Giới truyền thông Công giáo đưa ra những sự kiện lớn của Giáo hội Công giáo trong năm 2023, như Ngày Quốc tế Giới trẻ, chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến châu Phi, Thượng Hội đồng Giám mục, kỷ niệm 10 năm Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu chọn làm Giáo hoàng.
Ngày 25/01: Tổng hội đặc biệt của Hội Hiệp sĩ Malta
Đầu tiên là Tổng hội đặc biệt của Hội Hiệp sĩ Malta. Việc Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành hiến pháp mới của Hội Hiệp sĩ Malta vào tháng 9/2022 chấm dứt 5 năm cải tổ nhưng không thành công. Đức Thánh Cha muốn Hội trung thành với đoàn sủng nguyên thuỷ. Để đảm bảo sự thành công của cuộc cải tổ, ngài đã không ngần ngại bãi chức bốn vị lãnh đạo và giải tán Hội đồng lãnh đạo tối cao và thành lập Hội đồng tối cao lâm thời.
Giai đoạn cải tổ của Hội sẽ bắt đầu với Tổng hội đặc biệt vào ngày 25/01. Hội đồng tối cao sẽ có nhiệm vụ bổ nhiệm Thủ lãnh tiếp theo của Hội, và nhóm cố vấn. Ban lãnh đạo mới này sẽ có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của Hội và mối quan hệ của Hội với Tòa Thánh.
Hội Hiệp sĩ Malta là một tổ chức có quy chế của một thực thể quốc tế, có từ gần 1.000 năm nay, có chủ quyền như một quốc gia, có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với 106 nước trên thế giới. Về phương diện tinh thần và tu đức, hội có quy chế như một dòng tu Công giáo và dưới khía cạnh này Hội tùy thuộc Đức Giáo Hoàng.
Hội Hiệp sĩ này hiện có 13.500 thành viên nam nữ trên thế giới, trong đó chỉ có gần 40 thành viên có ba lời khấn như tu sĩ. Ngoài ra, hội có 80.000 tình nguyện viên trên thế giới, trong đó có nhiều bác sĩ và nhân viên y tế. Phần lớn các hoạt động của hội thuộc lãnh vực bác ái và y tế.
Ngày 31/01: Chuyến tông du ngoài Ý lần thứ 40 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du ngoài nước Ý lần thứ 40 trong triều Giáo hoàng. Ngài sẽ viếng thăm châu Phi từ ngày 31/01 đến 05/02. Gần 10 năm qua, Đức Thánh Cha đã đi đến 50 quốc gia, và trung bình mỗi năm thực hiện 4 chuyến đi. Ở châu Phi, ngài sẽ dành ba ngày viếng thăm Cộng hoà Dân chủ Congo, tại Kinshasa, ngài sẽ gặp các nạn nhân của cuộc xung đột ở phía đông đất nước. Một trong những sự kiện lớn của những ngày ở Congo là Thánh lễ tại sân bay Kinshasa, dự kiến có hàng trăm ngàn tín hữu tham dự.
Ngày 03/02, Đức Thánh cha sẽ đến Nam Sudan cùng với Tổng Giám Mục Anh giáo của Canterbury, Justin Welby, và vị điều hành Tổng công nghị của Giáo hội Scotland, Jim Wallace, để tham gia cuộc hành hương đại kết vì hoà bình tại đất nước non trẻ nhưng bị đánh dấu bởi bạo lực.
Chuyến tông du đầu tiên của một Giáo hoàng đến Nam Sudan có một chiều kích ngoại giao rất quan trọng, Toà Thánh cùng với hai Giáo hội Kitô khác có một vai trò trung gian quan trọng đem lại hoà bình cho quốc gia này.
Ngày 11/02: Mười năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ nhiệm
Ngày 11/02 ghi dấu 10 năm Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI từ nhiệm. Vào ngày 11/02/2013, lễ Đức Mẹ Lộ Đức, sau Đức Giáo Hoàng Celestine V từ nhiệm vào năm 1294, ngài là Giáo hoàng thứ hai tuyên bố từ nhiệm.
