Lòng mộ đạo là cách đến với Chúa, có lẽ đó là phương thức trực quan và tự phát nhất.
Những biểu hiện phổ biến của lòng mộ đạo bình dân như các cuộc hành hương, các lễ cầu mùa, các tuần cửu nhật luôn thu hút giáo dân. Nhưng Giáo hội nghĩ gì? Và đâu là giới hạn của mê tín? Phỏng vấn linh mục Maximilien de la Martinière của một giáo xứ đa văn hóa ở Yvelines, Pháp và là tác giả quyển sách Lòng mộ đạo bình dân, một cơ hội để truyền giáo (La piété populaire, une chance pour l’évangélisation, nxb. Médiaspaul).
Những câu hỏi lớn về đức tin
Lòng mộ đạo bình dân từ thuở đầu là gì?
Linh mục Maximilien de la Martinière: Lòng mộ đạo là cách đến với Chúa, có lẽ đó là phương thức trực quan và tự phát nhất. Phương thức quan hệ này phụ thuộc từng văn hóa nơi người giáo dân ở. Chúng ta thấy rõ điều này khi các giáo dân ở các văn hóa khác đến giáo xứ chúng ta. Mối quan hệ của họ với Thiên Chúa được biểu hiện qua các sắc thái khác nhau như làm tuần cửu nhật, có những điệu múa, đám rước, phép lành… Khi trong một văn hóa mà tôn giáo rất hiện diện, thì chính trong những quy tắc của tôn giáo này mà người giáo dân rút ra những gì thúc đẩy lòng mộ đạo của họ. Còn như ngày nay, khi chúng ta sống trong một văn hóa mà tôn giáo ít quan trọng – các nhà xã hội học nói đó là loại “suy thoái văn hóa kitô giáo” thì chúng ta nuôi dưỡng lòng mộ đạo bằng những gì chúng ta có trong tay: thuyết tâm linh, triết học phương Đông… dù phải lắp ráp theo thế giới quan của chúng ta, lúc thì rẽ phải, lúc rẽ trái. Giờ đây, trong số tất cả những điều này, vẫn còn có sự phong phú của lòng mộ đạo bình dân, dễ áp dụng hơn nhiều so với chính việc thực hành tôn giáo.
Vì sao giáo dân lại gắn bó với lòng mộ đạo bình dân này?
Đạo công giáo, là đòi hỏi! Đi theo Chúa Giêsu Kitô bao hàm việc tôn trọng các điều răn, áp dụng một đạo đức nào đó. Bạn không thể được rửa tội nếu không học xong khóa dự tòng. Trong khi lòng mộ đạo bình dân có khía cạnh cá nhân, dễ tiếp cận và linh hoạt trong thực hành: tự mình làm tuần cửu nhật hoặc thắp một ngọn nến ở nhà thì dễ hơn là đi lễ. Và điều này rất phù hợp với các quy tắc của nền văn hóa hậu hiện đại chúng ta. Làm “theo ý mình” với lòng đạo đức hơn là tuân theo các quy tắc của tôn giáo. Ngoài ra còn có một hiện tượng thời trang là “làm lại” các nguồn lực của lòng mộ đạo bình dân. Vì vậy, ngày nay chúng ta đang làm nổi bật các thánh ít được biết đến với đặc sủng đặc biệt; lòng mộ đạo bình dân đã làm cho việc cầu nguyện với Đức Mẹ tháo bỏ nút thắt được biết đến, điều hoàn toàn chưa được biết đến cách đây vài thập kỷ.Những quy tắc về lòng đạo đức bình dân này nói với những người ở vùng ngoại vi Giáo hội, nhưng cũng áp dụng với “người công giáo nội vi”, họ áp dụng một cách rộng rãi. Tôi nghĩ đến giáo dân đến từ các nền văn hóa khác, họ đặc biệt nhạy cảm với các phép lành (nến, tuần cửu nhật, v.v.).
Giáo hội nhìn nhận lòng đạo đức bình dân như thế nào?
Trong Kinh thánh có nói đến lòng đạo đức bình dân. Chương 19 sách Công vụ Tông đồ, Thánh Phaolô chữa lành và giáo dân dùng khăn chạm vào tay ngài trong hy vọng giữ được một phần quyền lực của ngài.
