Vĩnh Long ngày 20.01.2023
Kính gửi: Quý Cha, Quý Tu sĩ nam nữ, Và tất cả anh chị em Gp. Vĩnh Long
Thưa anh chị em, trong năm nay chúng ta sẽ chọn mười hai đề tài dựa theo chủ đề mục vụ năm 2022 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và Xã hội. Giáo phận Vĩnh Long, trong Gợi ý Mục vụ lần II, sẽ nói về Nguồn gốc và Cùng đích của Hiệp thông được trích trong Cẩm Nang cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính Hiệp hành, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) và Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân (Christifideles laici).
Tháng 2 năm 2023 nói về Nguồn gốc và Cùng đích của Hiệp Thông. Hiệp thông là mọi người biết Lắng nghe, Phát biểu, Đối thoại, Biện phân, Quyết định để đưa ra một đường lối chung. Mọi thành phần Dân Chúa, tùy theo cấp bậc của mình cùng nhau cộng tác để phát triển Nước Chúa ở trần gian. Gợi ý Mục vụ lần II nầy phân chi ra hai phần: Nguồn gốc – Cùng đích của Hiệp thông.
Nguồn gốc của Hiệp thông.
“Hiệp thông”, từ ngữ phức tạp này có nghĩa là gì? “Tự căn bản, đó là sự hiệp thông với Thiên Chúa, qua trung gian Đức Giêsu-Kitô, trong Chúa Thánh Thần. Con người đạt được sự hiệp thông này nhờ Lời Chúa và các bí tích. Bí tích Thánh Tẩy là cửa ngõ và là nền tảng của sự hiệp thông trong Giáo Hội. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và là cao điểm của toàn bộ đời sống Kitô-giáo (x. GH 11). Sự hiệp thông với Thánh Thể Đức Kitô vừa biểu thị vừa làm phát sinh – nói khác đi là xây dựng – sự hiệp thông sâu xa của tất cả mọi tín hữu trong Thân Thể Đức Kitô là Giáo Hội (x. 1 Cr 19,16)” (Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân, số 19).
Chắc chắn một điều không thể chối cãi được. Đó là Hiệp thông bắt nguồn từ tình yêu và sự hiệp nhất của Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Ngôi Lời Nhập Thể tái lập sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và liên kết con người với nhau trong Chúa Thánh Thần. Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta được hiệp thông với Chúa, hiệp thông với nhau, và đạt tới cùng đích là hiệp thông mãi mãi trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Chúa Kitô là Đấng hòa giải chúng ta với Chúa Cha và liên kết chúng ta với nhau trong Chúa Thánh Thần.
Con người được dựng nên để sống hiệp thông với Chúa. Thiên Chúa quy tụ tất cả mọi người chúng ta lại với nhau, bất kể là chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa có khác nhau nhưng cùng một đức tin. Khi liên kết với nhau, chúng ta kín múc niềm hứng khởi từ việc lắng nghe Lời Chúa, qua Truyền thống sống động của Hội thánh, và được bén rễ sâu vào cảm thức đức tin mà chúng ta cùng nhau chia sẻ.
Tất cả mọi Kitô hữu, dù nhiều và đa dạng, nhưng hiệp thông sâu xa với nhau vì có chung một sự sống thần linh và làm nên một Hội Thánh duy nhất. Tất cả mọi Kitô hữu, do việc lãnh nhận bí tích rửa tội, dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, khác nhau về chức năng, nhưng xét về phẩm giá thì tất cả đều bình đẳng. Cho dù là có phân chia phẩm trật, nhưng mọi người, các chủ chăn, các tín hữu hợp tác với nhau. “Như thế, tuy khác biệt nhau, nhưng tất cả đều làm bằng chứng sự duy nhất kỳ diệu trong Thân thể Chúa Kitô. Thực vậy, chính sự khác biệt về ân huệ, chức vụ và hoạt động lại là mối dây kết hợp con cái Thiên Chúa làm một…” (x. LG số 32). “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người … Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12, 4-6.12-13). Cho nên, tất cả các việc làm, các công trình trên đều xuất phát từ một Thánh Thần duy nhất.
