Chúa Nhật Phục Sinh Năm B

Suy Niệm 1:

Niềm Tin Phục Sinh

 Sau biến cố cuộc tử nạn của Thầy Giê-su, chắc hẳn tâm trạng của các môn đệ đều cảm thấy chới với, mất phương hướng và xem mọi chuyện như đã kết thúc. Tâm trạng ấy cũng đã toát lên nơi Maria Mác-đa-la, mà Tin Mừng hôm nay đã kể lại khi bà sáng sớm ra mộ, nhìn thấy “Ngôi Mộ Trống”. Thật vậy, ngôi mộ trống ấy như phản ánh sự trống vắng trong tâm hồn của các môn đệ và Mác-đa-la. Thiếu vắng Chúa là sự mất mát mà không gì có thể thay thế. Đồng thời, ngôi mộ trống còn là dấu chỉ dẫn đưa bà cùng với các môn đệ tin nhận Chúa đã sống lại. Tuy nhiên, niềm tin ấy sẽ được đón nhận như thế nào khi Mác-đa-la, Phê-rô và người môn đệ kia là những người đầu tiên nhìn thấy ngôi mộ trống đó?

Trước tiên, chúng ta nhận thấy rằng ba nhân vật trên, họ không chỉ khác nhau về tuổi tác, quan niệm sống và thậm chí khác cả về quá trình hình thành nên lịch sử đời họ. Thế nhưng, ba vị ấy lại có điểm chung nhất là lòng “yêu Mến Thầy Giê-su”. Quả vậy, tình yêu họ dành cho Thầy là trọn vẹn, là chân thành. Mác-đa-la là người phụ nữ được Thầy Giê-su cứu khỏi trận mưa đá của những người Do Thái bắt quả tang vì bà phạm tội ngoại tình. Thế nên, lòng yêu mến của Mác-đa-la với Thầy thật đong đầy. Và sau khi Người chết, nỗi nhớ thương Thầy lại càng thôi thúc bà ‘sáng sớm’ chạy ra thăm mộ. Tuy nhiên, niềm tin của bà do còn bị lệ thuộc bởi tình cảm tự nhiên nên vẫn mập mờ như “trời còn tối”.

Thứ đến, khi nghe Mác-đa-la báo tin không nhìn thấy xác Chúa, cả Phê-rô và môn đệ kia cùng chạy ra mộ, nhưng người môn đệ kia đến trước. Ở đây, Tin Mừng không nhắc tên người môn đệ. Phải chăng tác giả muốn ám chỉ đến hình ảnh của những người yêu mến Thầy Giê-su? Khi người môn đệ kia đến nơi, ông “cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó nhưng không vào”. Hành động “cúi xuống” diễn tả tâm thế nhạy bén trong tình yêu của người môn đệ, khiêm cung nhận ra tình yêu của Thầy dành cho mình qua những “băng vải”, và nhờ đó, ông tin nhận rằng Thầy mình đã sống lại ngang qua những điều ông đã thấy. Lại thêm, cũng vì sự bén nhạy trong tình yêu, người môn đệ thể hiện cung cách tử tế với Phê-rô – ông biết đợi chờ, kính trọng người anh em và biết nghĩ đến người khác, cho dù người ấy còn nhiều giới hạn.

Riêng Phê-rô, chắc hẳn nỗi đau chối Thầy nơi ông trong “đêm định mệnh ấy” vẫn còn đọng lại. Ông mặc cảm tội lỗi vì mình đã không trung thành với Thầy. Thế nhưng, như thể cho mình thêm một cơ hội để được chữa lành, Phê-rô can đảm tiến vào trong mộ, ông nhìn thấy mọi thứ: băng vải, khăn che đầu được xếp gọn. Điều này làm lóe lên chút ánh sáng giúp Phê-rô dần hiểu ra cảnh tượng “ngôi mộ trống” có ý nghĩa gì! Dù là thế, Tin Mừng không nói rõ là Phê-rô tin Thầy sống lại. Tuy nhiên, trong tâm thế của người môn đệ, chúng ta có thể nói rằng, ánh sáng của Đức Ki-tô phục sinh đang đánh tan những mây mù đang phủ lấp tâm hồn Phê-rô, chẳng qua ông chưa tự tin đón nhận hồng ân ấy cách vô tư mà thôi.

Còn đối với những người được giá máu Chúa Ki-tô cứu chuộc, niềm tin về Chúa Phục Sinh có ăn nhập gì với đời sống của mỗi chúng ta chăng? Ta có dám đối diện với những thực tại khổ đau, những gánh nặng, thử thách đầy cam go và cả những lỗi tội của phận người trong niềm tin vào Đấng Phục Sinh hay không? Nếu chúng ta can đảm đối diện, thì chắc chắn ta cũng sẽ nhận ra những dấu chỉ mà Đấng Phục Sinh để lại cho những người mà Chúa yêu mến như Mác-đa-la, Phê-rô và người môn đệ xưa kia.

Nguyện xin Ánh Sáng Phục Sinh của Chúa chiếu dọi trên chúng con, để nhờ ơn thánh Chúa, chúng con được biến đổi và sống can đảm lan tỏa sự sống phục sinh của Chúa đến cho mọi người. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 2:

Ngôi Mộ Trống

Đức tin không phải là một cảm tình chóng qua hay chỉ đơn thuần là việc tuân giữ một số lề luật của Giáo Hội như: đọc kinh, đi lễ ngày Chúa Nhật v.v… để chu toàn bổn phận của người tín hữu. Nhưng đức tin còn chính là sự gặp gỡ, gắn bó và bước theo một con người cụ thể, con người ấy là chính Đức Giêsu Ki-tô. Người là trung tâm của đời sống chúng ta, đồng thời tin vào Người là chúng ta xây dựng đời mình trên nền tảng của Đức Kitô – Đấng đã làm người, chịu chết và phục sinh để cứu chuộc ta.

