Còn Giáo hội là còn Thánh Kinh

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

WHĐ (05.4.2023) – “Có thể bỏ cuốn Kinh Thánh mà vẫn tồn tại Giáo hội Công giáo không?” Câu trả lời là không thể và không bao giờ xảy ra chuyện này. Giáo hội và Kinh Thánh luôn đi với nhau như hình với bóng.

Chúng ta quen biết hai nguồn sống của Giáo hội, đó là: Thánh Kinh và Thánh Truyền. Giáo hội làm nên Thánh Truyền. Hoặc nói đúng hơn, “Thánh truyền còn gọi là truyền thống thánh, là việc lưu truyền Lời Chúa sống động, được thể hiện trong Chúa Thánh Thần.” Theo định nghĩa này, Giáo hội hoặc thánh truyền có nhiệm vụ đưa nguồn sống Kinh Thánh vào cơ cấu và vào tâm hồn của từng thành viên trong Giáo hội. Vì lý do này mà Tông huấn Lời Chúa nhấn mạnh: “Hội thánh, qua giáo lý, đời sống và việc phụng tự của mình, bảo tồn và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình, và tất cả những gì mình tin.” (DV 8).

Sở dĩ chúng ta quan tâm đến đề tài này vì không ít các bạn trẻ còn xa lạ với hai nguồn sống này. Chúng ta có thể cảm nhận được Thánh truyền trong đời sống Giáo hội. Qua đó, chúng ta cần đến nhà thờ, cần Giáo hội. Thực tế chúng ta rất khó sống khi tách mình ra khỏi cộng đoàn, ra khỏi Giáo hội. Khi ở lại với Giáo hội, một mặt chúng ta thấy rất nhiều nét đẹp; mặt khác có những vết đen vốn bị nhiều người lên án. Giáo hội dù có khuôn mặt nhem nhuốc thì đó cũng là Mẹ của chúng ta[1]. Người Mẹ này mãi yêu thương chúng ta. Mỗi người cũng có bổn phận chăm sóc cho khuôn mặt của Mẹ trở nên sáng ngời hơn.

Nhất là trong bối cảnh hiệp hành, Mẹ Giáo hội sẵn lòng để con cái mình góp ý, dựng xây và cùng nhau làm nên một Giáo hội tươi mới hơn. Giáo hội luôn là một, tuy có những đổi thay theo thời cuộc, nhưng Giáo hội vẫn trung thành với truyền thống của mình. Truyền thống ấy luôn được nuôi dưỡng bởi Thánh Kinh. Nói cách khác, chính Lời Chúa hướng dẫn Giáo hội, nuôi dưỡng con cái mình. Bằng cách nào?

  1. Cơm thôi chưa đủ

Bạn nghĩ sao khi Chúa Giêsu nhắn với ta rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,4). Lương thực tuy cần thiết, nhưng không thể làm no thỏa tâm hồn chúng ta. Đời sống tinh thần hoặc thiêng liêng cần một nguồn thức ăn khác. Trong nhà đạo, chúng ta đều biết đó là nguồn sống đến từ các bí tích, đến từ Thiên Chúa. Không ai cung cấp đủ nguồn sống cho bằng chính Chúa. Đó là niềm tin vững chắc, nhưng khó thực hiện.

Dù sao, Giáo hội luôn nhận thức rõ Kinh Thánh phải là nền tảng để dựng xây Giáo hội. Kinh Thánh là nguồn nối kết mọi người. Lý do đơn giản vì Kinh Thánh chứa đựng không chỉ những giáo lý và chân lý chung của Giáo hội, nhưng qua Kinh Thánh chúng ta còn thấy những hoạt động của Chúa Giêsu. Vì vậy Kinh Thánh trao cho Thánh Truyền những hướng dẫn hầu giúp chúng ta yêu mến và trung thành với Chúa hơn. Chính Chúa Giêsu hiệp nhất chúng ta nên một (Ga 17,20-26). Bởi khi mỗi thành viên mạnh, cũng là lúc Giáo hội sẽ mạnh; nếu các thành viên yếu, Giáo hội có bổn phận chăm sóc và chữa lành bằng lương thực thần linh.

