Sự thật đáng kinh ngạc: Áo gối chứa lượng vi khuẩn gần gấp 20,000 lần so với bồn cầu

Trước khi đi ngủ, chúng ta đi tắm, rửa mặt, thậm chí còn thay quần áo ngủ. Tuy nhiên chúng ta lại không thường xuyên vệ sinh áo gối và ga trải giường. Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng chỉ sau một tuần sử dụng, áo gối đã chứa lượng vi khuẩn gấp 20,000 lần so với bồn cầu.

Chúng ta dành khoảng một phần ba cuộc đời cho việc ngủ. Người lớn khỏe mạnh cần ngủ ít nhất bảy giờ mỗi ngày, trong khi trẻ dưới 1 tuổi và thanh thiếu niên thậm chí còn ngủ nhiều hơn. Theo một cuộc khảo sát do Hiệp hội Giấc ngủ Quốc gia thực hiện, 73% số người được hỏi cho biết rằng ga trải giường thoải mái là điều quan trọng để có được một giấc ngủ ngon và 68% cho rằng phòng ngủ sạch sẽ góp phần mang lại giấc ngủ ngon hơn. Kết quả còn chỉ ra rằng giường ngủ sạch sẽ có thể góp phần cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Tuy nhiên, ga trải giường có thể không sạch sẽ như chúng ta tưởng tượng. Trên thực tế, đây thường là nơi mạt bụi và vi khuẩn sinh sản khiến ga trải giường trở thành “điểm mù vệ sinh” trong nhà của chúng ta.

Nếu không được giặt trong bốn tuần, áo gối sẽ chứa lượng vi khuẩn nhiều gấp 39 lần so với bát ăn của thú cưng, trong khi ga trải giường chứa lượng vi khuẩn nhiều gấp 5.4 lần so với hộp đựng bàn chải đánh răng. Ngoài ra, áo gối không được giặt chỉ trong một tuần có số lượng vi khuẩn gấp 17,442 lần so với bồn cầu!

Bốn chủng vi khuẩn chính có trong chăn ga gối đệm gồm vi khuẩn hình que gram âm (41.45%), vi khuẩn hình que gram dương (24.94%), trực khuẩn (23.38%) và cầu khuẩn gram dương (10.23%).

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, hầu hết các vi khuẩn gram âm đều nguy hiểm và có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Còn trực khuẩn là nguyên nhân quan trọng gây ngộ độc thực phẩm và nhiễm trùng.

Một cuộc khảo sát năm 2014 do YouGov, một tổ chức nghiên cứu dư luận ở Anh thực hiện, cho thấy 33% người tham gia cho biết họ giặt ga trải giường mỗi tuần một lần, trong khi 14% đợi ít nhất một tháng mới giặt một lần.

Năm 2015, Yahoo đã khảo sát thói quen thay ga trải giường của 1,187 độc giả. Kết quả cho thấy chỉ có 44% người được khảo sát giặt ga trải giường mỗi tuần một lần, 31% giặt hai lần một tháng và 16% giặt một lần một tháng. Ngoài ra, 32% cho biết họ hiếm khi thay gối.

Mỗi khi nằm hoặc ngồi trên giường, lớp da chết cùng với bụi bẩn, mồ hôi hoặc dầu tích tụ trên bề mặt da chúng ta suốt cả ngày sẽ bám vào ga giường. Ngay cả khi chúng ta đã rửa mặt hoặc tắm trước khi ngủ, ga giường vẫn có thể dính các vết mỹ phẩm và kem dưỡng da không bị rửa trôi. Ngoài ra, bụi và các chất gây dị ứng, bao gồm cả mạt bụi, có thể tích tụ dần dần theo thời gian, sau đó xâm nhập vào ga trải giường, gối và nệm.

