Quốc vụ khanh Toà Thánh dâng Thánh lễ kỷ niệm 30 năm Slovakia được thành lập

Chiều 17/4, tại Đền thờ Đức Bà Cả, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh dâng Thánh lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Cộng hoà Séc và Slovakia, và ngày giải thể Tiệp Khắc. Ngài nhấn mạnh, việc giải quyết những khác biệt một cách hoà bình qua đối thoại và tôn trọng lẫn nhau của hai quốc gia là mẫu gương cho các quốc gia xung đột khác, không chỉ vào thời đó nhưng còn cho cả hiện nay.

Trong bài giảng, trước hết Đức Hồng Y Parolin nhắc lại lịch sử của Cộng hoà Slovakia. Ngày 01/01/1993, một sự kiện đã diễn ra đánh dấu một thời điểm quan trọng trong lịch sử nhân loại và đặc biệt Âu châu: Sự ra đời của nước Cộng hoà Séc và nước Cộng hoà Slovakia. Do đó năm nay, kỷ niệm 30 năm, có thể nói đó là “sinh nhật” của hai quốc gia có chủ quyền, được cộng đồng quốc tế và cả Toà Thánh công nhận.

Vì vậy, theo Đức Hồng Y, khi kỷ niệm sự kiện quan trọng này, mọi người phải nhớ tầm quan trọng của tình liên đới và tôn trọng lẫn nhau trong việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, trong đó nền hoà bình lâu dài giữa mọi người và quốc gia, một nền hoà bình là kết quả của công lý và hoa trái của bác ái phải được ưu tiên.

Tiếp đến, đề cập đến Tin Mừng nói về ông Nicôđêmô đến gặp Chúa Giêsu ban đêm, và sau đó Chúa tuyên bố “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí” (Ga 3, 5-6), Đức Hồng Y nói những lời này thách đố ông Nicôđêmô nhìn thế giới theo một quan điểm mới và đón nhận sức mạnh biến đổi của đức tin. Cũng vậy, công cuộc truyền giáo ở vùng đất này vào thế kỷ thứ 9 đã giúp cho dân chúng nhìn thế giới và cuộc sống dựa trên nền tảng Tin Mừng, như thế đặt nền móng cho di sản văn hoá và tinh thần gắn kết các dân tộc. Thực tế, trong nhiều thế kỷ, các dân tộc ở khu vực này phải đối diện với nhiều thách đố khó khăn. Tuy nhiên, tinh thần độc lập và tự quyết của các quốc gia chưa bao giờ bị suy yếu, và di sản loan báo Tin Mừng và bản sắc văn hoá không bao giờ suy tàn ở dân tộc này.

 

Ngài nhấn mạnh, việc giải quyết những khác biệt một cách hoà bình qua đối thoại và tôn trọng lẫn nhau của hai quốc gia là mẫu gương cho các quốc gia xung đột khác, không chỉ vào thời đó nhưng còn cho cả hiện nay. Chính thánh Gioan Phaolô II, trong chuyến tông du đến Cộng hoà Séc vào tháng 5/1995 đã khẳng định: “Hai quốc gia, trước đây là một, nhưng giờ tách ra một cách hoà bình, trao cho thế giới một bài học hùng hồn về cách người ta có thể giải quyết đòi hỏi nền tảng về quyền tự quyết và độc lập trong sự tôn trọng nhau, trong hoà bình và tình huynh đệ thực sự”. Những lời tương tự cũng đã được thánh Giáo hoàng tuyên bố trong cuộc viếng thăm đến Slovakia vào tháng 6 cùng năm đó.

Liên hệ đến thực tế, Quốc vụ khanh Toà Thánh nói: “Trước những xung đột hiện nay trên thế giới, đặc biệt là cuộc chiến ở Ucraina do Nga gây ra, kinh nghiệm của dân tộc Séc và Slovakia 30 năm trước tiếp tục là nguồn cảm hứng. Trong bối cảnh này, những lời của Đức Thánh Cha, được công bố vào ngày lễ Phục sinh, vang lên: ‘Lạy Chúa, xin giúp đỡ dân tộc Ucraina yêu dấu trên con đường hòa bình, và xin chiếu ánh sáng Phục sinh cho dân tộc Nga’”.

Ngọc Yến

Nguồn: Đài Vatican News

Để lại một bình luận