, để qua đó chúng con nhận ra những phép lạ vĩ đại của Chúa dành cho nhân loại và cho từng người chúng con. Amen.
Bảo Bảo
Suy Niệm 3:
Chữa Lành
Sự “cứng lòng tin” của Tô-ma trong Tin Mừng hôm nay thuật lại, dường như không phải ông không tin Chúa sống lại, nhưng là Tô-ma không thể tin nổi làm sao Chúa lại bao dung, tha thứ tất cả cho một trong những kẻ như ông đã từng quay lưng, bán đứng và chạy trốn bỏ Thầy trong cơn hoạn nạn. Vì thế, hiểu được nỗi niềm của Tô-ma cũng như của các môn đệ, nên Chúa Giê-su Phục Sinh đã hiện ra để ban bình an và củng cố niềm tin nơi các ông, đồng thời mời gọi Tô-ma “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Quả thật, tình thương của Đức Giê-su đã hóa cứng nên mềm nơi vết thương lòng của các môn đệ, bằng những vết thương chính mình, và mong họ đón nhận lòng thương xót và sự tha thứ của Người.
Thực vậy, tình yêu của Đức Giê-su là thế đó, luôn lớn hơn những sai lầm của các môn đệ và của ta. Người không trả đũa hay báo thù như những gì con người làm cho nhau, vì Đức Giê-su đủ sự nhẫn nại khi đứng trước cái ác và tội lỗi mà nhân loại gây ra, nhất là trong cuộc khổ nạn của Người. Bởi thế, khi Đức Giê-su hiện ra “đứng giữa họ” và chúc bình an để các ông an định trong tâm hồn, cũng như điểm quy chiếu trong cuộc đời của họ chính là Đức Ki-tô. Có Chúa hiện diện, các ông sẽ không còn bất an, co cụm hay khép kín trước nỗi sợ hãi với người đời, và tự ti về sự yếu hèn, lầm lỗi của chính mình nữa.
Ngoài ra, Đức Giê-su cho các ông xem “tay và cạnh sườn” của Người, và lòng họ tràn ngập niềm vui vì được ‘nhìn thấy Chúa’. Nơi đôi bàn tay này có dấu đinh xuyên qua, và mũi giáo đâm thâu cạnh sườn. Đó là bằng chứng nền tảng mà Đức Giê-su để các môn đệ nhận thấy nơi Người. Chắc hẳn, Đức Giê-su cho các ông xem vết thương ấy không nhằm khơi lại nỗi đau nơi họ, nhưng Người phơi bày vết thương cho họ hiểu rằng, Thầy đã từng trải qua những gì anh em đã trải qua, và đó cũng là dấu ấn tình yêu của Người đã hy sinh vì bạn hữu mình.
Như vậy, tất cả các môn đệ đã thỏa lòng vì được thấy Chúa, nhưng riêng Tô-ma lại vắng mặt hôm ấy, nên khi nghe anh em hào hứng chia sẻ niềm vui đó với Tô-ma, ông lại không tin. Thêm lần nữa Đức Giê-su hiện ra bảo ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy”. Ý định của Đức Giê-su mời gọi Tô-ma làm điều đó chắc hẳn không phải cho ông thỏa mãn ý muốn của ông, nhưng là cho Tô-ma và các môn đệ hiểu rằng ‘Chúa không bao giờ mất kiên nhẫn với người Chúa đã thương’, Người đã dám chết vì họ thì điều này không gì là khó. Nhưng trên hết, Đức Giê-su dùng vết thương của mình để chữa lành vết thương của Tô-ma và các môn đệ đang mang trong mình, vì cảm thấy mình không xứng đáng với tình thương của Thầy đã dành cho họ.
Cuộc đời của bạn và tôi chắc hẳn không ít lần đã hoài nghi rằng Chúa thương mình nhiều đến như vậy, chúng ta có thể phạm lỗi hết lần này đến lần khác nhưng Chúa vẫn thứ tha mà không hề mệt mỏi, qua bí tích Hòa Giải và bí tích Thánh Thể để tiên liệu cho ta được lành mạnh trong tâm hồn. Phải chăng Người nuông chiều chúng ta quá mức? Thưa không, nhưng đó là Chúa thương chúng ta hơn chính ta thương bản thân mình. Người biết chúng ta đau đớn như thế nào khi có những vết thương lòng của yếu đuối và sa ngã. Bởi nỗi đau ấy Chúa biết rất rõ, ngang qua các mối tương quan trong cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. Nên Người mời gọi bạn và tôi “Đừng cứng lòng nhưng hãy tin”.
Nguyện xin Chúa Giê-su Phục Sinh chạm vào vết thương trong chúng con, hầu chúng con được chữa lành và được tha thứ trong ơn thánh, nhờ đó chúng con cũng mang sự thứ tha của Người đến với anh em mà Chúa đã dạy chúng con trong Kinh Lạy Cha. Amen.
M. Nhị Thơ