Mặt Trái Tấm Thảm

Một hiện tượng mới nổi lên trong thời gian gần đây, là người ta đi săn tìm và sưu tập những gốc cổ thụ, bất kể là cây gì, để tạo dáng bonsai. Nhiều bonsai được các nghệ nhân chăm chút thu về hàng tỉ, hay chí ít vài chục hoặc vài trăm triệu đồng, tuỳ theo từng loại.

Thế nhưng, có một vẻ đẹp “cội rễ” (chữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô) vẫn trường tồn qua nhiều thế hệ đang bị mai một, có nguy cơ “bị bật gốc” cần được chúng ta lưu tâm : “Chúng ta hãy thử nghĩ về điều này : Nếu có ai đó đề nghị và nói với các con rằng hãy phớt lờ lịch sử và không cần trân trọng kinh nghiệm của các bậc tiền bối…Họ muốn các con nông cạn, mất gốc và hoài nghi mọi sự, để các con chỉ biết tin vào lời hứa và tuân theo những kế hoạch của họ mà thôi…Để đạt được điều đó, họ cần làm cho người trẻ xem thường lịch sử, chối bỏ kho tàng thiêng liêng và nhân bản được truyền lại qua các thế hệ, và không biết đến tất cả những gì có trước mình” (Tông huấn ‘Chúa Kitô đang sống’, số 181). Theo Đức Giáo Hoàng, đây chính là nền “văn hoá vứt bỏ” mà nhiều lần ngài đã nhắc tới.

Trong bài giáo lý vào sáng thứ tư, ngày 15/6/2022, khi suy niệm Tin mừng Marcô 1, 29-31, Đức Giáo Hoàng đã quảng diễn : “Văn hoá vứt bỏ dường như xoá sổ người già. Nó không giết họ, nhưng nó xoá bỏ họ về mặt xã hội, như thể họ là một gánh nặng phải mang : tốt hơn là làm cho họ biến mất đi. Đây là sự phản bội lại chính nhân tính, đây là điều tồi tệ nhất, đây là lựa chọn sự sống theo ích lợi, theo tuổi trẻ chứ không phải theo sự sống như nó vốn là, với sự khôn ngoan của người cao tuổi, với giới hạn của người già. Người già có rất nhiều điều để trao tặng cho chúng ta : họ có sự khôn ngoan của cuộc sống; có rất nhiều điều để dạy chúng ta : đây là lý do tại sao chúng ta phải dạy con cái, ngay từ khi còn nhỏ, để chúng quan tâm chăm sóc họ, để chúng đến với ông bà của chúng. Đối thoại giữa người trẻ, các trẻ em với ông bà là nền tảng cho xã hội, cho Giáo hội, cho sự lành mạnh của cuộc sống. Nơi nào không có đối thoại giữa người trẻ và người già thì thiếu một điều gì đó và một thế hệ lớn lên mà không có quá khứ, tức là không có cội nguồn”.

Người xưa cũng từng nói : “Trong nhà có người cao tuổi như có được cả kho báu”. Điều này hàm nghĩa người lớn tuổi đã trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, nên có kinh nghiệm nhìn nhận sự việc chín chắn và có lời khuyên dạy khôn ngoan chừng mực nhằm giải gỡ những vướng mắc trong cuộc sống. Ở đây chỉ muốn nói đến những người lớn tuổi đức hạnh, vì họ chính là chìa khoá vạn năng đem lại phúc lộc cho gia đình cũng như cộng đoàn nơi họ hiện diện.

Trong bài giáo lý đã nêu, Đức Giáo Hoàng còn đề cao hành động đẹp của bà mẹ vợ thánh Phêrô, đó là : sau khi được Chúa chữa lành, với lòng biết ơn, bà đã mau mắn đáp lại lòng thương xót của Chúa bằng cách “trỗi dậy và bắt đầu phục vụ” những vị khách quý của bà. Nghĩa là, dù đã lớn tuổi, người ta vẫn có thể và có cách phục vụ cộng đoàn lớn nhỏ theo ơn gọi và trong khả năng của mình, đặc biệt qua lời cầu nguyện và những hy sinh âm thầm.

Sở dĩ ngày nay phát sinh nền “văn hoá vứt bỏ” là vì người ta chỉ nhìn thấy những lợi nhuận trước mắt, thậm chí cả đến con người, cho dù đó là những bậc dầy công cao đức trọng đáng kính đi nữa, cũng dễ bị “vắt chanh bỏ vỏ” khi những vị đó cản trở, gây phiền hà cho “cái lợi thực dụng”, mà không theo nhãn quan đức tin, như chuyện minh hoạ sau đây :

Một anh bạn đến nhà người bạn thân, than thở :

– Tại sao có Thiên Chúa nhân từ và hay thương xót mà lại để tôi gặp phải quá nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống như lúc này vậy ?

Không trực tiếp đáp lại vấn nạn, người bạn thân kéo tay anh, giục giã :

– Vào đây tôi cho anh xem cái này.

Người bạn thân đưa ra tấm thảm, giới thiệu :

– Đây là tấm thảm Ba tư rất quý và đắt tiền tôi mua trong một chuyến du lịch, anh thấy có đẹp không ? Rất đẹp và sắc sảo, phải không ? Nhưng, nhìn mặt trái của tấm thảm này, anh thấy thế nào ? Xấu quá đi chứ ! Toàn là những sợi chỉ rối nùi, lộn xộn, chằng chịt, mất trật tự ! Mình thấy cái vô trật tự và hỗn tạp của mặt này, lại làm nổi bật lớp lang và vẻ đẹp hoàn hảo của mặt kia.

Chậm rãi, người bạn thân giải thích thêm :

– Nhiều khi chúng ta chỉ nhìn vào cuộc đời như mặt trái của tấm thảm. Nhưng Chúa lại có kế hoạch tốt nhất cho chúng ta giữa muôn vàn rối ren và lộn xộn dường như khó hiểu và bế tắc ấy. Điều quan trọng là, trong những cơn sóng gió đảo điên như thế, chúng ta đã học được bao nhiêu bài học Chúa dạy và có biết giữ vững lòng tin tuyệt đối vào tình thương của Ngài hay không mà thôi. Để rồi sau đó, chúng ta mới có thể chiêm ngưỡng được mặt phải tuyệt diệu của tấm thảm cuộc đời do chính Chúa dệt nên và nhờ vâng phục, chúng ta sẽ hiểu ra vì sao Chúa lại dẫn anh gặp nhiều rắc rối muộn phiền trong thời gian qua.

Nghe đến đó, anh bạn đang trải qua đau khổ nắm lấy tấm thảm Ba tư, lật qua lật lại, gật đầu suy nghĩ với vẻ tâm đắc về những tâm tình người bạn thân vừa giãi bày.

***

Sống tâm tình mùa Chay thánh chính là cơ hội để chúng ta chiêm ngắm rõ nét hơn đàng sau khuôn mặt đẫm máu của Chúa Giêsu, là một Thiên Chúa từ nhân muốn dốc cạn tình yêu tự hiến cho toàn thể nhân loại, và muốn cứu chuộc mọi người, không trừ một ai, bằng máu châu báu đã đổ ra trên cây thánh giá để trả lại khuôn mặt diễm lệ cho con người của ngày tạo dựng.

Cũng từ cái nhìn đức tin và tình mến, dưới dáng vẻ tàn tạ của thân xác bị bào mòn theo thời gian, yếu đau do bệnh tật hành hạ đêm ngày, nỗi cô đơn dày vò trong sâu thẳm cõi lòng của các bậc cao tuổi trong cộng đoàn, thánh Phaolô nhắc chúng ta biết nhìn vượt qua mặt trái của tấm thảm cuộc đời, để khích lệ và gần lại với nhau hơn nữa : “Thật vậy, tôi nghĩ rằng : những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm. 8, 18-19).

Cuối cùng, vị tông đồ dân ngoại vén mở cho thấy “sau cơn mưa, trời lại sáng”:

“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo ? Như có lời chép : Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm. 8, 35-39).

Đây phải là niềm xác tín, là điểm quy chiếu thực hành và là nguồn cội mỗi chúng ta phải trở về điểm xuất phát cho cuộc lữ hành trần gian, là chính Đức Giêsu. Bởi vì “trong quyền năng và lòng thương xót của Ngài, Ngài dùng những chiến thắng cũng như những thất bại của chúng ta, để dệt nên một tấm thảm tuyệt đẹp đầy hài hước. Mặt trái tấm thảm trông có vẻ lộn xộn với những sợi chỉ rối rắm – tức các sự kiện xảy đến trong cuộc sống chúng ta – và có lẽ đây là phía mà chúng ta cảm thấy mất bình an khi có những nghi ngờ. Nhưng mặt phải của tấm thảm thì cho thấy một câu chuyện tuyệt vời, đây chính là mặt Thiên Chúa nhìn thấy’. Khi những người già chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống, họ thường trực giác thấy những gì phía sau mớ chỉ rối rắm đó. Và họ nhận ra những gì Thiên Chúa có thể thực hiện sáng tạo ngay cả từ những sai lầm của chúng ta” (Tông huấn ‘Chúa Kitô đang sống’, số 198).

Lm. Bùi Văn Khiết Tâm.

Để lại một bình luận