Hơn nữa, chúng ta cũng nên biết rằng tất cả chúng ta là Thân thể của Chúa Kitô, trong cùng một Giáo hội. Có thể nói chúng ta là Giáo hội tại thế, và trên chúng ta còn có Giáo hội trên trời là các thánh, và những người ở trong luyện ngục. Các Thánh trên trời cầu bầu cho chúng ta là những khách lữ hành. Phần chúng ta, chúng cũng cầu nguyện cho chính mình và cho những người trong luyện ngục, trong đó có những ân thân nhân và những linh hồn mồ côi không ai nhớ đến. Tất cả chúng ta sống trong sự Hiệp thông, dưới đất, trên trời và trong luyện ngục, cùng tuyên xưng một đức tin, cùng có một lòng cậy và một đức ái. Dù thế nào đi nữa, tất cả chúng ta con cái của Chúa, là chi thể của một Thân Thể mầu nhiệm là Chúa Kitô.
Mục đích của Hiệp thông.
Đồng trách nhiệm đối với sứ vụ chung: Các tín hữu biết rằng mình được mời gọi cùng tham gia vào sứ mạng chung của Hội thánh là loan báo Tin Mừng. Tùy hoàn cảnh và khả năng cho phép, các tín hữu có thể góp phần loan báo Tin Mừng qua việc thăm viếng, bác ái xã hội, giáo dục… ‘“Thật vậy, tính hiệp hành không phải là một sự kiện hay một khẩu hiệu, mà đúng hơn là một kiểu mẫu và một cách thức hiện hữu qua đó Hội thánh thực hiện sứ mạng của mình trong thế giới. Sứ mạng của Hội thánh đòi hỏi toàn Dân Chúa cùng đồng hành với nhau, với mỗi thành viên đang đóng vai trò cốt yếu của mình, và cùng hiệp nhất với nhau. Hội thánh hiệp hành tiến bước trong sự hiệp thông để theo đuổi một sứ mạng chung với sự tham gia của mọi thành viên và mỗi thành viên. Mục tiêu của Tiến trình hiệp hành không phải là cung cấp kinh nghiệm tạm thời hoặc một lần về tính hiệp hành, mà là tạo cơ hội cho toàn Dân Chúa cùng nhau phân định cách tiến bước trên con đường trở thành một Hội thánh mang tính hiệp hành hơn trong tầm nhìn dài hạn” (x. Cẩm Nang cho Thương Hội Đồng Giám Mục về tính hiệp hành, số 1.3). Tại sao phải có tầm nhìn dài hạn? Vì hiện nay, có nhiều quan điểm trái chiều, chẳng những không thuận lợi cho đức tin Kitô giáo, nhưng còn chống lại và quấy phá đức tin Kitô giáo.
Nói về Mục đích của Hiệp thông, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người cộng tác với nhau, yêu thương nhau, phục vụ nhau để chữa lành những vết thương trong Giáo hội và Xã hội. Ngài đã minh định và mời gọi toàn thể Dân Chúa hiệp thông hướng tới việc chữa lành: “Mỗi người đã chịu phép Rửa cần phải cảm thấy mình có liên quan đến sự thay đổi của Giáo hội và xã hội mà chúng ta rất cần phải có. Việc thay đổi này đòi hỏi sự hoán cải mang tính cá nhân và cộng đồng, giúp chúng ta nhìn xem mọi sự như Chúa nhìn” (x. Cẩm Nang cho Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính hiệp hành, số 1.4)
Và Chúa Giêsu, Thầy chí thánh đã thấy và cầu nguyện cho chúng ta được hiệp nhất, được đồng hành để thi hành sứ mạng: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21). Ngài rất sợ sự chia rẽ, không cộng tác, không hiệp thông của chúng ta, những con cái của Ngài và như thế sẽ sinh ra những hoa trái có hại cho sự Hiệp nhất Giáo hội.
Nhân dịp này, trong Năm Mới Quý Mão 2023, chúng ta cùng chúc nhau tấn tài, tấn đức, tấn bình an và nhiều Phúc lành của Thiên Chúa. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho sự Hiệp thông của con cái Chúa ở trần gian, để cho mọi người ý thức mình là chi thể của Thân Thể mầu nhiệm là Chúa Kitô. Chúng ta cũng không quên xin Chúa cho cơn đại dịch Covid-19 với nhiều biến thể mới đang xảy ra trên thế giới mau qua để mọi sinh Mục vụ và Xã hội được bình thường.
+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long
Nguồn: giaophanvinhlong.net (20.02.2023)