Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục Tarcisio Isao Kikuchi của Tổng Giáo Phận Tokyo, và Tổng Thư ký Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC), nói hành trình Thượng Hội đồng châu Á là một trong những hành trình “cùng nhau bước đi, mặc dù có khó khăn”. Hai trong số những khó khăn được ngài liệt kê là “dịch các tài liệu chính thức sang rất nhiều ngôn ngữ của châu Á” và không thể “tập hợp mọi người lại với nhau vì đại dịch”. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục lưu ý rằng hành trình hiệp hành không phải là một sự kiện sẽ sớm kết thúc, nhưng tiến trình này là một phần của “bản chất nền tảng của Giáo hội”. Do đó, hành trình sẽ tiếp tục sau các cuộc họp thực tế.
Tiếp đến, Đức Tổng Giám Mục nhắc lại hai cuộc khủng hoảng đang diễn ra và cả hai đều bắt đầu vào tháng Hai. Hai năm trước, hòa bình và ổn định ở Myanmar đã bị tước đi và quốc gia này vẫn cần lời cầu nguyện để tái lập một quốc gia hòa bình. Và đúng một năm trước, cuộc khủng hoảng ở Ucraina bắt đầu. Ngài nói: “Chúng ta cần nhớ đến người dân ở Ucraina và tất cả những người tham gia vào cuộc chiến này và cầu nguyện cho hòa bình. Chúng ta không được quên rằng sự thờ ơ có thể tạo ra sự tuyệt vọng, nhưng tình liên đới có thể tạo ra hy vọng sống”.
Đức Tổng Giám Mục nhắc lại rằng trong khi đại dịch và những cuộc xung đột vũ trang làm chúng ta phải “lang thang trong bóng tối không chút ánh sáng” và “tất cả chúng ta đều không chắc chắn” về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, thì Giáo hội có sứ vụ trở thành trung tâm của niềm hy vọng, và không bao giờ là nguồn gốc của sự tuyệt vọng hay buồn bã. Chúng ta phải là nguồn hy vọng bởi vì chúng ta có Tin Mừng sự sống, Tin Mừng hy vọng, và chúng ta là những người cùng nhau tiến bước trong tình liên đới trên con đường hiệp hành.
Đức Tổng Giám Mục của Tokyo kết thúc bài giảng với mời gọi những người hiện diện cầu nguyện xin Cha đầy lòng thương xót gửi Thánh Thần đến để chúng ta có thể tìm ra con đường của Chúa, trở thành dân Chúa bước đi trong tình liên đới trên hành trình hiệp hành.
Theo Ngọc Yến – Vatican News (24/02/2023)