Hội chứng bị bỏ rơi

Làm thế nào để đối phó với tình trạng trên đây? Đề nghị trước hết là thay đổi bầu khí gia đình: cha mẹ cần ý thức được căn nguyên xử sự của con cái, biết can đảm dành thời giờ quan tâm đến những nhu cầu của con cái.

Em, một cô gái 18 tuổi, em ít khi ở nhà, hoặc nếu có ở nhà, em thường nằm trên giường cả mấy tiếng đồng hồ. Nhiều bạn bè tìm kiếm em, có lẽ vì sự quảng đại giúp đỡ của em, thế nhưng em lại thiếu bền tâm trong công việc. Em cũng hay thay đổi bạn bè và chương trình; nếu có hẹn với ai, em ít khi giữ đúng lời hẹn. Em cũng làm biếng học và thường gặp nhiều khó khăn, nhưng xem ra em lại tự cho mình là thông giỏi. Trong gia đình em gặp nhiều căng thẳng xung khắc với cha mẹ. Phải khuyên em như thế nào đây?

Những mô tả về tính tình và cách sống của cô gái trên có thể gồm tóm trong một đặc tính tâm lý được gọi là hội chứng bị bỏ rơi. Ở đây không nhấn mạnh đến sự bỏ rơi theo nghĩa đen, chẳng hạn bị xa cách cha mẹ, như trường hợp cha mẹ ly dị hoặc ly thân, nhưng là hoàn cảnh bị bỏ rơi về mặt tâm lý, nghĩa là sự kiện con cái, mặc dù ở gần bên cha mẹ, nhưng rất ít được cha mẹ lưu tâm đến việc giáo dục và sự trưởng thành toàn diện của chúng. Hội chứng này thường xuất hiện khi cha mẹ quá bận rộn với công việc, không còn thời giờ để chứng tỏ tình thương và chăm sóc con cái, kết quả là con cái được tự do, nhưng lại không được huấn luyện sử dụng tự do đó một cách khôn ngoan đúng đắn.

Một số đặc tính chung nơi các em có hội chứng bị bỏ rơi tâm lý, là tính bạo dạn, dễ làm quen kết bạn với người khác, thông minh trước tuổi và rất tự lập, các em sớm bị mất một phương cách học hỏi căn bản và quan trọng nhất trong bước đầu đường đời, và do đó khi lớn lên các em cũng không biết thiết lập tình bạn mật thiết và bền bỉ với ai. Nếu không được huấn luyện và bù đắp kịp thời sự mất mát đó, các em sẽ bị thiệt thòi trong sự phát triển toàn diện và sẽ mất đi một yếu tố quan trọng trong liên hệ xã hội là tình yêu thương tha nhân.

Ngoài những đặc tính chung, còn có những đặc điểm khác nơi người có hội chứng bị bỏ rơi, điển hình là tính dửng dưng và cũng là căn nguyên của tính bồng bột, thiếu bền tâm đi đến một công việc nào. Sự thiếu chú tâm này là hệ quả của sự hiện diện lạnh nhạt dửng dưng của cha mẹ khi con cái còn thơ ấu, nghĩa là con cái thiếu người hướng dẫn, chỉ bảo và khích lệ. Sự lạnh nhạt dửng dưng của cha mẹ làm héo dần cảm hứng và sự thích thú của tuổi thơ, vì thế các em sinh ra lười biếng, nhàm chán để cho thấy rằng vì ai và vì ý gì các em phải chịu khổ. Thái độ dửng dưng bất cần được biểu lộ ngay từ thời thơ ấu qua các trò chơi, bắt đầu từ trò chơi này rồi bỏ sang trò chơi khác; đến tuổi đi học thường lêu lổng trong việc học hành; đến tuổi chọn nghề nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn: bắt tay vào công việc nhưng rồi lại mau chán, việc nào cũng không vừa ý, và nếu có làm thì chỉ làm tới mức tối thiểu để được lãnh lương hoặc để khỏi bị sa thải, công việc lúc đó chỉ là gánh nặng và chỉ có ý nghĩa vì sự sống còn mà thôi.

Làm thế nào để đối phó với tình trạng trên đây? Đề nghị trước hết là thay đổi bầu khí gia đình: cha mẹ cần ý thức được căn nguyên xử sự của con cái, biết can đảm dành thời giờ quan tâm đến những nhu cầu của con cái. “Nhưng tôi không có thời giờ cho con cái” đó là câu nói thường được thốt lên trên môi miệng của các cha me ngày nay. Thật ra, nhiều khi không hẳn là không có thời giờ, nhưng là thiếu động lực hoặc lý do chính đáng để dành thời giờ cho con cái. Đây là lúc cần đặt lại vấn đề: đâu là giá trị cao cả hơn: lo làm việc để có nhiều tiền và chạy theo nếp sống trưởng giả hay là hạnh phúc và nhu cầu tinh thần của con cái? Trên thực tế, không thể thiết lập mối liên hệ mật thiết với con cái, nếu cha mẹ coi trọng mọi sự hơn là chính con cái. Tuy không diễn tả bằng lời nói, nhưng qua cử chỉ và cách đối xử của cha mẹ. con cái cũng có đủ trực giác để hiểu rằng mình là gánh nặng của cha mẹ, là ngoài sự mong muốn của cha mẹ và do đó không được cha mẹ quan tâm tới.

Riêng về phía bạn, nếu bạn khám phá ra rằng sở dĩ bạn cảm thấy bất an, thiếu bền tâm, thiếu hứng khởi trong cuộc sống vì vết thương đã ăn sâu trong tâm hồn từ hồi niên thiếu, thì bạn sẽ làm gì? Phải chăng bạn đành buông xuôi và oán trách cha mẹ vì những gì bạn không lãnh nhận được? Chúng ta đừng quên rằng không ai có quyền chọn lựa cha mẹ để sinh ra và cũng không ai sinh trưởng trong một gia đình hoàn hảo cả, hơn nữa những giải thích trên đây chỉ là kết quả kinh nghiệm của khoa tâm lý. Thật ra, vấn đề không quá đơn giản như thế, bởi vì con người là một bí nhiệm ngay cả với chính bản thân. Có nhiều lý do và động lực thúc đẩy chúng ta hành động, điều quan trọng là mỗi người có can đảm nhìn vào con người thực của mình và tự khám phá ra ánh sáng và bóng tối của mình. Người Ý có nói: mỗi người sinh ra trên đời đều có một cái túi đeo trên vai, vì thế cần phải khám phá kho tàng sẵn có trong đó và tận dụng nó trong hành trình đường đời. Đó là trách nhiệm và sự chọn lựa của bạn: bạn có thể trọng dụng hay vứt bỏ kho tàng, bạn vẫn còn thời giờ để bù đắp những gì còn thiếu trong quá khứ nếu bạn biết nhìn về tương lai với đôi mắt lạc quan tin tưởng. Như thánh Phaolô đã khẳng định: “Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”, dĩ nhiên là nhờ sức mạnh của Chúa Kitô.

Pasquale Ionata(dongten.net)

Để lại một bình luận