Đức Biển Đức đã thông báo tin này tại công nghị Hồng y phong thánh. Bằng tiếng Latinh ngài tuyên bố: “Sau nhiều lần xét mình trước mặt Thiên Chúa, tôi đã đi đến chỗ chắc chắn rằng sức lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để thi hành thừa tác vụ của thánh Phêrô nữa. Tôi ý thức rõ rằng thừa tác vụ này, do bản chất thiêng liêng thiết yếu của nó, phải được thực hiện không chỉ bằng lời nói và việc làm, mà còn bằng lời cầu nguyện và đau khổ. Tuy nhiên, trong thế giới hôm nay, trước biết bao thay đổi nhanh chóng và bị lung lay bởi những vấn đề liên quan sâu xa đến đời sống đức tin, để cai quản con thuyền của Thánh Phêrô và loan báo Tin Mừng, thì sức mạnh tinh thần và thể xác đều cần thiết, sức mạnh mà trong vài tháng qua, đã sa sút trong tôi đến mức tôi phải nhận ra mình không có khả năng chu toàn thánh chức được giao phó một cách thích đáng. Vì lý do này, và ý thức rõ ràng về mức độ nghiêm trọng của hành động này, tôi hoàn toàn tự do tuyên bố rằng tôi từ nhiệm chức vụ Giám mục Rôma, người kế vị Thánh Phêrô”.
Gần 10 năm sau khi từ nhiệm, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI qua đời ngày 31/12/2022 tại Vatican. Tang lễ của ngài đã được cử hành tại quảng trường thánh Phêrô, ngày 05/01/2023.
Tháng 02-03: Thượng Hội đồng Giám mục cấp châu lục
Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội do Đức Thánh Cha khai mạc vào tháng 10/2021 sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay. Sau giai đoạn cấp Giáo phận, trong đó 112 Hội đồng Giám mục đã gởi bản đúc kết và được tổng hợp tại Roma, giờ đây đến giai đoạn cấp châu lục sẽ kéo dài đến tháng Ba.
Ở châu Âu, phiên họp đầu khoảng 200 người tham dự trực tiếp và 400 người tham dự trực tuyến sẽ gặp nhau tại Praha, Cộng hòa Séc, từ ngày 05 đến 09/02 để suy nghĩ về Giáo hội của ngày mai. Các chủ đề sẽ được thảo luận gồm: Vị trí của phụ nữ và giới trẻ trong Giáo hội, sự đau khổ của các linh mục, các cuộc tranh luận xung quanh phụng vụ hoặc các hoàn cảnh nhạy cảm trong đời sống các Giáo hội địa phương: ly dị tái hôn, đa thê, LGBT, lạm dụng. Trong giai đoạn hai này từ ngày 10 đến 12/02, các vị Chủ tịch của các Hội đồng Giám mục sẽ nhóm họp để suy tư về các đúc kết của các buổi gặp gỡ của giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ.
Theo mô hình tương tự, giai đoạn lục địa châu Á sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 26/02, ở châu Phi sẽ được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 06/3, ở châu Đại Dương được lên kế hoạch từ ngày 5 đến 9/02, và ở Trung Đông từ ngày 12-18/02.
Tất cả các châu lục sẽ phải gửi bản tổng hợp trước ngày 31/3. Trên cơ sở các tài liệu lục địa này, Ban Thư ký của Thượng Hội đồng, tại Roma, sẽ soạn thảo Tài liệu Làm việc (Instrumentum laboris) trước tháng 6/2023. Tài liệu này sẽ là cơ sở cho các cuộc họp của Giáo hội hoàn vũ, sẽ diễn ra vào năm 2023, tại Roma, trong hai giai đoạn: từ ngày 4 đến 29/10/2023, sau đó vào tháng 10/2024.
Ngày 13/3: Kỷ niệm 10 năm Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu chọn
Giáo hoàng Nam Mỹ đầu tiên trong lịch sử, tu sĩ Dòng Tên đầu tiên đeo nhẫn ngư phủ, giám mục đầu tiên của Roma chọn tên là Phanxicô… Vào ngày 13/3 tới đây, thế giới sẽ nhớ lại cuộc bầu chọn Đức Thánh Cha Phanxicô.
Được bầu giáo hoàng sau Đức Biển Đức XVI, người mà các hồng y đã “đi tìm tận cùng thế giới” ngạc nhiên trước phong cách mục tử mới của ngài muốn đưa Giáo hội ra các vùng ngoại vi.
Cải cách Giáo triều, chống lạm dụng, tinh thần giáo sĩ trị, trao quyền cho giáo dân và phụ nữ, sinh thái học, phụng vụ, đối thoại với Hồi giáo… Rất nhiều dự án do Đức Thánh Cha Phanxicô đứng đầu kể từ năm 2013.
