Trong những gì mà sự phục sinh đã khai sinh, một điều nổi bật và vẫn cần được chúng ta làm bà đỡ, chính là hy vọng.
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên với các phụ nữ. Tại sao lại thế? Một lý do rõ ràng có lẽ là vì chính những phụ nữ này đã đi theo Ngài trong hành trình thương khó ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, trong khi đa phần những người đàn ông khác lại bỏ rơi Ngài. Còn nữa, những phụ nữ này lên đường đến mộ Chúa vào tảng sáng ngày Phục Sinh với ý định xức dầu thơm cho xác chết, nên họ là những người ở trong vườn đầu tiên khi Ngài xuất hiện. Nhưng tôi tin rằng, còn có một lý do mang tính biểu tượng và sâu sắc hơn nữa. Những phụ nữ này là các bà đỡ. Thường thì phụ nữ góp phần trong việc sinh hạ và là những người tinh thông nhất về việc dưỡng nuôi sinh linh mới.
Bà đỡ là sự giúp đỡ thiết thực trong bất kỳ việc sinh hạ nào. Khi một đứa trẻ ra đời, thường là đầu sẽ ra trước, mở đường cho cơ thể ra sau. Trong thời điểm này, rất cần một bà đỡ giỏi, giúp thuận tiện hóa việc sinh nở và bảo đảm đứa bé bắt đầu thở, đồng thời giúp bà mẹ bắt đầu cung cấp dưỡng chất cho sinh linh mới ngay lập tức. Đôi khi, bà đỡ là mấu chốt định đoạt giữa sống và chết, và bà luôn giúp cho việc sinh nở thuận tiện hơn và lành mạnh hơn.
Sự tái sinh của Chúa Giêsu khai sinh ra sự sống mới cho thế gian, và trong thời điểm ban đầu đó, sự sống này phải được hỗ trợ nhờ các bà đỡ, cả về tính khẩn cấp của tình huống lẫn những hơi thở đầu tiên trong thế gian này. Sự tái sinh đã khai sinh nhiều thứ, và chúng cần có bà đỡ, ban đầu là nhờ những phụ nữ được Chúa Giêsu hiện ra đầu tiên, rồi đến các tông đồ đã kể lại cho chúng ta lời chứng thấy tận mắt của họ, rồi đến giáo hội tiên khởi, nhờ các bậc tử đạo, nhờ đời sống đức tin của vô số người qua nhiều thế kỷ và đôi khi là nhờ các thần học gia và ngòi bút thiêng liêng. Và hiện giờ, chúng ta vẫn cần làm bà đỡ cho điều khai sinh ra từ sự phục sinh.
Và biến cố phục sinh đã khai sinh ra nhiều điều, một biến cố tận căn không khác gì sự tạo dựng nguyên thủy. Sự phục sinh của Chúa Giêsu chính là “ngày đầu tiên” thứ hai, là lần thứ hai ánh sáng chia tách với bóng tối. Thật vậy, thế giới xác định thời gian theo biến cố phục sinh. Chúng ta đang ở năm thứ 2023 kể từ biến cố đó. (Kitô giáo được khai sinh từ biến cố đó. Thời đại mới bắt đầu từ đó. Nhưng các học giả đã tính toán rằng Chúa Giêsu đã 33 tuổi khi Ngài chết, nên họ thêm 33 năm để thời gian được tính từ khi ngài ra đời).
Trong những gì mà sự phục sinh đã khai sinh, một điều nổi bật và vẫn cần được chúng ta làm bà đỡ, chính là hy vọng. Sự phục sinh khai sinh hy vọng. Các phụ nữ lần đầu tiên gặp Chúa Giêsu phục sinh chính là những người đầu tiên được trao cho lý do đích thực để hy vọng và họ là những người đầu tiên làm bà đỡ cho sự khai sinh mới này. Chúng ta cũng phải như thế. Chúng ta cần trở thành bà đỡ cho hy vọng. Nhưng hy vọng là gì, và nó được khai sinh thế nào trong sự phục sinh?
Hy vọng đích thực không bao giờ lẫn lộn với kiểu ý nghĩ mơ tưởng hay kiểu lạc quan nông nổi. Không như hy vọng, ý nghĩ mơ tưởng chẳng hề có căn cứ gì. Nó chỉ là mơ tưởng mà thôi. Còn sự lạc quan thì bắt nguồn từ sự nông nổi tự nhiên (kiểu “Tôi luôn thấy mặt tốt của vấn đề”) hoặc theo bản tin tối mỗi ngày, nhưng chúng ta biết tình hình đó có thể thay đổi hàng ngày. Hy vọng lại có một căn cứ khác hẳn.
Tôi xin đưa ra một ví dụ: Pierre Teilhard de Chardin, nhà khoa học gia đầy đức tin, có một lần trình bày với ý định thể hiện rằng câu chuyện lịch sử cứu độ khớp hoàn toàn với những thấu suốt của khoa học về nguồn gốc vũ trụ và sự tiến hóa. Cha Teilhard lấy ý từ câu 3-10, chương 1, thư gửi Tín hữu Êphêsô mà gợi ý rằng cái kết của toàn bộ tiến trình tiến hóa sẽ là sự hiệp nhất mọi sự trong một bản hòa âm tận cùng trong Đức Kitô. Một đồng nghiệp vô thần đã thách thức cha rằng: Những gì cha đưa ra là một giản đồ lạc quan tuyệt vời. Nhưng nếu như chúng thổi bay thế giới bằng bom nguyên tử thì sao. Lúc đó thì giản đồ lạc quan của cha sẽ thế nào? Cha Teilhard trả lời thế này: Nếu chúng ta thổi bay thế giới bằng bom nguyên tử, thì đó sẽ là một bước lùi, có khi là lùi hàng triệu năm. Nhưng điều mà tôi đưa ra sẽ thành sự, không phải vì tôi ước mơ nó hay vì tôi lạc quan. Nó sẽ thành sự vì Thiên Chúa đã hứa như thế, và trong biến cố phục sinh, Thiên Chúa cho thấy rằng Thiên Chúa có quyền năng để thực hiện lời hứa đó.
Điều mà những phụ nữ gặp Chúa Giêsu đầu tiên đã trải nghiệm chính là hy vọng, dạng hy vọng dựa trên lời hứa của Thiên Chúa sẽ đứng về phía sự thiện trước sự ác, sự sống trước sự chết, bất kể hoàn cảnh, bất chấp chướng ngại, bất kể tình hình, bất chấp cả cái chết và bất chấp chúng ta lạc quan hay bi quan. Họ là những bà đỡ đầu tiên đã giúp khai sinh hy vọng đó. Và giờ đó cũng là nhiệm vụ của chính chúng ta.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch(phanxico.vn)