Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm A – Kính Trọng Thể Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Suy niệm 1:

Lời Kinh Xin Vâng

Trong cuộc đời mỗi người chắc hẳn không ít lần chúng ta có được những cuộc gặp gỡ đặc biệt quan trọng. Có nhiều cuộc gặp được lên lịch trình sẵn, nhưng cũng không thiếu những cuộc gặp bất ngờ hay là “cuộc gặp định mệnh”. Và sau đó, cuộc đời của chúng ta được hoàn toàn thay đổi theo một hướng đi mà chúng ta không ngờ trước được.

Tin mừng Chúa Nhật đầu tháng Mân Côi hôm nay, Giáo Hội nhắc lại cho con cái mình một cuộc “gặp gỡ định mệnh” giữa một thiếu nữ ở làng quê nghèo và một thiên sứ cao trọng. Cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của cô thiếu nữ và thay đổi luôn cả lịch sử của nhân loại. Đó là cuộc gặp gỡ giữa thiên thần Gabriel và Mẹ Maria.

Trong bối cảnh đất nước Do Thái đang bị người Rôma đô hộ, thì việc trông mong vào sự xuất hiện của một vị Cứu Thế theo lời hứa của Thiên Chúa mà từ ngàn xưa các tiên tri đã loan báo là điều tối quan trọng trong lúc này. Không ai biết được Vị Cứu Thế ấy sẽ như thế nào nhưng nguyên việc được làm mẹ của Đấng cứu thế đã là một vinh dự lớn lao rồi. Vì thế, đã là một người phụ nữ Do Thái thì chắc hẳn ai ai cũng mong muốn bản thân được hưởng phần phúc ấy. Không biết chắc Mẹ Maria có suy nghĩ ấy không nhưng điều Mẹ không ngờ tới đó là “giữa muôn ngàn phụ nữ, Chúa đã tuyển chọn người”.

Việc Mẹ Maria trở thành Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa không hẳn chỉ do Thiên Chúa dùng tình yêu của Ngài mà cất nhắc Mẹ lên. Nhưng song song đó vẫn là tiếng thưa Xin Vâng được Mẹ Maria cất lên từ một tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu đối với Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài. Là một thiếu nữ như bao thiếu nữ khác, Mẹ Maria vẫn có ước mơ, dự tính cho tương lai của mình. Bằng chứng là Mẹ đã được đính hôn với Thánh Cả Giuse và chỉ đợi chờ đến ngày về chung một nhà. Một hạnh phúc tưởng chừng rất giản đơn mà bao người thiếu nữ đều trông mong. Nhưng “lời mời gọi của Chúa luôn gây xáo trộn đời con, bao dự định riêng tư dường như mất hút trong đời…”

Thiên Chúa muốn Mẹ Maria cộng tác trong công cuộc cứu rỗi nhân loại qua việc cưu mang Con Thiên Chúa và đồng hành với Ngài trong cuộc đời dương thế. Tuy chưa biết được tương lai thế nào, nhưng sau tiếng Xin Vâng được Mẹ cất lên với sứ thần thì ngay từ giờ phút ấy cuộc đời của Mẹ đã rẽ sang một hướng khác. Mẹ không còn làm chủ cuộc đời mình theo sở thích hay mưu cầu hạnh phúc riêng cho bản thân nhưng để Chúa dẫn dắt theo chương trình và thánh ý của Ngài. Và qua Kinh Thánh, chúng ta biết được rằng, cuộc đời của Mẹ là một chuỗi những lời thưa Xin Vâng nối tiếp nhau: từ hang Bêlem cho đến đỉnh núi Sọ. Mẹ là mẫu gương trọn hảo cho nhân loại về lòng tín thác vào một Thiên Chúa đầy quyền năng và tình yêu thương.

Tháng Mân Côi lại về với người tín hữu. Qua việc suy ngắm từng Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu trong chuỗi Mân Côi, chúng con càng yêu mến Mẹ Maria nhiều hơn. Vì cuộc đời Mẹ Maria luôn song hành với cuộc đời của Chúa Giê-su. Quyền năng của Chúa Giê-su tại tiệc cưới Cana cũng là niềm vui của Mẹ Maria. Tiếng xin vâng của Ngài trong vườn cây dầu cũng là tiếng xin vâng thầm lặng của Mẹ dưới chân thập giá. Vinh quang Phục Sinh của Đấng chiến thắng sự chết cũng là lời tôn vinh ngàn đời của Mẹ trên thiên đình.

Lạy Chúa, đời chúng con cũng là một chuỗi Mân Côi: hạt Thương, hạt Sáng, hạt Vui, hạt Mừng. Xin cho chúng con biết ngày đêm chiêm ngắm không ngừng… như cây nến cháy nhỏ từng lời kinh.

