Suy niệm 1:
Tiếng Gọi
Khởi đầu Tin Mừng thánh Maccô hôm nay là một tin buồn. Chúa Giêsu nghe tin vị tiền hô Gioan bị bắt vì làm chứng cho sự thật. Chắc hẳn Chúa Giêsu buồn. Nhưng gác lại nỗi buồn riêng ấy, Ngài lánh qua miền Galilê để bắt đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng. Và tin vui là Galilê – vùng đất bị Giêrusalem coi thường, một miền gần lương dân, một vùng quê nghèo, không có chút tiếng tăm gì cả, nay được Chúa Giêsu chọn để khởi đầu công cuộc rao giảng. Chúng ta mừng vui vì Thiên Chúa không chú trọng bề ngoài, Ngài quan tâm đến sự đáp trả của con người, sự đáp trả đến từ bên trong, từ nội tâm, từ tấm lòng chân thành, khiêm tốn của con người. Ngầm hiểu rằng: nước Trời sẽ dành cho hết mọi người, cho những ai chân thành tìm kiếm, cộng tác và đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa một cách trọn vẹn.
Để tiếp nối sứ mạng rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta cộng tác với Ngài. Ngài kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên là Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan bước theo Ngài. Bắt đầu bằng việc, Chúa Giêsu chủ động đến nơi họ sinh sống, đi ngang qua chỗ họ, thấy họ đang chú tâm trong bổn phận của mình. Ngài biết họ là ai, cả bốn điều là những người chài lưới, là những người lao động chân tay, đang làm việc miệt mài trên biển hồ Galilê: Simon và Andrê thả lưới bắt cá, Giacôbê và Gioan đang vá lưới. Họ làm việc cùng nhau, chung tay góp sức trong công việc mưu sinh, sẵn sàng hiệp nhất để đối đầu với nghịch cảnh, vượt qua những khó khăn trong công việc. Họ có thể nghèo của cải vật chất, tri thức, nhưng giàu có về tình huynh đệ, tinh thần hợp tác và sẵn sàng giúp nhau trong công việc bổn phận. Chính vì thế, Chúa Giêsu chọn họ, Ngài đã đi qua cuộc đời họ để mang đến cho họ một sứ điệp mới, một sứ mạng mới: “Hãy theo Ta”. Nghe Lời đó, họ lập tức đi theo Chúa Giêsu.
Phần các ông, nghe tiếng Chúa gọi, các ông đáp trả ngay lập tức, bỏ mọi sự, kể cả mối liên hệ ruột thịt; sẵn sàng từ bỏ quê hương, nghề ngư phủ là phương tiện sinh sống, là tương lai của các ông để bước theo Chúa Giêsu và xác tín rằng: Chúa Giêsu quan trọng hơn hết! Theo Chúa Giêsu thì từ nay, quê hương của các ông sẽ là thế giới, gia đình của các ông sẽ là những người mà các ông gặp gỡ, nghề nghiệp của các ông là nghề “chài lưới người” như lời Chúa Giêsu đã nói. Một sự từ bỏ xem ra khó, nhưng các ông đã làm được một cách dứt khoát, tin tưởng tuyệt đối, đi theo Chúa Giêsu bằng niềm tin và lòng mến. Điều đó được chứng minh bằng cả cuộc đời gian khó của các ông cùng với Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu lên tiếng kêu gọi thì lập tức các ngư phủ dứt khoát và mau mắn đi theo Chúa. Còn phần chúng ta, chúng ta đáp trả thế nào? Đúng vậy, chúng ta thật sự muốn đi theo Chúa Giêsu. Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta trở thành Kitô hữu và được Chúa mời gọi đáp trả trong bổn phận làm người, làm con Chúa. Dù là bậc sống nào, chúng ta cũng phải là những tông đồ của Chúa bằng đời sống đẹp, làm cho người khác nhận biết, tôn thờ và yêu mến Chúa. Chúng ta xây dựng nếp sống yêu thương bằng lời nói yêu thương, tôn trọng; bằng cách sống quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ người khác trong khả năng của chúng ta. Đồng thời, chúng ta nêu gương sáng cho mọi người và sống hòa thuận với nhau.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mở lòng mình ra để Chúa bước vào, và nhờ cuộc đời chúng ta để Ngài đi vào thế giới. Nhưng để làm được điều đó chúng ta phải: hy sinh, sẵn sàng đáp lại đòi hỏi của Chúa là mỗi ngày phải nên thánh, nên mới mẽ bằng niềm tin, lòng cam đảm vượt những gian khó đời này; phải “TỪ BỎ MÌNH” để dấn thân, để không còn gì riêng cho chúng ta nữa. Ơn gọi nào cũng có thánh giá phải vác, phải dấn thân, phải từ bỏ mình. Vì thế, chúng ta phải trọn niềm phó thác mà tiến bước. Như vậy, dẫu trong đêm của cuộc đời, chúng ta cũng phải tin tưởng, chứng tỏ tình yêu, niềm tin của chúng ta một cách kiên vững và dám mạnh dạn bước thêm một bước vào chương trình diệu kỳ của Thiên Chúa. Lời kêu gọi “Hãy theo Ta” vẫn vọng với chúng ta, vào chúng ta quyết đáp trả như thế nào?
