TGPSG / Aleteia — Căn cứ trên một sự sùng kính mà đích thân Chúa Kitô muốn có, mời gọi chúng ta tôn kính những vết thương của Người, chúng ta hãy đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu đó mỗi ngày trong Tuần Thánh này. Vì chính khi chiêm ngắm vai, đầu, cạnh sườn, tay và trái tim rỉ máu của Người mà chúng ta mới ý thức được Đức Kitô đã phải chịu đau đớn thế nào vì chúng ta và Người yêu thương chúng ta đến đâu.
Một trong những ám chỉ đầu tiên về việc sùng kính “năm vết thương” của Chúa Kitô nằm trong một đoạn của thư thứ nhất của Thánh Phêrô tông đồ: “Chính Người đã gánh lấy tội lỗi của chúng ta, trong thân xác Người, trên cây gỗ, để chúng ta, sau khi chết đi vì tội lỗi của mình, chúng ta được sống vì sự công chính. Nhờ những vết thương của Người, chúng ta được chữa lành.” (1Pr 2, 24)
Vào thế kỷ 12, sự tôn sùng đó đã phổ biến giữa các Kitô hữu, đặc biệt dưới sự thúc đẩy của thánh Bernard de Clairvaux: “Như vậy sự mỏng dòn của chúng ta sẽ tìm thấy an nghỉ và an toàn ở đâu, nếu không phải là trong những vết thương của Chúa Cứu Thế”, thánh nhân đặt câu hỏi ngay phần đầu quyển Bình Giảng Sách Diễm Ca của ngài.
Cuối thế kỷ 19, Chúa Giêsu hiện ra với một nữ tu dòng Thăm Viếng, sơ Marie-Marthe Chambon, và giao nhiêm vụ cho sơ phát triển sự sùng kính năm dấu thánh: “Ta sẽ ban cho họ mọi điều khi họ cầu khẩn trước năm dấu thánh. Phải phổ biến việc sùng kính này. Các con sẽ đạt được mọi sự, vì đó chính là công đức của máu ta, máu vô giá của ta. Với những vết thương và trái tim rất thánh của Ta, các con sẽ có được tất cả”, Người bày tỏ với nữ tu này.
Việc sùng kính này rất quan trọng đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài đã nhiều lần nhắc đến điều đó, nhấn mạnh rằng việc tôn sùng những vết thương của Chúa Kitô cho phép người ta nếm cảm tình yêu đầy thương xót của Chúa. Vào dịp lễ Truyền Tin 18-3-2018, ngài đã mời gọi các tín hữu hãy “đi vào trong những vết thương của Chúa Kitô để đến với Trái tim Người” bằng cách đọc một kinh Lạy Cha cho mỗi vết thương. Vì “chúng ta đã được chữa lành trong những vết thương của Người”, ngài nhắc lại. Để hưởng được những ơn huệ thiêng liêng, tín hữu kitô phải, như tông đồ Tôma, “sờ vào những vết thương của Chúa Kitô”.
Không phải vô tình mà Đấng Cứu Thế đã chọn giữ lại những vết thương của Người sau khi sống lại. Chúng là dấu chỉ chiến thắng của Người trước tội lỗi. “Những vết thương là một kho báu: từ đó phát sinh ra lòng thương xót” Đức Giáo hoàng khẳng định. Nhờ chúng, Đấng Kitô cầu bầu cho chúng ta với Cha Người.
Còn hơn cả năm vết thương
Lòng sùng kính truyền thống cho rằng có “5 vết thương”: ở hai tay và hai chân do dấu đinh khi bị đóng trên cây thập tự và vết thương ở cạnh sườn phải do lưỡi giáo của người lính La Mã. “Nhưng không phải chỉ có những vết thương đó, mà còn nhiều hơn”, Đức Giám mục Dominique Le Tourneau nhấn mạnh trong tác phẩm cuối cùng của ngài: Những Vết thương của Đức Kitô (NXB Artège). “Toàn thân Chúa như một vết thương duy nhất, từ đầu đến chân, lộ cả xương.”