Bảo Bảo

Suy niệm 2:

Đến Với Chúa Giê-su Nhờ Mẹ Ma-ri-a

Trong lịch phụng vụ, tháng 10 có tên là tháng Mân côi. Suốt tháng này, lòng sùng kính của Giáo Hội đối với Đức Mẹ được thể hiện qua việc cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.

Hôm nay chúng ta Mừng Lễ Mẹ Mân Côi là dịp để chúng ta nhìn về Mẹ và tôn vinh Mẹ. Chúng ta đến với Mẹ Maria không phải vì Mẹ mà thôi, mà nhờ Mẹ chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con Mẹ. Vì khi lần chuỗi Mân Côi, chúng ta lặp lại những lời thiên thần Gabrien chào Mẹ, báo cho Mẹ tin vui. Nhờ đó, cùng với Mẹ, chúng ta đi vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu trong trần gian này, từ khi đến trong cung lòng Mẹ đến ngày sống lại vinh hiển. Đồng thời, Giáo hội thêm vào đó lời cầu khẩn xin Mẹ thương nâng đỡ phù trì: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con … và trong giờ lâm tử”. Điều này làm cho chúng ta cảm thấy gần gũi với Mẹ, với Chúa hơn, cảm thấy Mẹ luôn hiện diện trong cuộc sống chúng ta.

Dưới chân thập giá, Mẹ đã nhận cả nhân loại làm con cái Mẹ qua Thánh Gioan. Mẹ là Mẹ của mỗi người chúng ta. Một tình yêu thật thiêng liêng và tuyệt vời. Lịch sử Giáo Hội, biết bao lần Mẹ đã ra tay cứu giúp; nhiều lần hiện ra ở nhiều nơi trên thế giới. Những lúc con thuyền Giáo Hội gặp khó khăn, thách đố khi chạy đến với Mẹ qua việc lần hạt Mân Côi cũng đều được bình an; những gương sáng sùng kính Mẹ qua việc lần hạt Mân Côi: Đức Giáo Hoàng của Kinh Mân Côi, vị Thánh của Kinh Mân Côi. Gần đây nhất, trong thời đại dịch, lời cầu khẩn thiết tha của Giáo Hội với Chúa cũng qua việc lần hạt Mân Côi.

Cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những khó nguy, vẫn còn đó sức mạnh của sự dữ, khiến chúng ta cảm thấy bất lực và sợ hãy. Hãy đến với Mẹ, nhờ Mẹ dẫn đưa chúng ta đến với Chúa. Kinh Mân Côi là một hình thức đạo đức bình dân, là một phương thức cầu nguyện dành cho tất cả mọi tín hữu, dù tín hữu đó là một nhà bác học hay một người nông dân, là Giáo Hoàng hay một giáo dân bình thường. Đừng ngần ngại cầm lấy tràng chuỗi Mân Côi để nối kết cuộc sống chúng ta với cuộc sống của Mẹ và Chúa Giêsu. Hãy hy sinh một chút thời giờ để đến bên Mẹ, tỏ tình con thảo với Mẹ và để nương nhờ vào Mẹ và cầu nguyện cho biết bao nhiêu người anh chị em chúng ta đang đau khổ. Và hãy xin Mẹ trao Chúa Giêsu cho chúng ta như khi xưa Mẹ đã sinh ra Ngài cho chúng ta. Và chắc chắn Mẹ sẽ không bao giờ từ chối cứu giúp chúng ta mỗi khi chúng ta kêu cầu Mẹ.

Trên chuyến xe lửa đi Paris, có một chàng thanh niên mặt mũi sáng sủa, trên tay ôm một chồng sách dày. Trong toa đối diện với anh là một cụ già, tay cầm tràng chuỗi Mân côi lâm râm đọc kinh.

Chờ tới khi cụ già đọc kinh xong, chàng trai lên tiếng: “Cụ ơi! Đến thời buổi này mà cụ còn đọc thứ kinh chỉ dành cho đám đàn bà con nít kia sao?”.

Cụ già ngước nhìn chàng thanh niên ôn tồn trả lời: “Cám ơn cậu, cậu trông có vẻ thông thái đó. Vậy xin cậu cho tôi biết quan điểm của cậu thế nào về khoa học và đức tin ?”.

Thế là chàng trai có dịp nói về bản thân : Anh là sinh viên đang theo học năm cuối tại trường đại học Bách Khoa tại thủ đô Paris; Anh khuyên cụ già hãy thôi đọc mấy thứ kinh lẩm cẩm kia đi, vì rồi đây khoa học tiến bộ sẽ xây dựng một thế giới mới không cần đến tôn giáo nữa. Rồi anh chàng bắt đầu thao thao thuyết giảng cho cụ già về đề tài khoa học và đức tin cả nửa tiếng đồng hồ.

Cụ già cứ im lặng chăm chú lắng nghe anh chàng nói. Đến khi sắp tới ga về nhà, cụ mời anh khi nào thuận tiện đến chơi nhà cụ tiếp tục hướng dẫn cho cụ, rồi cụ trao cho anh một danh thiếp.

