Chúa Nhật I Mùa Chay Năm A

Suy niệm 1:

XIN CHỚ ĐỂ CHÚNG CON SA CHƯỚC CÁM DỖ

Cám dỗ và sa ngã luôn như là người đồng hành thân thiết với thân phận con người ở mọi thời đại. Ai trong chúng ta cũng hơn một lần bị cám dỗ và sa chước cám dỗ.

Bước vào chúa nhật đầu tiên của Mùa Chay năm A, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng nhau chiêm nghiệm về hai cuộc cám dỗ lớn trong chương trình Cứu Độ: – cuộc cám dỗ của Nguyên Tổ Adam – Eva và cuộc cám dỗ của Chúa Giê-su khi Ngài chuẩn bị bước vào cuộc đời công khai.

Đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội, chúng ta cùng nhìn lại hai cuộc cám dỗ ấy:

* Về Bối Cảnh:

– Nguyên Tổ Adam – Eva bị cám dỗ khi đang được tận hưởng cảnh sung túc của vườn địa đàng, có gió mát trăng thanh với đủ thứ cây trông thì đẹp và ăn thì ngon…theo nghiên cứu về lịch sử loài người thì xã hội loài người thời săn bắt hái lượm sử dụng thời gian phong phú, thú vị và ít bị những cơn đói và bệnh tật hành hạ hơn thời nông nghiệp.

– Chúa Giê-su bị cám dỗ trong bối cảnh đói khát và thiếu thốn trong hoang địa sau khi Ngài vừa trải qua 40 ngày chay tịnh và cầu nguyện.

* Về chiến thuật của ma quỷ:

Cả hai cuộc cám dỗ đều cho thấy sự ranh ma gian dối của ma quỷ, mục đích của nó là tìm mọi cách để ta nghi ngờ và xa lìa Thiên Chúa, cụ thể:

– Với sự nhẹ dạ thiếu sáng suốt của người nữ Eva, thì chúng bảo: “có phải Thiên Chúa bảo hết mọi thứ cây trong vườn ngươi không được ăn” trong khi sự thật là tất cả mọi cây trong vườn đều được ăn chỉ trừ một cây giữa vườn. Chúng còn hứa hẹn: ăn vào sẽ được thông mình sáng suốt, …

– Còn Với Chúa Giê-su, nó lợi dụng lúc Ngài đang đói để cám dỗ làm phép lạ hóa bánh; lợi dụng trong lúc Ngài chuẩn bị bước vào cuộc đời công khai rao giảng và làm phép lạ để rồi chúng cám dỗ Chúa làm phép lạ hóa bánh, gieo mình từ núi cao….

* Về thái độ khi bị cám dỗ:

– Nguyên Tổ Eva dùng dằng. Các ngài có vẻ không chú trọng vào lời của Chúa: “ mọi trái cây trong vườn các ngươi đều được ăn chỉ trừ một cây giữa vườn..” mà chỉ tập trung vào lời nói của ma quỷ: “người phụ nữ thấy trái cây trông đẹp mắt và ăn thì ngon…”

– Chúa Giê-su dứt khoát, Ngài chỉ tập trung vào lời Chúa “ có lời Chúa phán….”  Với Ngài, Thánh ý của Chúa Cha là quan trọng nhất.

Soi mình lời Chúa hôm nay, tôi cần nhận ra:

– Đâu là chiến thuật ma quỷ lợi dụng để cám dỗ tôi? Khi bị cám dỗ tôi có dứt khoát và dùng những phương thế của Giáo Hội dạy để nghiêm túc chống trả cơn cám dỗ?

– Trong thế giới huy hoàng của tiện nghi vật chất, của những  phương tiện, tôi có biết chọn lựa những hưởng thụ chính đáng làm tăng nhân phẩm và giá  trị bản thân, hay tôi chọn phục tùng những “ông chủ xấu” làm đời sống tôi bị tha hóa đi.

Nếu chiến thuật của ma quỷ là lợi dụng những nhu cầu, những khát vọng thâm sâu nhất nơi bản tính con người để cám dỗ, thì lời mời gọi SÁM HỐI của mùa chay đòi buộc tôi đi vào thật sâu nơi cõi lòng mình.

Đã hơn một lần tôi bước sâu vào lòng mình, và tôi nhận ra sự giá băng nơi ấy. Đi càng sâu, tôi càng thấy lạnh; tôi lạnh  cái lạnh của hỉ, nộ, ái, ố, tôi lạnh cái lạnh của thói đời tham sân si. Cái lạnh ấy cám dỗ tôi co mình lại, trong khi sám hối đòi tôi quảng đại mở lòng ra để buông mình cho Thiên Chúa và tha nhân.