Mạt bụi là loài động vật chân đốt siêu nhỏ phổ biến ở trong nhà. Mặc dù mạt bụi không cắn người nhưng có thể gây phát ban, kích ứng da và có khả năng làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng đối với nhiều người. Mạt bụi sống dựa vào các tế bào da chết và có thể sinh sản với số lượng lớn. Ngay cả khi không bị dị ứng với mạt bụi, bạn cũng sẽ không muốn ngủ chung giường với hàng ngàn con mạt bụi.

Ngoài mạt bụi, giường ngủ của chúng ta còn chứa nhiều loại nấm. Những chiếc gối lông vũ và [tơ sợi] tổng hợp được sử dụng từ 1.5 đến 20 năm có thể chứa tới 16 loại nấm. Trong đó, loại nấm phổ biến nhất là Aspergillus fumigatus, có thể gây ra bệnh aspergillosis, căn bệnh gây tử vong hàng đầu trên bệnh nhân ung thư máu và ghép tủy xương. Hơn nữa, nấm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn ở người lớn.

Sự tích tụ của vi khuẩn, dầu, bụi bẩn, mồ hôi, và các chất gây dị ứng trên ga trải giường bẩn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, dẫn đến nổi mụn trên da, dị ứng, hen suyễn và thậm chí là nhiễm nấm. Theo dữ liệu từ Bệnh viện Cleveland, đây là một số ảnh hưởng sức khỏe phổ biến do giường bẩn gây ra:

1. Hen suyễn và dị ứng: Mạt bụi bám trên giường có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng dị ứng và hen suyễn.

2. Phát ban và bệnh chàm: Vi khuẩn trong các tế bào chết có thể làm tăng nguy cơ bị phát ban. Da khô cùng sự hoạt động quá mức của vi khuẩn là nguyên nhân gây ra bệnh chàm, một trong các loại ban da phổ biến nhất. Ngoài ra, mạt bụi cũng có thể gây phát ban.

3. Mụn và viêm nang lông: Vi khuẩn có thể gây viêm nang lông – đôi khi có thể gây đau, ngứa và sưng như mụn trứng cá.

4. Nhiễm nấm và ký sinh trùng: Ký sinh trùng hoặc nấm, chẳng hạn như nấm ngoài da và ghẻ, có thể được lây truyền từ thú cưng nhiễm bệnh sang giường và da người.

Để giảm thiểu những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn, các chuyên gia nhấn mạnh việc nên phát triển thói quen thay ga trải giường thường xuyên.

Hiệp hội Giấc ngủ Quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ ga trải giường sạch sẽ giúp bảo đảm sức khỏe và chất lượng giấc ngủ. Bạn nên thay ga trải giường và áo gối hàng tuần. Nếu bạn nuôi thú cưng ngủ trên giường thì nên thay ga trải giường ba đến bốn ngày một lần.

Bệnh viện Cleveland cũng khuyến nghị thay ga trải giường thường xuyên hơn trong những trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, nếu bạn sống ở nơi có khí hậu quá nóng, đổ mồ hôi nhiều khi ngủ (chẳng hạn như bốc hỏa), đang trong giai đoạn hồi phục bệnh hoặc sau nhiễm trùng, bị dị ứng hoặc hen suyễn, hoặc thích ngủ khỏa thân, thì nên thay ga trải giường thường xuyên hơn.

Chăn, gối, đệm không cần giặt thường xuyên như ga trải giường, áo gối nhưng vẫn có thể tích tụ vi khuẩn, chất gây dị ứng và bụi bẩn theo thời gian.

Hiệp hội Giấc ngủ Quốc gia khuyên bạn nên vệ sinh chăn bông và vỏ chăn hai đến ba tháng một lần, gối từ bốn đến sáu tháng một lần và nệm cứ sau sáu tháng hoặc lâu hơn. Việc vệ sinh giúp kéo dài tuổi thọ của nệm và ga trải giường, đồng thời cải thiện chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tổng thể.

Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Nguồn: epochtimesviet.com

Để lại một bình luận