Việc thực hành lòng mộ đạo bình dân luôn tồn tại bên lề của cái mà tôi gọi là “thể chế Giáo hội” (giám mục, linh mục, bí tích, phụng vụ, thần học, v.v.) và ranh giới giữa hai điều này rất mong manh. Vì vậy, khi các linh mục cử hành thánh lễ cầu mưa, thể chế Giáo hội có liên quan. Nhưng khi giáo dân làm các nghi thức một mình, thì Giáo hội không liên quan. Vào thời Trung cổ, các tu sĩ cầu nguyện trong tuần với 150 bài thánh vịnh bằng tiếng la-tinh. Những người sống xung quanh tu viện tự hỏi: “Chúng ta sẽ lên Thiên đàng nếu chúng ta cũng cầu nguyện như họ”. Nhưng họ không biết tiếng la-tinh! Để đáp ứng nhu cầu của họ, chuỗi Mân Côi ra đời, thay thế 150 bài thánh vịnh bằng Kinh Kính Mừng. Có thể tổ chức Giáo hội đôi khi nghi ngờ lòng đạo đức, nhưng trong những trường hợp khác lại ủng hộ lòng đạo đức này.
Như thế đâu là giới hạn của sự mê tín?
Mê tín xuất hiện khi những nghi thức này được thúc đẩy bởi nỗi sợ về những gì có thể xảy ra, dẫn đến sự cứng nhắc tột độ. Sự sợ hãi dẫn đến việc đi tìm cỏ ba lá hoặc cỏ bốn lá (để được may mắn), nghĩ rằng đó là sức mạnh bảo vệ. Có một người đến gặp tôi tâm sự những khó khăn họ gặp trong cuộc sống, tôi khuyên họ làm tuần cửu nhật kính Đức Mẹ tháo gỡ nút thắt, mười ngày sau họ trở lại nói: “Tôi sẽ không được nhận lời vì tôi bị sót một ngày”, tôi nhận ra sự mê tín vì người này nghĩ rằng mọi thứ không giống như yêu cầu nên lời cầu nguyện của họ không hiệu quả.
Dấu hiệu rõ ràng nhất của mê tín là gắn bó chặt chẽ với tiến trình và điều kiện của hành động, trong đó mọi chi tiết đều có giá trị: họ chỉ được ban phước cho một số ngày nhất định, theo một hình thức cụ thể sẽ đảm bảo hiệu quả, ở những nơi nhất định, với một số người nhất định. Chúng ta không mê tín khi hình thức phục vụ cho ý nghĩa (ví dụ nước tượng trưng cho thanh lọc) và quy tắc giải thích áp dụng cho mọi người, không giống như các thực hành ma thuật chỉ dành cho những người trong cuộc. Ngày nay, nguy cơ mê tín càng lớn hơn vì không còn những chuẩn mực, những quy tắc, biểu tượng được công nhận, được mọi người chia sẻ, đến mức mỗi người phải tự đặt ra cho mình với nguy cơ bị mê tín cao.
Giải pháp nào cho cám dỗ mê tín này?
Để thoát khỏi nó, chúng ta phải hiểu rõ ba chiều kích của lòng mộ đạo bình dân: chiều kích nghi lễ (tuần cửu nhật, hành hương, thắp nến, v.v.), chiều kích thần bí (khi thắp nến, tôi tâm sự với Đức Mẹ một mâu thuẫn với người hàng xóm chẳng hạn, tôi nói chuyện với Chúa hoặc với một thánh mà tôi yêu quý), và chiều kích đạo đức liên quan (sau khi cầu nguyện với Đức Mẹ, tôi sẽ qua nhà hàng xóm để giải hòa).
Ngày nay lòng mộ đạo bình dân là cách mà nhiều người liên hệ với Thiên Chúa. Tôi nghĩ chúng ta phải đầu tư và khuyến khích nó, đặc biệt là ở giáo xứ vì nó có thể trở thành phương thuốc chữa trị chủ nghĩa cá nhân. Nếu một giáo xứ lần hạt hoặc rước kiệu, lòng đạo đức sẽ mang tính cộng đoàn, và do đó thuộc thứ trật Nhiệm thể Chúa Kitô.
Marta An Nguyễn dịch(phanxico.vn)