Nếu mục đích của ma quỷ là cám dỗ để tôi mãi bám víu với những “ông chủ xấu” mà trở nên nghi ngờ và xa lìa Thiên Chúa, thì lời mời gọi TRỞ VỀ của mùa chay cũng hối thúc tôi tìm lại “nơi tôi thuộc về”, nơi ấy là nhà của tôi, căn nhà có Thiên Chúa vừa là Cha vừa là Mẹ.

Trong hành trình cuộc đời, đã hơn một lần tôi thấy đường trở về của mình sao chơi vơi, lạ lẫm, bởi vì đã từ lâu tôi quên về lối ấy. Từ bao giờ, tôi chỉ thích đi trên con đường của ý riêng, con đường của sự dễ dãi, hơn là con “đường hẹp” của Tin Mừng.

Nhưng nếu tôi không dám đối diện với  những con đường băng giá nơi tâm hồn mình, không dám vượt qua những phút chơi vơi trên đường trở về, không dứt khoát chiến thắng cám dỗ, thì làm sao tôi nếm cảm được hơi ấm từ cái ôm mà Người Cha Nhân Hậu đã đứng đó đợi tôi tự bao giờ, hay làm sao tôi có được niềm vui khi được Cha khoác lên cho tôi tấm  “áo mới” lúc tôi trở về.

Đối với người tu sĩ, hai từ cám dỗ xem ra đáng sợ hơn, bởi sự ràng buộc của lời khấn hứa và của luật đời tu. Có rất nhiều thứ hưởng thụ xem ra chính đáng đối với người thường nhưng lại là mối nguy hại và không được phép đối với người tu sĩ. Vì vậy, nếu trong tôi không có một sự phản kháng nhất định, nếu tôi sống dể duôi buông thả, thì tôi dễ bị cám dỗ đánh bại. Gìn giữ sự tinh tuyền trong sáng cho chiếc áo đời tu thật không phải là điều đơn giản. Chiến thắng vạn quân không khó bằng chiến thắng chính mình.

Cám dỗ thật sự làm tôi cảm thấy sợ, bởi cám dỗ làm tôi sa ngã, và sa ngã dẫn tôi đến sự chết và chết đời đời.

Tuy nhiên, nếu tôi quá sợ hãi cám dỗ đến mức bị lẩn quẩn trong đó, thì tôi phải xem lại lòng tin tưởng và cậy trông của tôi vào Tình Yêu Cứu Độ của Chúa. Tác giả thư Do Thái dạy: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần”. (Dt 4,15-16)

Noi gương Chúa Giê-su khi Ngài bị cám dỗ, tôi cần xác tín vững vàng vào LỜI CHÚA rằng: Chúa sẽ cho Thiên Sứ tay đỡ tay nâng để tôi không vấp chân vào đá; trong mọi hoàn cảnh tôi không được phép nghi ngờ hay thử thách Đức Chúa và chỉ thờ phượng một mình Người mà thôi, và luôn ý thức rằng tôi sống không chỉ nhờ cơm bánh vật chất, nhưng còn là sống nhờ lời Chúa. Hơn cả sự xác tín, những LỜI này của Chúa phải trở nên nguồn sống và là sức mạnh giúp tôi chiến thắng cám dỗ.

Lạy Cha là Thiên Chúa của con! Chúa Giê-su con Cha khi xưa đã chiến thắng cám dỗ và dạy con cách chiến thắng cám dỗ. Xin Cha giúp con biết luôn nghiêm túc chiến đấu, luôn khôn ngoan đến cùng Cha trong mọi hoàn cảnh vui buồn.

Thưa Cha! Dù tội lỗi đã bao lần làm con quên mất ơn Cha, bao lần làm con đau  buồn hối hận nhưng con thấy hạnh phúc vì nơi con thuộc về là Cha, con hạnh phúc vì biết rằng: Cha luôn đứng sẵn để chờ đón con sám hối quay trở về. Niềm hy vọng được tha thứ luôn là niềm hy vọng ngọt ngào nhất của mọi tội nhân chúng con. Nhờ công nghiệp của Giê-su con Cha, xin Cha chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Maria Lệ Thu

Suy niệm 2:

CÁM DỖ

Bước vào tuần lễ đầu tiên của Mùa Chay, Giáo Hội cho con cái mình đọc lại những trang đầu của sách Sáng Thế nói về việc tổ tông loài người bị ma quỷ cám dỗ và đã sa ngã. Không dừng lại ở đó, Tin Mừng Matthêu hôm nay cũng thuật lại việc ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu khi Ngài ăn chay cầu nguyện trong sa mạc trước khi bước vào hành trình sứ vụ công khai và Ngài đã chiến thắng Tên Cám Dỗ. Vậy điểm chung và quan trọng nhất của lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay mà Giáo Hội muốn nhắc đến đó là: mang thân phận con người chắc chắn chúng ta sẽ không thoát khỏi việc bị cám dỗ để làm những điều nghịch với lề luật Chúa nhưng kết quả cuối cùng có đi đến tội lỗi hay không thì không hoàn toàn giống nhau.

Thật thế, hai nhân vật, hai hoàn cảnh và hai không gian rất tương phản được nói đến trong Chúa Nhật hôm nay đã gợi lên cho chúng ta nhiều suy nghĩ và cho chúng ta nhiều bài học trong đời sống thiêng liêng.

  • Giữa cảnh hoa mộng đầy hoa thơm trái ngọt của vườn địa đàng, Thiên Chúa đã đặt con người là tạo vật của mình vào đó để hưởng thụ và canh tác, nhằm mục đích hoàn thiện hơn kì công của Chúa. Nhưng ma quỷ đã dùng lời lẽ ngon ngọt mà cám dỗ con người đầu tiên và họ đã nghe lời chúng phạm tội mất lòng Chúa để rồi nhận lãnh án phạt cho bản thân và truyền lại cho con cháu sau này.
  • Giữa nơi sa mạc nắng cháy khô cằn thiếu thốn tất cả mọi thứ, kể cả những điều cần thiết nhất cho sự sống, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến để chuẩn bị cho sứ mạng Kitô của mình là cứu chuộc nhận loại, làm nên một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên ân sủng cho con người.
  • Bà Eva khi bị cám dỗ đã nhớ tới lời của Chúa phán dạy, bà nhớ rất rõ từng lời nhưng khốn thay bà không đem lời đó ra thực hành, bà lưỡng lự, bà ngã giá với con rắn và rồi bà đã thua.
  • Chúa Giê-su khi bị cám dỗ, Ngài đã không đơn phương chống chọi, Ngài đã dùng sức mạnh của lời Chúa để chiến đấu và Ngài đã chiến thắng.
  • Sau khi phạm tội ông bà nguyên tổ đã trốn tránh Thiên Chúa, đổ lỗi cho nhau nhưng cả hai vẫn bị mang cùng bản án là sự chết.
  • Chúa Giê-su khi chiến thắng được cơn cám dỗ thì đã được Thiên Chúa sai các thiên thần đến phục vụ. Điều đó nói lên Ngài được đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa.

Khi nhắc về sự sa ngã của ông bà nguyên tổ và sự chiến thắng của Chúa Giê-su trước cơn cám dỗ được coi là rất “con người”, Giáo hội nhắc cho chúng ta nhiều điều cần thiết để sống tốt tâm tình Mùa Chay cách riêng và trong suốt đời sống của người Kitô hữu:

  • Cám dỗ là điều không thể tránh khỏi nếu không nói là cần phải có để tôi luyện đời sống đức tin của người tín hữu vì chẳng có vàng nào tinh ròng mà không chịu thử lửa. Những cám dỗ thường xảy đến và làm cho chúng ta sa ngã khi chúng ta quá dễ dãi với bản thân, quá tin vào sức lực của chính mình mà quên đi chúng ta đang chiến đấu không phải với con người nhưng là với thế lực thần thiên.
  • Cám dỗ không phải là tảng đá đè bẹp chúng ta trong tội lỗi nhưng là nấc thang để chúng ta đi đến ân sủng. Điều quan trọng không phải là việc có hay không cơn cám dỗ mà là tôi đã chiến đấu với nó thế nào?
  • Tôi có thể đôi lần, hay nhiều lần, hay rất nhiều lần thất bại trước cơn cám dỗ “rất đời thường” vì tôi là con người, nhưng không vì đó mà tôi bỏ cuộc, tôi thất vọng vì chính Con Chúa cũng bị thử thách như tôi và Ngài đã chiến thắng, vì thế tôi có lý do để tin tưởng và cố gắng vươn lên.

