1. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ
Thánh Phanxicô ra đời tại biệt thự Sales danh tiếng vùng Savoie nước Pháp ngày 21/8/1567. Thân phụ Ngài là ông Phanxicô Nouvelles, một lãnh chúa và thân mẫu ngài là bà Phanxicô Sion, miền Sales. Cả hai là những tín hữu khôn ngoan, nhân đức, hết lòng chăm sóc cho con và giáo dục chúng nên người. Nhờ được sống trong bầu khí đạo đức đày tình yêu thương như thế mà cậu Phanxicô sớm tỏ ra là một thiếu niên ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành. Phanxicô còn được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng ngay từ nhỏ nên đã sớm trở nên một đứa trẻ đạo đức, thánh thiện và bác ái.
Hơn mười tuổi, Phanxicô chịu phép Thêm sức, xưng tội lần đầu. Và vừa 14 tuổi được cha mẹ cho đi tu. Mấy năm sau ngài chịu phép cắt tóc.
Năm 1580 Phanxicô được gửi đến Paris theo học khóa tu từ và triết lý, dưới quyền giám hộ của linh mục thánh thiện Morac Deâge. Dù sống giữa đô thị lớn, ngập lụt những xa hoa trần tục, thầy Phanxicô không để mình xao xuyến, hay bị lôi cuốn. Chàng vẫn giữ tấm hồn trong sạch, trung thành với lý tưởng tận hiến. Đó là kết quả lòng tin tưởng thầm kín vào Chúa như lời ngài thường nói: “Thiên Chúa là Thầy dạy duy nhất của tôi về mọi khoa nên thánh. Và tôi hoàn toàn tín nhiệm vào Ngài”. Tại Paris ngài xin gia nhập Hiệp hội Thánh Mẫu sinh viên do các cha dòng Tên khởi xướng lập nên.
Qua sáu năm học tại Paris, Phanxicô trở về Savoie rồi sang Ý theo học tại trường Đại học Padoua. Tại đây ngài chuyên về luật khoa và thần học. Hai năm sau ngài nhận mũ tiến sĩ do Đức Giám mục thành Padoua trao tặng. Phanxicô từ giã kinh thành văn hóa, đi hành hương Rôma, Loretto, và về Savoie.
Với tấm bằng tiến sĩ Luật, Ngài Ngài nắm trong tay một tương lai sáng lạn, huy hoàng. Gia đình Ngài mong ước cho Ngài được nhận tước quận công miền Villaroget, giữ ghế luật sư tại Savoie, và sau cùng kết hôn với ái nữ của lãnh chúa trong vùng. Thế nhưng họ đã thất vọng. Cha của Ngài đã phẫn nộ vô ích trước lòng cương quyết và từ tốn của thánh nhân. Dù cuộc đời Ngài có dễ dàng thăng quan, tiến chức, có chỗ vững chắc trong xã hội, nhưng thánh nhân quyết tâm từ bỏ tất cả, để đi theo Chúa Giêsu. Thánh nhân được thụ phong linh mục năm 1595. Thánh nhân được Ðức Giám mục Granier tin tưởng, tín nhiệm đề cử làm nhà hộ giáo, giảng thuyết chính thức chống lại bè rối Calvin ở Challais. Với một tâm hồn lạc quan, vui tươi, tin tưởng và phó thác cho Chúa: “Chúa là nguồn vui của Con”, thánh Phanxicô đã đưa trở lại với Giáo Hội 72 ngàn người lạc giáo. Và vào năm 1602 ngay sau khi Ðức Cha Granier từ trần Chúa yêu thương, cất nhắc Ngài, đặt Ngài làm giám mục thay thế Ðức Cha vừa qua đời. Thánh Phanxicô Salêsiô đã lập Dòng Chị Em Con Ðức Mẹ, sau này được đổi thành Dòng Thăm Viếng.
Ngài sống một đời sống hiền lành và khiêm nhường cố gắng làm việc cho tới phút cuối cùng. Ngài được Chúa gọi về trong một chuyến công tác tại Lyon. Hôm ấy nhằm ngày 27-12-1622. Theo lời ngài trối lại, người ta đưa xác ngài về dòng Thăm viếng tại Annecy. Đến ngày 19-4-1685, Đức Giáo Hoàng Alêxanđria VII phong người lên bậc hiển thánh, và tới năm 1877 dưới thời Đức Thánh Cha Piô IX, thánh Giám mục Phanxicô được tặng phong là một thánh tiến sĩ của Giáo Hội.
2. BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG
Nhắc tới thánh Phanxicô Salêsiô, không ai là không phải cảm phục Ngài về sự hiền lành.
