Dù là một biến cố lịch sử nhằm chuẩn bị cho các tông đồ bước vào Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng Lễ Chúa Hiển Dung lại được ấn định vào ngày 06 tháng 8 vì một số lý do.
Khi các sách Tin Mừng nhắc đến biến cố Chúa Giêsu biến hình (x. Mt 17,1-8; Mc 9,2-8; Lc 9,28-36), thì biến cố này được xem như là “sự báo trước” cho cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Một số học giả tin rằng biến cố này diễn ra vào dịp Lễ Lều của người Do Thái khi giải thích lý do tại sao Phêrô lại háo hức xây một “căn lều” (tent) hoặc “lều tạm” (tarbernacle) để làm nơi trú ngụ cho Chúa Giêsu, Môise và Êlia.
Nếu điều này là đúng, thì cuộc biến hình (hiển dung) chắc hẳn phải diễn vào tháng 9 hoặc tháng 10.
Tuy nhiên, một số học giả khác lại cho rằng cuộc biến hình diễn ra gần ngày Thứ Sáu Tuần Thánh để giúp các tông đồ chuẩn bị cho những gì sẽ diễn ra sau đó.
Trong lịch sử, lễ này được cử hành vào ngày 06 tháng 8 vì một số lý do, theo ghi nhận của Bách khoa Toàn thư Công giáo.
Giáo Hội Latinh đã chần chừ trong việc áp dụng ngày lễ này; ngày lễ này không hề được đề cập đến trước năm 850… ngày lễ này đã được đón nhận trong phụng vụ vào khoảng thế kỷ thứ X ở nhiều giáo phận, và được cử hành chủ yếu vào ngày 06 tháng 8; riêng ở xứ Gaul (nước Pháp ngày nay) và Anh, vào ngày 27 tháng 7; tại Meissen, vào ngày 17 tháng 3; tại Halberstadt, vào ngày 03 tháng 9,… Năm 1456, Đức Giáo Hoàng Calistô III đã mở rộng ngày lễ này cho Giáo Hội hoàn vũ để tưởng niệm chiến thắng của hoàng đế Hunyady trước quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Belgrade, vào ngày 06 tháng 8 năm 1456.
Theo một cách biểu trưng, ngày 06 tháng 8 cũng tỏ ra phù hợp vì ngày này diễn ra trước Lễ Suy tôn Thánh giá (ngày 14 tháng 9) 40 ngày.
Như vậy, Lễ Chúa Hiển Dung tạo nên sự nối kết giữa cuộc biến hình với thập giá của Chúa Giêsu Kitô và giúp chúng ta nhận thấy được vinh quang từ cả hai biến cố này.
Tác giả: Philip Kosloski – Nguồn: Aleteia (06/8/2021)
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên