Hội nghị của Hàn lâm viện Toà Thánh về khoa học: Bình đẳng trong điều trị và phòng ngừa ung thư

Ngày nay, tuy khoa học có tiến bộ vượt bậc trong việc ngăn ngừa và điều trị ung thư, nhưng thật không may, nhiều người vẫn mắc bệnh ung thư và không phải mọi người trên thế giới đều được tiếp cận với thuốc men và các công nghệ y học mới giống như nhau. Vấn đề bất bình đẳng này đã được bàn đến trong Hội nghị quốc tế tại Vatican, từ ngày 23 và 24/2/2022, với chủ đề “Các chiến lược để giảm thiểu sự bất bình đẳng trong điều trị/chăm sóc và phòng ngừa ung thư”.

Đây là hội nghị học thuật toàn cầu đầu tiên được tổ chức bởi Viện Hàn lâm Toà Thánh về Khoa học, kết hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Ung thư Châu Âu và được hỗ trợ bởi Đại sứ quán Thụy Điển tại Tòa Thánh.

Hơn 40 nhà nghiên cứu và bác sĩ ung thư hàng đầu thế giới, từ Châu Âu và khu vực Địa Trung Hải, cũng như từ Châu Phi, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Canada và Úc, đã tham dự hội nghị. Một nhà khoa học từ Trung Quốc được kết nối qua Zoom. Các nhà khoa học đã chia sẻ những tiến bộ và thiếu sót trong lĩnh vực nghiên cứu và y học, nhấn mạnh nhu cầu trao đổi ngày càng tăng về kiến ​​thức, công nghệ và kinh phí để điều trị và phòng ngừa ung thư.

Tuyên bố cuối Hội nghị

Cuối hội nghị, các tham dự viên đã đưa ra một tuyên bố gồm mười điểm, xác định một số mục tiêu trong cuộc chiến chống ung thư qua một cái nhìn tổng quan về những thách đố phải đối mặt. Tuyên bố nhấn mạnh đến sự bất bình đẳng trong từng quốc gia và giữa các quốc gia, sự bất bình đẳng sẽ gia tăng nếu các biện pháp đối phó thích hợp không được thực hiện. Cần bảo đảm cho các quốc gia ở Nam bán cầu tiếp cận nhiều hơn đối với những đổi mới tiên tiến nhất hiện có, ví dụ như ở Hoa Kỳ hoặc Liên minh Châu Âu, nơi có các Trung tâm xuất sắc chống lại ung thư. Vì lý do này, cần phải phát triển sự hợp tác hơn nữa giữa các quốc gia giàu và các nước nghèo hơn và một ý tưởng có thể cho việc hợp tác là việc kết nghĩa thực sự giữa các trung tâm.

Để giảm tỷ lệ tử vong, cũng cần phải thúc đẩy đào tạo nhân viên y tế “tại chỗ”, nhằm mục đích phòng ngừa và chẩn đoán sớm hơn. Khuyến khích sự tích hợp giữa nghiên cứu và hoạt động lâm sàng và chẩn đoán cũng là điều quan trọng. Việc chia sẻ dữ liệu được thu thập trong mỗi trung tâm nghiên cứu là cần thiết và vai trò của ngành dược phẩm cũng cần thiết để phát triển và thử nghiệm các loại thuốc mới và để tìm cách đảm bảo cho bệnh nhân có được thuốc với giá rẻ, cho phép các nhà sản xuất có được lợi nhuận xứng đáng nhưng được xã hội chấp nhận đối với sự đóng góp của họ. Cuối cùng, không nên đánh giá thấp việc trao đổi giữa các nhà khoa học từ các quốc gia khác nhau, ngay cả những nước nghèo nhất, có thể kích thích nghiên cứu sâu hơn về các dạng khối u mới.

Họp báo tại Radio Vatican

Vào ngày cuối cuộc họp, 25/2/2023, Đức Hồng y Peter Turkson, Viện trưởng Hàn Lâm viện Toà Thánh về Khoa học, đã cùng một số tham dự viên đến trụ sở của Radio Vatican – Vatican News để tham dự cuộc họp báo về sự kiện. Trong cuộc họp báo, các diễn giả nhắc đến nhiều nhất là từ “chia sẻ”, bởi vì đây là chìa khóa để giải quyết các vấn đề ngày nay, kể cả vấn đề sức khỏe.

Lợi ích của khoa học được phân bổ không đồng đều

Theo Giáo sư Joachim Von Braun, Chủ tịch Hàn Lâm viện, hội nghị đã lấy cảm hứng từ sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 30, được tổ chức vào năm 2022, trong đó có đoạn: “Chúng ta hãy cảm ơn Chúa vì sự tiến bộ mà khoa học y tế đã tạo ra, đặc biệt là trong thời gian gần đây…”

Giáo sư Von Braun lưu ý rằng trong những năm gần đây, đã có những tiến bộ to lớn trong việc nghiên cứu và điều trị ung thư. Tuy nhiên, ông nói thêm, lợi ích của khoa học tiến bộ hơn đã không được phân phối đồng đều giữa các quốc gia và thậm chí trong các quốc gia. Do đó, sự bất bình đẳng có thể gây ra những vấn đề thực sự trong chẩn đoán và điều trị ung thư, vì những nước nghèo, hoặc đôi khi cả những thành phố lớn và trung tâm điều trị của những nước giàu, không nhận được hay được hưởng những tiến bộ khoa học.

Giáo sư Michael Baumann, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Đức cho biết: “Nếu bệnh nhân không được tiếp cận với nghiên cứu cải tiến, thì điều đó sẽ tạo ra vấn đề cho mọi người và xã hội, bởi vì những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang sống ở các nước đang phát triển. Kết quả của bệnh ung thư, bao gồm phát hiện sớm và sống sót, rất khác nhau, đặc biệt là giữa các quốc gia khác nhau và ngay cả trong các quốc gia.”

Cân bằng công lý và quyền sở hữu trí tuệ

Hội nghị đã tìm cách thực hiện các bước đầu tiên để khắc phục tình trạng phân bổ tiến bộ khoa học không đồng đều bằng cách thúc đẩy chuyển giao dữ liệu và kiến thức chuyên môn cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời tư vấn cho các chính phủ về chính sách chăm sóc sức khỏe.

Giáo sư Mammen Chandy, thuộc Đại học Y Kitô giáo ở Vellore, Ấn Độ, đại diện cho quốc gia đông dân thứ hai thế giới tại hội nghị của Vatican. Ông nói, Ấn Độ có tiềm năng cung cấp cho cư dân của mình dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt và điều trị ung thư đầy đủ, nhưng ông lưu ý rằng thế giới trước tiên phải bắt đầu coi sự bình đẳng là vấn đề trung tâm trong việc nghiên cứu ung thư.

Giáo sư Chandy cho biết: “Nếu các nguồn lực của chúng ta được phân bổ hợp lý, thì chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho trẻ em cần vắc-xin cũng như những người mắc bệnh ung thư. Thập kỷ qua đã chứng kiến những tiến bộ vượt bậc trong điều trị ung thư, và việc chẩn đoán chính xác và kịp thời là vô cùng quan trọng trong điều trị ung thư.” Tuy nhiên, ông nói thêm, các chính phủ phải cân nhắc giữa việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với sự bình đẳng cho những người ở các quốc gia khác, những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Ung thư không còn là án tử hình

Một phương pháp đã được chứng minh về việc cung cấp cả phương pháp điều trị tốt hơn và nghiên cứu hiệu quả hơn đó là thành lập “Trung tâm chữa trị ung thư toàn diện”, trong đó nghiên cứu được kết hợp với điều trị, giáo dục và tiếp cận cộng đồng.

Giáo sư Baumann lưu ý rằng bệnh nhân được điều trị tại các cơ sở này có khả năng sống sót sau ung thư cao hơn từ 10 đến 15%. Tuy nhiên, sự phân bố địa lý của các trung tâm ung thư này rất khác nhau giữa các quốc gia, với một số khu vực có nhiều cơ sở như vậy, trong khi những nơi khác thì hoàn toàn không có.