Vì thế, Tin Mừng hôm nay cho chúng ta nhìn vào hành trình đức tin của Mác-đa-la, cũng như của Phêrô và người môn đệ kia. Theo Tin Mừng kể lại sự việc các vị chạy ra thăm mộ Chúa, dường như các vị vẫn chưa thể đón nhận mầu nhiệm Chúa sống lại, khi các ngài nhìn thấy những dấu chỉ nơi ngôi mộ: băng vải, khăn che đầu của Đức Giê-su được xếp gọn. Tuy nhiên, người môn đệ kia đã nhận ra những dấu chỉ ấy và ông ‘đã tin’ Chúa đã sống lại.

Với Maria Mác-đa-la ‘sáng sớm’ ra mộ viếng Chúa “khi trời còn tối”, điều này chúng ta cảm nhận rằng, ánh nhìn đức tin của bà còn bị giới hạn bởi sự lo âu và tình cảm tự nhiên che khuất, nên Mác-đa-la chưa thể đón nhận ánh sáng Phục Sinh của Chúa. Và đó cũng là hành trình đức tin của chúng ta. Dù ta đã là người Ki-tô hữu, nhưng đôi khi chúng ta vẫn mờ nhạt trong đời sống đức tin do tác động nhiều hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống, hay bởi ta còn yếu lòng tin chưa dám xác tín nơi niềm tin của mình đã chọn lựa.

Cuộc sống chúng ta hôm nay, trong ánh nhìn nào đó cũng đang sống trong đêm tối của đức tin. Một số anh chị em đã đón nhận bí tích Rửa Tội nhưng không sống đức tin, sống thiếu hy vọng và thiếu yêu thương. Hôm nay ta được mời gọi sống niềm tin vào Đấng phục sinh qua dấu chỉ “Ngôi Mộ Trống”, đồng thời thôi thúc chúng ta hãy cản đảm đón nhận với ánh mắt đức tin bằng lối sống đạo đời ta mỗi ngày, nhờ đó Đức Ki-tô được sống trong chúng ta và ta sống trong Ngài.

Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin thêm đức tin cho chúng con, hầu chúng con tin Chúa đã sống lại thật và hằng ở cùng chúng con mỗi ngày. Amen.

TYM

Suy Niệm 3:

Tin Mừng Mc 16, 1-8

Vượt qua bao nỗi ám ảnh sợ hãi, các bà đi ra thăm mộ Chúa từ rất sớm. Nhưng nỗi sợ ấy chưa dứt một nỗi hoang mang khác ập đến khi các bà nhìn thấy trong mộ “Một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ” (Mc 16,5). Tuy là hoang mang, sợ hãi nhưng vẫn mang đến cho các bà niềm hy vọng, nên các bà liền đi báo tin cho các anh em môn đệ, và cho đến ngày nay Tin Mừng này đã được loan đi trên khắp bờ cõi trái đất.

Hằng ngày chúng con tham dự Thánh Lễ như cuộc Vượt Qua được hiện tại hóa trên bàn thờ. Sự chết và Phục Sinh của Chúa vẫn luôn tiếp diễn trong cuộc đời chúng con. tiệc. Thế giới chúng con đang sống, đó đây vẫn còn chiến tranh loạn lạc, nhiều tệ nạn, trộm cướp, ganh tị và lừa đảo. Liệu thế giới chúng con có đón nhận sự hiện của Chúa Phục Sinh chăng? Hay vẫn nằm yên trong nấm mộ? Phần chúng con, trái tim chúng con có cùng nhịp đập với trái tim của Chúa không? Hay đang chôn vùi trong nấm mộ của sự an toàn lạnh lùng, hoặc đóng kín của sợ hãi bởi những cái nhìn phản diện của người khác. “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?”.

Chúng con còn đang chìm ngập trong thế giới đầy phức tạp. Bản án và cái chết của Chúa vẫn tiếp diễn trong cuộc sống, là mỗi khi chúng con hiểu lầm, chỉ trích, kết tội hay xúc phạm đến nhau. Và bản án Chúa vẫn còn treo đó, khi sự thật không được chấp nhận bởi sự giả dối, chia rẻ và chống đối. Những lúc như thế, chúng con chẳng khác gì quân dữ đã đóng đinh và giết Chúa thêm lần nữa.

Lạy Chúa, xin tha thứ cho sự yếu đuối, bất toàn của chúng con, Xin Chúa thương nâng đỡ và hướng dẫn cuộc đời chúng con.

Như cô Maria Mác-đa-la ngày xưa, xin cho chúng con là những người yêu mến Thánh giá Chúa biết dâng lời nguyện cầu cho cả thế giới khi chúng con dâng thánh lễ. Cho chúng con biết dùng tình yêu của Chúa như thuốc thơm để xoa dịu vết thương của tha nhân đang cần chúng con nâng đỡ. Nguyện xin nguồn nước thánh tẩy của Chúa phục sinh tái sinh tâm hồn chúng con, để từ hôm nay chúng con mặc lại chiếc áo trắng tinh tuyền mà sống xứng đáng với danh hiệu là con cái Chúa, con cái của ánh sáng vì Chúa đã sống lại. Alleluia.

-Ephata-

Để lại một bình luận