Khi tham gia vào cộng đoàn Giáo hội, thật tốt để chúng ta tìm hiểu Kinh Thánh. Càng cùng nhau có hướng về điểm chung chân lý, chúng ta càng hiệp nhất với nhau trong một thân thể Giáo hội, vốn là thân thể Đức Giêsu Kitô. Vì điều này mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắn rằng: “Tâm hồn các tín hữu, đang khi lớn lên trong niềm hi vọng từ việc vui vẻ thực thi tình yêu mà mình đã nhận được, sẽ cảm nhận ra rằng từng lời của Kinh Thánh là một quà tặng trước khi là một lời xin.” (Tông Huấn Evangelii Gaudium, 124)

  1. Đừng giận cá chém thớt

Khi nhận ra vai trò của Giáo hội, chúng ta thể hiện lòng yêu mến. Đành rằng có những người lãnh đạo trong Giáo hội chưa được tốt, nhưng Thiên Chúa luôn tốt lành. Nếu vì một ai đó khiến bạn bực tức và rời xa Giáo hội, thì thật tiếc! Trong ý hướng này, chúng ta nghe lại lời trần tình của Đức Tổng giám mục Sydney, Anthony Fisher chia sẻ: “Tôi muốn nói với người trẻ: nếu chúng tôi, như là Giáo hội, đã làm cho các bạn thất vọng, tôi xin lỗi vì điều đó. Xin đừng từ bỏ Đức Kitô vì một số chúng tôi khiến các bạn thất vọng.”[2]

Hãy ở lại với Giáo hội để được cơ hội tiếp cận nguồn sống thần linh. Thật tốt để chúng ta đi cùng với nhau. Đừng quên Giáo hội phải là một bệnh viện dã chiến để đón tiếp mọi người. Nơi đó “chính đức tin vào Chúa Giêsu chết và phục sinh được canh tân, những nơi mà các vấn đề sâu xa nhất và các mối quan tâm hằng ngày được chia sẻ, nơi mà nhận thức sâu xa hơn về các kinh nghiệm của chúng ta và chính đời sống được thực hiện trong ánh sáng Tin Mừng, vì mục đích định hướng các quyết định của cá nhân và xã hội tới cái tốt và cái đẹp”[3]. Ngoài ra, trên những khuôn mặt đau khổ, Giáo hội muốn hiện diện ở đó. Nơi những chết chóc đau thương, Giáo hội muốn ở cùng với họ. Trong mọi hoàn cảnh buồn vui, chúng ta có Giáo hội. Đó có thể là những người bạn, là cha xứ, là linh mục hoặc tu sĩ nào đó. Giáo hội còn là những lãnh đạo đang miệt mài tìm cách đi cùng với thân phận con người. Đấy là lời căn dặn của chính Đức Giêsu: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy!” (Ga 21,15-19).

Một trong những cách chăm sóc tâm hồn chúng ta tốt nhất đó là Lời Chúa. Sống theo ý Chúa là con đường ngắn nhất để được bình an hạnh phúc. Ngoài ra, truyền thống của Giáo hội cũng là môi trường sống tốt như “cá với nước”. Trong truyền thống này, “chúng ta được nối kết và thông giao với Thánh Kinh cách chặt chẽ, vì cả hai đều xuất phát từ một nguồn mạch thần linh, kết hợp thành một và cùng hướng về cùng một mục đích là Thiên Chúa.”[4]

Bạn đang yêu mến Đức Giêsu, muốn theo chân Chúa đến cuối con đường. Trên con đường này, thật tốt để chúng ta chú ý những lời này của Đức Phanxicô chia sẻ với người trẻ: “Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe nói: ’Chúa Giêsu có, Giáo hội không!’, như thể người này có thể là sự thay thế cho người kia. Người ta không thể biết Chúa Giêsu nếu không biết Giáo hội. Người ta không thể biết Chúa Giêsu nếu không qua những anh chị em trong cộng đồng của Người. Chúng ta không thể tự gọi mình là Kitô hữu hoàn toàn trừ khi chúng ta trải nghiệm chiều kích giáo hội của đức tin.”[5]

  1. Con thuyền Giáo hội

Cách đây nhiều năm, trong bài phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, trong cuốn sách Muối Cho Đời, câu hỏi này đáng được quan tâm: “Dù vậy càng ngày càng có nhiều người tự hỏi không biết con tàu Giáo hội có còn chạy được nữa không. Nó còn đáng cho mình bước lên?” Đức Giáo Hoàng trả lời:

Còn chạy và đáng bước lên, tôi tin chắc chắn như vậy. Đó là một con tàu dày dạn kinh nghiệm nhưng đồng thời lại rất trẻ. Nhất là chúng ta lại càng cần nó khi phải đối diện với tình thế hôm nay. Hãy thử tưởng tượng lấy con tàu đó ra khỏi bàn cân đối lực hiện tại thì ta sẽ thấy thế giới đổ vỡ ra sao và tinh thần nhân loại chao đảo như thế nào. Chúng ta cũng biết rằng, vì sự suy đồi của Giáo hội và Kitô giáo trong ba, bốn mươi năm qua mà thế giới đã phải chứng kiến bao cảnh đổ vỡ tinh thần, mất định hướng và tan hoang. Vì thế tôi dám nói: Nếu chưa có con tàu thì ta phải tạo ra nó. Nó đáp ứng nhu cầu sâu thẳm của con người; nó bám rễ sâu trong bản chất, nhu cầu và bổn phận của con người đến nỗi tôi tin rằng con người sẽ không mất đi những nguồn lực căn bản của mình, họ sẽ là sự bảo đảm cho con tàu không bị đắm chìm.[6]

Trong lời xác tín trên, chúng ta cùng nhau tin rằng:

– Giáo hội luôn tồn tại.