Cuối cùng sau những lần vấp ngã xin Chúa cho con biết cảm tạ Chúa vì đã cho con thấy mình yếu đuối đến mức nào nếu không có Chúa, con đơn độc thế nào khi một mình chiến đấu với sự dữ, con đau khổ thế nào khi đánh mất ân sủng Chúa và con hoang mang thế nào khi lạc xa đường lối của Chúa.

Phận mỏng manh giữa nhiều cơn cám dỗ

Con loay hoay tìm bến đổ trong đời

Xin Ngài thương, lạy Thiên Chúa con ơi!

Ban sức mạnh và cùng con chiến đấu.

Bảo Bảo

Suy niệm 3:

Tin Mừng kể cho chúng ta về những cơn cám dỗ của Chúa Giê-su trong hoang địa. Ngài nói với chúng ta rằng đằng sau những cám dỗ này có một ai đó. Kinh Thánh gọi “hắn” là ma quỷ. Hắn là kẻ tìm cách hạ bệ con người. Hắn tấn công chúng ta thông qua những điểm yếu của chúng ta và Hắn biết cách ngụy trang cho các cuộc tấn công của mình. Hắn là một “bậc thầy” của sự lừa dối. Đây là cách Hắn tìm cách khiến Chúa Giê-su quay lưng lại với con đường hy sinh và tình yêu được hiến dâng cho Chúa Cha và cho con người. Hắn gợi ý rằng: Chúa Giê-su nên chọn một con đường dễ dàng, con đường thành công và quyền lực.

Nhưng Chúa Giêsu từ chối sử dụng quyền lực của mình với tư cách là “Con Đức Chúa Trời” để đạt được những thỏa mãn cá nhân. Ngài dứt khoát từ chối mọi cám dỗ. Ngài cương quyết lập lại quyết định trung thành với Cha. Ngài không chấp nhận thỏa hiệp với tội lỗi hoặc với logic của thế giới. Và trên hết, Ngài không đối thoại với Satan như Eva đã làm trong vườn địa đàng.

Chúa Giê-su biết rất rõ rằng với Satan, con người không thể đối thoại. Ngài đã chọn nương tựa vào Lời Chúa: “Con người sống không phải chỉ nhờ cơm bánh”. Ăn uống là quan trọng, hợp ý với Đức Chúa Trời còn quan trọng hơn: “Ngươi chớ thử Đức Chúa, đừng khiêu khích Người. Chúng ta sẽ tôn thờ một mình Chúa. Đừng cúi đầu trước thần tượng, con người, và càng không cúi đầu trước ma quỷ. Những cám dỗ này ngon miệng như trái cấm. Việc chúng ta có muốn sống với tư cách là con cái của Thiên Chúa và ở trong mối tương quan anh chị em với nhau hay không là tùy thuộc vào sự lựa chọn của chúng ta.

Chúa Giê-su chống lại tên cám dỗ và cuối cùng tên cám dỗ đã rời bỏ Ngài. Chúa chỉ cho chúng ta cách đối mặt với mọi cuộc tấn công của hắn. Đúng là đôi khi chúng ta không chịu nổi sự cám dỗ. Chúng ta quay lưng lại với Chúa. Nhưng Chúa cứ kêu gọi chúng ta hết lòng quay về với Người. Ngài luôn sẵn sàng nâng chúng ta lên. Ngài hiện diện trong mọi cuộc đấu tranh của cuộc đời chúng ta và Ngài không bỏ cuộc. Ngài đã đánh bại kẻ cám dỗ vì chúng ta. Chúa Giê-su đã chiến thắng tuyệt đối bằng sức mạnh của tình yêu.

Do đó, với Chúa Kitô chiến thắng, chúng ta bước vào Mùa Chay này. Đây là thời điểm thuận lợi để hoàn thành con đường chuyển đổi. Giống như Chúa Giê-su, chúng ta được mời nương tựa vào Lời Chúa. Đây là cách chúng ta sẽ tìm thấy sức mạnh và lòng dũng cảm trong cuộc chiến chống lại cái ác. Với Chúa Kitô, chúng ta sẽ học cách từ chối tất cả những lời quảng cáo sai lạc khiến chúng ta xa rời Tin Mừng. Ánh Sáng Lời Chúa được ban cho chúng ta để soi sáng cuộc đời chúng ta.

Lạy Chúa, bánh chúng con lãnh nhận từ Chúa đổi mới tâm hồn chúng con, nuôi dưỡng đức tin, làm lớn lên niềm hy vọng và cho chúng con sức mạnh để yêu thương. Xin dạy chúng con luôn khao khát Đức Kitô, Bánh Hằng Sống và chân thật. Amen.