Ngày 01/8: bắt đầu Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Lisbon
Ban đầu được lên kế hoạch vào mùa hè năm 2022, Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon đã bị hoãn lại một năm do đại dịch. Sau Rio de Janeiro năm 2013, Krakow năm 2016 và Panama năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ 4 từ khi trở thành người kế vị thánh Phêrô. Ngài đã chính thức đăng ký tham dự vào ngày 23/10/2022.
Ở tuổi 86, ngài đang chuẩn bị trở lại Bồ Đào Nha, sáu năm sau chuyến tông du đến Fatima, vào tháng 5/2017. Tại Vatican và ở Lisbon, các công tác chuẩn bị đang được tiếp tục cho việc tổ chức thích hợp sự kiện với chủ đề từ một câu trong Tin Mừng Luca: “Đức Maria trỗi dậy và vội vã lên đường” (Lc 1, 39).
Về số tham dự viên, vẫn khó ước tính số lượng người tham gia trong những ngày đầu tiên sau đại dịch này, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng kinh tế đang tấn công nhiều khu vực trên thế giới và quá trình thế tục hóa gia tăng ở châu Âu. Sự kiện được tổ chức ở lục địa già, các nhà tổ chức có thể lấy ví dụ về Đại hội Giới trẻ Thế giới châu Âu cuối cùng ở Krakow vào năm 2016. Khi đó đã có 700.000 người đăng ký và gần 2,6 triệu người trong Thánh lễ bế mạc.
Ngày 04/10: Bắt đầu phiên họp chung của Thượng Hội đồng về Hiệp hành
Bắt đầu vào tháng 10/2021, Thượng Hội đồng về tương lai Giáo hội, về hình thức chưa từng có trước đây, diễn ra theo ba giai đoạn: cấp giáo phận, cấp lục địa và cuối cùng là cấp hoàn vũ. Giai đoạn cuối cùng này sẽ diễn ra tại Roma.
Các cuộc họp của Thượng Hội đồng Giám mục ban đầu được dự kiến chỉ diễn ra vào tháng 10/2023, nhưng Đức Thánh Cha đã quyết định thêm phiên thứ hai vào tháng 10/2024, bởi vì theo ngài, tiến trình hiệp hành đang diễn ra đã có nhiều thành quả, nhưng cần thêm thời gian cho việc phân định.
Đức Thánh Cha cho biết ngài hy vọng quyết định này sẽ “giúp cho việc hiểu biết về tính hiệp hành như một yếu tố cấu thành của Giáo hội, và giúp mọi người sống như một hành trình của những anh chị em làm chứng cho niềm vui của Tin Mừng”.
Ở giai đoạn hoàn vũ này, câu hỏi liệu các đề xuất từ cấp giáo phận và lục địa có được đưa ra bỏ phiếu hay không vẫn chưa được giải quyết. Thông thường, chỉ có các nghị phụ bỏ phiếu trong các cuộc họp này, nhưng thượng hội đồng này có thể đổi mới, khi sơ Nathalie Becquart được bổ nhiệm làm phó thư ký của thượng hội đồng vào năm 2021, có thể nữ tu này là phụ nữ đầu tiên có quyền tham gia bỏ phiếu.
Trong năm 2023 có thể sẽ có công nghị tấn phong Hồng y
Trong năm 2023, 11 hồng y cử tri, trong đó có 5 vị người Ý sẽ đến tuổi 80 và do đó sẽ mất quyền tham gia mật nghị. Việc giảm từ 125 xuống còn 114 hồng y cử tri – không tính các trường hợp có thể qua đời hoặc bị loại khỏi Hồng y đoàn – có thể mở đường cho một công nghị, có khả năng vào mùa thu năm 2023.
Trong Giáo triều Roma, Đức Tổng Giám Mục Claudio Gugerotti, tân Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Đông phương có thể được tấn phong hồng y. Trong số các Giáo hội địa phương, Đức Tổng Giám mục Charles Scicluna của Malta, hoặc Đức Tổng Giám mục Benjamin Ndiaye của Dakar, cũng nằm trong số dự đoán là những hồng y tương lai. Nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô đã có thói quen phá vỡ các dự đoán bằng cách đi tìm các vị hồng y mới, hồng y ở “vùng ngoại biên”. Về lý thuyết số hồng y cử tri được ấn định là 120 thành viên, nhưng trong lịch sử gần đây các giáo hoàng đã nhiều lần vượt quá ngưỡng này.
Nguồn: vaticannews.va/vi
Ngọc Yến – Vatican News