Khi nhìn vào tấm danh thiếp, anh chàng có cảm tưởng như từ trên trời rơi xuống, khi đọc thấy tên và địa chỉ của một nhà khoa học lừng danh mà anh luôn tâm phục khẩu phục như sau: “Louis Pasteur, Viện Hàn Lâm Khoa Học Paris”.

Mừng Lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay cũng như tháng kính Mẹ này, xin cho mỗi người chúng ta luôn nhớ lời Mẹ dạy qua lời nhắn nhủ của Mẹ với Ba trẻ khi hiện ra ở Fatima: Ăn năn đền tội, Cải thiện đời sống, Lần chuỗi Mân Côi đồng thời xin cho chúng ta biết chạy đến với Mẹ, luôn gắn bó với Mẹ, luôn cậy dựa vào Mẹ để nhờ Mẹ đưa dẫn chúng ta đến với Chúa, nhờ đó chúng ta cũng như tha nhân lãnh nhận được muôn vàn ơn lành hồn xác. Amen.

Fiat

Suy niệm 3:

Trách Nhiệm trong Tình Yêu

 “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Quả thật, hai tiếng “xin vâng” của Đức Maria như ân huệ mở đầu cho công trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện trong cuộc đời Mẹ, lời xin vâng ấy diễn tả cho chúng ta nhận thấy trách nhiệm trong tình yêu của Đức Maria dành riêng cho Thiên Chúa, và cho Ngôi Lời Mẹ cưu mang như thế nào. Do Mẹ hiểu rằng nơi tình yêu có trách nhiệm là tình yêu không giữ gì cho riêng mình, nhưng là trao ban tình yêu và sống phụ thuộc vào Thiên Chúa mà lời Mẹ xướng lên trong bài ca Magnificat: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”.

Bởi thế, khi chúng ta nhìn lại khung cảnh sứ thần Gabriel loan tin cho Mẹ và Mẹ đón nhận lời loan báo đó, chắc hẳn, Mẹ không lãnh nhận bằng tâm thế là muốn trải nghiệm ra sao, nhưng Mẹ thể hiện cung cách người “nữ tỳ của Chúa” – vâng theo ý Thiên Chúa, hoàn toàn đặt vận mệnh đời mình cho Thiên Chúa định liệu. Từ đó Đức Maria bắt đầu sống lời xin vâng của người nữ tỳ Thiên Chúa, bằng việc Mẹ hối hả lên đường đến giúp đỡ người chị họ Elisabet cách hồn nhiên, khiêm tốn và phục vụ với tinh thần của người tôi tớ.

Lại thêm, trong tâm thế nữ tỳ Thiên Chúa khi Mẹ khiêm tốn lặng thinh trước nghi ngờ của Thánh Giuse, vì trước khi hai ông bà về chung sống, Mẹ đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”.Và sau cùng, người nữ tỳ Thiên Chúa là khi Mẹ đã đón nhận mọi khổ đau, cơ cực từ lúc sinh Hài Nhi Giêsu trong hang bò lừa, đem con đi trốn vua Hêrôđê, đến những ngày lạc mất Giê-su ở Giêrusalem, rồi tháng năm dong duổi đi truyền giáo bên Con Mẹ chịu bao chống đối, đe dọa bủa vây, và cuối cùng là đường Thánh Giá lên Núi Sọ. Ở đó Mẹ đã đứng nhìn con yêu dấu chịu đóng đinh, chết tức tưởi như người tôi tớ đau khổ, tưởng chừng như bị Thiên Chúa bỏ rơi vì yêu nhân loại. Thật vậy, tất cả hành vi Mẹ thể hiện, lối sống Mẹ trải qua là Mẹ sống trọn trách nhiệm trong tình yêu của phút giây ban đầu khi dâng hiến Thiên Chúa trong lời “Fiat” xưa.

Biết bao gian khó ngang qua cuộc đời Mẹ nhưng Mẹ vẫn giữ được tình yêu son sắt với Thiên Chúa. Vì chưng, Mẹ không để cho lòng tự kiêu làm chủ cuộc đời mình nên Mẹ không thoái thác, thay vào đó, Mẹ xông pha lên đường gánh vác, nhập cuộc trong khiêm nhu và phó thác với tình yêu vô biên của Thiên Chúa, để rồi ân phúc cứu độ chúng ta được hưởng là nhờ một phần phúc ân của Mẹ dành cho chúng ta.

Trong tâm tình mừng kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, xin Mẹ Maria cho chúng con biết học nơi Mẹ lòng trung kiên, sự sắt son và trách nhiệm trong tình yêu, hầu chúng con có thể dễ dàng vượt qua mọi gian khó cuộc đời, để chúng con dám gánh vác trách nhiệm như Mẹ, nhất là xin vâng ý Chúa cách trọn hảo nơi mọi hoạt động đời sống chúng con. Amen.

M. Nhị Thơ

Để lại một bình luận