Lạy Chúa Giêsu, Ngài muốn chúng con đi theo Chúa để sống chứng nhân Tin Mừng. Vậy trong Năm Mới này, xin Chúa thêm sức cho chúng con để chúng con mau mắn đáp trả lời mời gọi của Chúa là sống chứng nhân trong ơn gọi riêng của mỗi người. Và mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây, xin cho chúng con luôn biết làm việc nhằm mục đích sáng danh Thiên Chúa. Lạy Chúa Giêsu, chúng con yêu mến Chúa. Lạy Chúa Giêsu, chúng con yêu mến Chúa biết bao! Amen.
Hoa Xuân
“Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”. (Mt 6, 34)
Suy Niệm 2:
Bước vào ngày đầu của năm mới, năm 2023 Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta về cách thức chúng ta sống với con người hiện sinh.
Nhịp sống ngày nay, người ta có nhiều thứ để lo nghĩ, nhiều thứ để bận tâm, nhiều thứ để tìm kiếm…nghĩ về cuộc sống hiện tại, cuộc sống tương lai và ngay cả về quá khứ, những gì đã qua. Nhìn hiện trạng một năm qua, chúng ta thấy rất rõ, đời sống con người có nhiều biến động về mọi mặt: đời sống thường nhật, đời sống tình cảm, … và nhất là đời sống kinh tế trở nên khó khăn, nhiều người đau đầu vì phải đối diện với việc mưu sinh, cơm áo gạo tiền, … thế giới chiến tranh, dịch bệnh vẫn còn, và những cuộc đổ vỡ trong gia đình, đau thương vẫn tồn tại luôn xảy ra hằng ngày.
Với nhiều lo âu như vậy, Chúa Giê-su muốn nói gì với chúng ta nhân ngày đầu năm mới này, muốn chúng ta xác tín hơn trong đời sống người ki-tô hữu “Anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”. (Mt 6, 34). Lời mời gọi này, cách sống này chúng ta mới nghe có vẻ nghịch nghịch gì đó, trong khi người ta đứng ngồi không yên với biết bao lo toan của việc sinh tồn, với vòng xoay của lối sống hiện đại, mà ai ai cũng phải chạy theo.
Thế nhưng, ở đây Chúa Giêsu lưu ý với chúng ta, Chúa Giê-su không kêu chúng ta sống vô trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xã hội, và không có dự định, dự kiến cho cuộc sống tương lai, lười biếng, ỷ lại, hay cậy dựa vào sức riêng mình … Cùng những âu lo đó, chúng ta được mời gọi sống phó thác cậy trông, biết đón nhận giây phút hiện tại Chúa ban, ngang qua cuộc sống đầy bon chen này chúng ta cũng biết tận dụng “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn những thứ kia Người sẽ thêm cho”.
Lạy Chúa Giê-su, chúng con nghe Chúa nói chúng con an tâm lắm, nhưng vì chúng con chưa hoàn toàn tin tưởng vào Chúa, nên chúng con cứ loay hoay tìm cho riêng mình: danh vọng, quyền lực, tiền bạc và sung sướng để thõa mãn những ước muốn của chúng con.
Xin Chúa thương tha thứ cho những nông cạn của chúng con. Xin Chúa cho chúng con trong năm mới này, luôn luôn biết sống thật tình với Chúa và sống phó thác tuyệt đối hơn vào bàn tay quan phòng của Chúa. Amen.
M. Nhị Thơ
Suy niệm 3:
BÌNH AN TRONG CHÚA
Trong một xã hội ngày càng chạy đua không ngừng với thời gian, hiệu năng và lợi nhuận thì việc có được những ngày tết cổ truyền để dừng lại, để sống chậm, để trở về với quê hương là một điều rất ý nghĩa. Suốt cả một năm bộn bề với lo toan cuộc sống nơi xứ người, những ngày xuân được về với gia đình, buông bỏ đi những ưu tư cho công việc, những tranh chấp hơn thua của cuộc đời để tìm lại được bình an thanh thản nơi quê nghèo, những nụ cười ánh mắt ngây thơ của đàn em nhỏ tung tăng đón tết thật là một hạnh phúc bình dị mà không phải ai muốn có cũng được.
Cách riêng đối với người Công giáo trong những ngày đầu năm mới không chỉ được nghỉ ngơi phần thể xác mà lại còn được thêm một niềm hạnh phúc khác nữa đó là được về sum họp quây quần với gia đình họ đạo để ca ngợi, chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa là Đấng đã gìn giữ mình và người thân suốt một năm qua được bình an. Và qua đó cũng là để tìm lại sức mạnh tâm linh mà trong suốt thời gian chật vật với cuộc sống mưu sinh họ đã xao lãng bổn phận đối với Thiên Chúa.
Đời sống con người ở bất kì thời đại nào thì vấn đề cơm ăn áo mặc luôn là mối bận tâm hàng đầu. Vì thế không lạ gì khi một năm có 365 ngày thì con người đã dành hầu hết thời gian cho công việc để mưu sinh. Tuy cách thức và nghề nghiệp có khác nhau nhưng nhìn theo một hướng tích cực thì con người cùng có chung một mục đích là để nuôi sống bản thân gia đình và làm phát triển xã hội. Cảm tạ Chúa vì đã ban cho con người có khả năng lao động để cộng tác với Chúa trong công cuộc sáng tạo và gìn giữ vũ trụ mà Chúa đã dựng nên. Tuy nhiên, trong ngày đầu năm mới này, lời Chúa nhắc nhở con người ý thức về một điều tối quan trọng trong ý nghĩa và mục đích của cuộc sống không phải là tôi tìm kiếm gì cho tôi và cho đời nhưng là tôi tìm kiếm gì cho Nước Chúa?
Chúng ta hãy nhìn lại những gì chúng ta tìm kiếm và những gì Chúa ban cho để xác tín một điều rằng Chúa luôn quan phòng tất cả cho đời sống của chúng ta:
- Chúng ta tìm kiếm thức ăn để nuôi sống bản thân nhưng Chúa mới là Đấng ban cho chúng ta sự sống.
- Chúng ta tìm áo mặc để che thân nhưng chính Chúa là Đấng tạo nên cho chúng ta một thân xác.
- Chúng ta tìm kiếm công danh sự nghiệp cho đời nhưng Chúa mới là Đấng dựng nên cả vũ trụ.
Cũng như con người đối với Thiên Chúa mãi là một tạo vật thì những gì con người tìm kiếm ở trần gian chỉ là hư vô so với ân huệ Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên cuộc đời mỗi người. Nói thế không phải là không thừa nhận những đóng góp tích cực của con người cho thế giới này nhưng chỉ muốn hướng chúng ta đến một điều cao trọng hơn đó là việc tìm kiếm những gì đến từ Thiên Chúa và cho Nước Chúa. Kiếm tìm sự bình an đích thực đến từ Thiên Chúa là Đấng biết rõ chúng ta cần điều gì. Chúng ta có quyền lao động để tìm kiếm cơm ăn áo mặc, chúng ta phải lao động vì đó là trách nhiệm Chúa giao cho. Chúng ta phải lo toan cho cuộc sống để không bỏ lỡ những cơ hội vươn lên nhưng lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt Chúa trên hết mọi công việc và ưu tư lo lắng đó. Đặt Chúa lên trên không phải để chúng ta buông xuôi bỏ cuộc nhưng là cố gắng trong sự tin tưởng vào quyền năng của Chúa, nỗ lực bằng sức mạnh của Chúa và phó thác cho sự quan phòng của Chúa.
Bảo Bảo