Theo tiết lộ của thánh nữ Brigitte xứ Thụy Điển, Chúa Giêsu có thể đã phải chịu không ít hơn 5.480 cú đánh vào thân xác Người trong cuộc Khổ Nạn. Cả người Chúa Kitô chỉ là những vết thương. Theo mô ta của Đức cha Le Tourneau, đó là “một bức tranh thánh về nỗi đau đớn”. Quả vậy, theo thứ tự thời gian, trước khi có những vết thương do bị đóng đinh vào thập tự giá, thì đã có những vết thương vì roi vọt và vòng mão gai, và cả những vết thương do vác thánh giá làm bầm dập vai Người.
Cái vai bầm dập của Chúa Kitô
Nếu các sách Phúc âm không đề cập rõ ràng đến vết thương ở vai của Chúa Giêsu, thì các sách này dù sao cũng đã gợi nhắc rằng cây thập tự nặng đến mức nào. Những lần Chúa té ngã, ngày nay được suy niệm trên các Chặng đàng Thánh giá, là làm theo truyền thống, nhưng việc phải nhờ tới ông Simon thành Xirênê vác giúp cho thấy sức nặng không thể chịu nổi của cái vật khổ hình ấy.
“Khi họ đưa Người đi, họ đã bắt một ông Simon thành Xirênê nào đó đang ở đồng về, phải vác phụ cây thập tự đàng sau Chúa Giêsu” (Lc 23, 26).
Đức cha Le Tourneau mời chúng ta hình dung: “Những xóc nảy của con đường gồ ghề và ba lần té ngã thảm thiết của Chúa đã cắt xé da thịt Người, có lẽ đã làm lộ cả xương đòn của Người”. Theo từng bước, từng bước chân Người, cây thập tự ngày càng đè nặng xuống bờ vai Chúa Giêsu. Gỗ cây thập tự không được đẽo gọt thẳng thớm. Nắn nót nó làm gì, chỉ là cây gỗ để treo một tên trộm cướp thôi mà! Những cái giằm lại còn làm tăng thêm sự nhức nhối”.
Một cơn đau khủng khiếp. Chính Đức Kitô, trong một câu trả lời đầy thần cảm với Thánh Bernard de Clairvaux khi thánh nhân hỏi Người trong lời cầu nguyện rằng Người chịu đau nhất lúc nào, đã khẳng định : “Ta đã bị một vết thương rất sâu khi vác thập giá khiến ta đau đớn hơn hẳn những vết thương khác mà chưa con người nào biết. Nhưng con hãy tiết lộ điều đó cho những Kitô hữu trung thành và hãy nhớ rằng mọi ơn cầu xin Ta nhân danh vết thương này đều được nhậm lời. Và cho tất cả những ai, vì yêu mến vết thương đó mà vinh danh Ta thì Ta sẽ tha thứ những tội nhẹ và sẽ không nhớ đến cả tội nặng nữa.” (Thực Lục về Clairvaux)
Tám thế kỷ sau, Cha thánh Piô thành Pietrelcina, người mang những dấu thánh, đã thừa nhận rằng vết thương ở vai, “mà chẳng ai biết và không khi nào được chữa”, là đau đớn nhất.
Lời cầu nguyện của Thánh Bernard dành cho vết thương ở vai của Chúa
Và đây là lời cầu nguyện của Thánh Bernard de Clairvaux đã soạn để phổ biến sự tôn kính vết thương trên vai của Chúa Giêsu mà chúng ta có thể biến thành của mình trong Tuần Thánh này:
“Lạy Chúa chí ái, là Chiên Thiên Chúa rất hiền từ,
Con, một tội nhân nghèo hèn, xin tôn kính vết thương chí thánh mà Chúa đã phải lãnh chịu trên vai khi vác cây thập giá rất nặng nề lên núi Canvê, làm lộ ra ba đoạn xương thánh, khiến Chúa phải đau đớn tột cùng.
Con nài xin Chúa, vì công ơn của vết thương ấy, xin thương xót con, tha thứ cho con mọi tội lỗi nặng nhẹ; xin phù giúp con trong giờ lâm tử và dẫn đưa con vào Nước Trời hạnh phúc của Người. Amen.”
Mathilde de Robien (Aleteia) / Lê Hưng (TGPSG) chuyển ngữ