– Kinh Thánh là nền tảng, là động cơ để con thuyền Giáo hội chạy về phía trước, phía Thiên Chúa.

– Chính Thiên Chúa điều khiển con thuyền này. Bởi Con thuyền Giáo hội không phải của tôi, của bạn hoặc của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm đâu.

– Nếu yêu Giáo hội, nghĩa là chúng ta cũng yêu Kinh Thánh và Thánh Truyền.

Với những lý do trên chúng ta biết niềm tin vào Thiên Chúa và Giáo hội là hợp lý và hợp tình. Lý do: Con thuyền Giáo Hội có động cơ vững mạnh là Lời Chúa, và sức sống bền bỉ là Thánh Truyền. Là con Chúa, chúng ta hạnh phúc đang đi trên con thuyền Hội Thánh. Dù có sóng sánh đại dương hoặc khủng hoảng xảy ra, Thiên Chúa luôn biết cách hướng dẫn, chèo chống con thuyền của Ngài đến bến bờ hạnh phúc. Vì lý do này, chúng ta hoàn toàn có lý để Thiên Chúa dẫn đưa với Lời của Ngài.

Tạm kết

Chúng ta khép lại đề tài rộng lớn này với lời nhận xét của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận: “Hội Thánh có nhiều khuyết điểm và gương xấu, nhưng Hội Thánh có lời hứa của Chúa. Hội Thánh là một phép lạ liên lỉ. Tuy nhiên, đừng vì thế mà phơi bày khuyết điểm và gương xấu cho mọi người. Cũng đừng vì đó mà tha hồ làm gương xấu, để Chúa làm phép lạ mỗi ngày.”[7] Để tránh làm gương xấu, Lời Chúa có thể giúp chúng ta nêu gương tốt. Để nhận ra phép lạ, chúng ta cứ nhìn bằng cặp mắt đức tin. Để sống hạnh phúc, ước gì chúng ta đón nhận Giáo hội và Kinh Thánh như là “bảo bối” để tiến về phía trước.

Đọc thêm những bài cùng tác giả:

Bài 18: Còn Giáo hội là còn Thánh Kinh

Bài 17: Đọc Kinh Thánh là hỏi ý kiến của Chúa Kitô

Bài 16: Giảng lễ thế nào cho hay?

Bài 15: Đọc Kinh thánh với niềm tin

Bài 14: Thần học từ dưới lên giúp đọc Thánh Kinh

Bài 13: Thiên Chúa không thinh lặng trong Kinh Thánh

Bài 12: Cách chia sẻ Kinh Thánh với các bạn Tin Lành

Bài 11. Gặp Chúa Cha trong Thánh Kinh

Bài 10. Cách chia sẻ Lời Chúa

Bài 09. Chúa Thánh Thần khi cầu nguyện với Kinh Thánh

Bài 08. Ai có quyền giải thích Kinh Thánh?

Bài 07. Kinh Thánh giúp biết Chúa Giêsu

Bài 06. Học cầu nguyện với Kinh Thánh nơi nhà tĩnh tâm

Bài 05. Tiến trình cầu nguyện với Kinh Thánh theo thánh I-nhã

Bài 04. 10 khó khăn và giải pháp giúp đọc Thánh Kinh

Bài 03. Đọc Kinh Thánh theo phương pháp Lectio Divina

Bài 02. Đọc thư tình Kinh Thánh theo phương pháp nhập cảnh

Bài 01. Kinh Thánh là bức thư tình dành cho bạn

[1] “Giáo Hội là một bà cụ với những nếp nhăn nheo dúm dó… Nhưng Giáo Hội là mẹ tôi. Nên đừng ai đánh mẹ tôi”. Karl Rahner (1904-1984)

[2] Trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Người Trẻ 2018

[3] Tông huấn niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium) số 76.

[4] X. Từ Điển Công Giáo mục từ Thánh Truyền.

[5] Sứ điệp của ĐTC Phanxicô nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ 36 21/11/2021

[6] Ratzinger, Joseph Benediktus XVI, Muối Cho Đời, (Người dịch: Phạm Hồng Lam và Trần Hoành), 1996, tr 9.

[7] Đường Hy Vọng số 264

Để lại một bình luận