Giáo sư Douglas Lowy, quyền giám đốc của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, nêu bật một thống kê đầy hứa hẹn trong điều trị ung thư. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh ung thư đã tăng từ khoảng 50% vào giữa những năm 1970 lên khoảng 68% hiện nay.

Tuy nhiên, ông nói thêm, “ung thư thật khủng khiếp!” Quá nhiều người chết mỗi năm vì căn bệnh này – khoảng 600.000 người ở Hoa Kỳ – và các dự báo toàn cầu ước tính rằng phần lớn các ca chẩn đoán ung thư sẽ xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình trong vòng một thập kỷ tới.

Giáo sư Lowy cho biết: “Sự bất bình đẳng và thiếu khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe là một vấn đề quan trọng ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu, đồng thời có tác động tiêu cực to lớn đến sự phát triển và tử vong của bệnh ung thư.

Dựa trên lịch sử giúp đỡ mọi người của Giáo Hội

Hội nghị cũng tìm cách tạo ra các mạng lưới giữa các nhà nghiên cứu ung thư và tìm cách phổ biến tiến bộ khoa học một cách công bằng hơn. Ví dụ, giáo dục và đào tạo các nhà khoa học và bác sĩ trẻ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến những tiến bộ đến các nước đang phát triển, thông qua việc kết nghĩa của các tổ chức.

Giáo sư Lowy nhấn mạnh bản chất nhân văn của bệnh ung thư: “Người bệnh ung thư là anh chị em, mẹ, cha hoặc con của ai đó, không chỉ là một con số.” Ông nói, “Trong bối cảnh rộng lớn hơn, Giáo hội Công giáo có một lịch sử lâu dài và mạnh mẽ trong việc giúp đỡ mọi người trên khắp thế giới.”

Mục tiêu của khoa học là giúp ích cho cuộc sống và phục vụ hạnh phúc của tất cả mọi người

Chia sẻ trong cuộc họp báo, Đức Hồng y Turkson nhiều lần khẳng định rằng mục tiêu của khoa học là giúp ích cho cuộc sống và phục vụ hạnh phúc của tất cả mọi người. Giáo hội lấy lợi ích của con người làm trọng tâm và Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học mong muốn giúp Giáo hội thực hiện sứ mạng của mình và giúp đỡ nhân loại trong việc theo đuổi công ích.

Đức Hồng y giải thích tại sao Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học quan tâm đến đề tài điều trị và phòng ngừa ung thư trên thế giới: “Bởi vì đây là nhiệm vụ của chúng tôi, bởi vì, chúng ta có thể nói, Galileo là thành viên đầu tiên của Hàn lâm viện này, bởi vì đây là nơi những ý tưởng mới được ươm mầm để phục vụ lợi ích của nhân loại. Ý tưởng đến nhưng sau đó chúng phải được hiện thực hóa cụ thể bằng những phương tiện có thể phục vụ con người. Hàn lâm viện có thể là nơi khơi dậy các ý tưởng và đây là sứ mạng của nó. Sau đó, Hàn lâm viện Toà Thánh về Khoa học cũng liên quan đến vật lý, thiên văn học, y học, sinh thái học, dinh dưỡng, vì vậy chúng tôi xem xét những chủ đề chính trên thế giới là gì. Ngày nay, câu hỏi đặt ra là tình trạng chăm sóc bệnh ung thư hiện nay trên thế giới như thế nào và điều này đã mang chúng ta lại với nhau. Sự kiện tiếp theo mà Hàn lâm viện đang thực hiện là tình hình liên quan đến an ninh lương thực trên hành tinh của chúng ta, sau đó sẽ có sự kiện thứ ba về vật lý thiên văn. Chúng ta nói nhiều về biến đổi khí hậu, nhưng nó liên quan như thế nào đến các yếu tố của vũ trụ? Vì vậy, chúng ta hãy thử xem xét một chút những con đường mới này, đặc biệt là để xem tất cả những điều này có thể phục vụ cuộc sống con người như thế nào.”

Nguồn: Vatican News

Để lại một bình luận