Fiat

Suy niệm 4:

“Quỷ lại đem Người lên núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4, 8-9)

Bài Tin mừng cho chúng ta thấy rằng, nhờ sống xác tín và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su đã vượt thắng được những cơn cám dỗ tinh vi do ma quỷ đã bày ra để gài bẫy Chúa. Ma quỷ không đơn thuần là gài bẫy Chúa về chuyện biến đá thành bánh, gieo mình xuống để Thiên Chúa tay đỡ tay nâng, hay suy phục để được mọi vinh hoa thế gian, nhưng xâu xa hơn, qua những cám dỗ, “tên lừa gạt” đã từng bước lừa dối để Chúa Giê-su đánh mất đi sự khiêm nhường, suy giảm lòng tin vào Cha của Ngài, và sau cùng là quên đi sứ mệnh cao cả mà Thiên Chúa Cha đã trao phó.

Xưa kia, A-đam đầu tiên đã quên đi lời Thiên Chúa dạy bảo mà nghe theo lời con rắn xúi dục, tâm trí ông bị che mờ bởi dục vọng, nên đã quên đi phận mình chỉ “là đất sét, là thụ tạo, là loài được Thiên Chúa thông chia sự sống. Hậu quả của việc bất tuân phục là Adam không còn được sống thân tình với Thiên Chúa, phải chịu đau khổ và phải chết. Nay Adam mới là Đức Giê-su, Ngài không chỉ tự nguyện vâng theo thánh ý Chúa Cha, mà trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời, Ngài luôn kết hợp mật thiết với Cha Ngài, sống tin tưởng tín thác vào lời của Cha và làm những gì Cha muốn. Cái kết của cuộc đời Ngài là khổ giá như một tên tử tội, nhưng khổ giá đó đã nở hoa yêu thương và phát sinh sự sống là ơn cứu độ cho muôn người.

Khi suy gẫm lại ba cơn cám dỗ mà Chúa Giê-su đã trải qua, cùng nhớ lại tất cả những gì mà Chúa đã giảng dạy, đã sống, đã làm trong ba năm rao giảng Nước Thiên Chúa. Quả thật, con đường Chúa Giê-su đi không phải là con đường tìm sự hưởng thụ, tìm sự tự do thoải mái, tìm hư vinh nơi trần thế; nhưng con đường mà Ngài đi là sự vâng phục tuyệt đối nơi Thiên Chúa Cha, là sống khiêm hạ như một người tôi tớ, là phục vụ đến quên mình. Ngài yêu thương đến hy sinh mạng sống vì người mình yêu, và cho đi tất cả đến giọt máu cuối cùng nơi trái tim rộng mở. Đây là con đường mà Chúa Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta dấn thân bước theo Ngài.

Trong mọi thời đại, ma quỷ không ngừng bày ra những cạm bẫy để lừa dối con người chúng ta. Thời nay, “tên cám dỗ” không hiện thân để đưa ra những chiêu trò cụ thể để lừa gạt con người, nhưng nó lại giúp con người tìm thỏa mãn những gì mà lòng họ đang hướng chiều theo, miễn sao con người quên đi sự diện của Thiên Chúa, quên đi phần phúc ơn cứu độ mà Chúa Giê-su hứa ban cho những ai sống trung thành với Ngài đến cùng. Mọi sự trong thế gian không xấu, nó chỉ trở thành cơn cám dỗ chết chóc khi chúng ta mải mê kiếm tìm đến độ quên đi tình yêu của Đấng Tạo Hóa, quên đi phận mình “là đất sét, là tôi tớ, là người được Thiên Chúa yêu thương và quan phòng”.

Để thắng vượt những cơn cám dỗ, Chúa Giê-su đã không ngừng kết hiệp mật thiết với Chúa Cha qua việc cầu nguyền và chay tịnh hãm mình.

Ước chi mùa chay thánh này, trở nên cơ hội để chúng ta tìm về nguồn mạch sự sống đời mình là chính Thiên Chúa. Nguyện xin tình yêu và ân sủng của Đức Ki-tô thôi thúc, nâng đỡ mỗi người chúng ta, để nhờ ơn Ngài trợ giúp, chúng ta chiến thắng được những đam mê bất chính, những toan tính lợi lộc thấp hèn, nhất là mỗi ngày cố gắng sống thân tình với Thiên Chúa và trung thành với thánh ý của Người.

M. Nhị Thơ

Để lại một bình luận