1. Sự hiền lành của thánh Phanxicô Salêsiô thật đáng nể.
Ngài là một người có bẩm tính rất nóng nảy, họ hàng bà con, bạn bè ai cũng biết thế…
Một hôm, có người đến Toà Giám Mục Annecy để thăm thánh nhân. Trong câu chuyện trao đổi hai bên, nhiều lần ông ta đã lớn tiếng cãi vã, đấm bán đấm ghế, chỉ trích phê bình và mắng nhiếc thánh nhân thậm tệ. Thế nhưng, thánh Phanxicô vẫn cứ ngồi nghe cách thinh lặng, thỉnh thoảng lại nhũn nhặn mời ông khách xơi trà, hút thuốc. Trước những câu nói nặng nề xấc láo, thánh nhân vẫn đáp lại bằng những lời lẽ hết sức dịu dàng, khiến ông khách quý bắt đầu cảm thấy hổ thẹn rồi từ từ rút lui.
Người anh của thánh nhân ngồi ở phòng sau chăm chỉ theo dõi câu chuyện giữa hai bên. Khi người khách vừa ra khỏi cổng, ông phóng ngay ra phòng thánh nhân và lạ thay… Phanxicô vẫn tươi cười bình tĩnh! Ông liền nói:
– Này chú Phanxicô, xưa nay chú tính nóng như lửa, sao độ này lại hiền từ nhịn nhục đến thế. Tôi ở phòng sau nghe ông ta nói mà sốt ruột lộn gan, muốn nhào ra đánh cho ông ta một trận vỡ mặt ra. Đồ lếu lo mất dạy!
– Anh ạ, ai cũng có máu Adong cả. Em cũng bực bội tức giận lắm chứ, nhưng em cố gắng theo gương Cha Giêsu, hiền Lành và khiêm nhượng trong lòng. Cứ mỗi dịp như vừa rồi, em lại tập thêm được một chút ít nhân đức bằng cách tự bảo: này hỡi Phanxicô, hãy đậy kỹ vung, đừng mở, đừng nói gì! Rồi cuối cùng em thấy rằng: lấy một giọt mật, thì bắt được cả bầy ruồi; chứ lấy cả thùng giấm, chẳng tóm được một con.
Rồi một hôm khác có người quí phái dẫn một đàn chó và đoàn gia nhân đến trước sân nhà Đức giám mục Phanxicô Salêsiô: chó thì để sủa ồn ào, gia nhân thì để chửi bới kịch liệt. Ông ta còn lên tận cửa phòng Đức giám mục, múa tay múa chân thóa mạ Ngài như giông nổi sét vang. Thánh nhân điềm tĩnh ngồi nghe bất động chẳng nói chẳng rằng. Đối phương cho như thế là khinh dể mình, lại càng tức giận, động viên toàn lực lượng thể xác và tinh thần, chửi rủa thêm gấp bội. Thánh nhân làm bộ như tượng gỗ nói trong Thánh Kinh: có tai mà không có nghe, có miệng mà không nói, có mắt mà không trông xem… Sau cùng ông kia kiệt lực phải rút lui…
Các bạn hữu của thánh nhân liền đến hỏi tại sao Ngài có thể giữ một thái độ thản nhiên như vậy được ?
Đức giám mục tiết lộ bí quyết:
– Tôi đã minh ước với lưỡi tôi là bao lâu tâm hồn tôi còn bị xúc động, lưỡi tôi không còn sản xuất một lời nào.
2. Ước gì ngày hôm nay có được nhiều người hiền lành như thánh Phanxicô Salêsiô.
Eesóp có câu chuyện dụ ngôn rất hay kể lại cuộc tranh cãi giữa mặt trời và gió sau . Gió và mặt trời tranh cãi với nhau xem ai mạnh hơn.
Ngày nọ có người mặc áo choàng đi ngoài đường. Mặt trời nói với gió:
– Ai trong chúng ta làm cho người đó cởi áo choàng ra mau hơn là người đó thắng cuộc.
Gió chẳng những đồng ý mà còn ra tay trước. Nó thổi ùn ùn tới tấp, nhưng càng thổi mạnh người đó càng giữ chặt chiếc áo. Kiệt sức, gió đành chịu thua. Lúc đó mặt trời mới ra tay. Nó dọi ánh nắng cao độ của nó xuống, khiến người đi đường nóng bức quá, liền cởi áo choàng ra.
Như thế, chúng ta có thể nói thành công nhờ hiền từ dễ thương hơn là bạo lực.
Trong Tin mừng, Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta: “Anh em hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường.
Ngôn sứ Isaia đã nói về sự hiền lành và khiêm tốn của Chúa Giêsu như sau: “Ngài không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gãy. Tim đèn leo lét cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is.42,2-3).
Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha Gioan XXIII: Ôi vị thánh khả ái! Trước mặt ngài con có lắm điều cần nói với ngài! Con yêu ngài tha thiết; lòng hằng tưởng nhớ, và mắt hằng nhìn về ngài! Ôi Thánh Phanxicô Salêsiô không cần nói, ngài biết tôi nghĩ gì, xin ngài thực hiện phần còn lại để tôi đi đến chỗ giống ngài.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý