Hãy chú ý khoảng cách: Ba cách nhìn về các Linh mục

Bất cứ ai thật sự có lòng yêu mến và thấu hiểu các linh mục thì chỉ có thể chấp nhận sự tán thành này. Hay nói theo người Anh, hãy chú ý khoảng cách.

Giờ đã điểm. Khoảng năm 1863, thành phố London trở nên đông đúc đến nỗi phải cần một hệ thống giao thông mới. Do đó, hệ thống đường sắt ngầm đầu tiên của thế giới đã được khai sinh – ngày nay được biết như là Tàu điện ngầm London, một nét rất riêng của thành phố. Khởi đầu chỉ là ít đường ray dưới mặt đất cho vài xe lửa chạy bằng hơi nước, nhưng bây giờ là hệ thống 402 km đường ray dành cho khoảng 500 chuyến xe lửa vận chuyển trên 5 triệu người mỗi ngày.

Vì nhiều nhà ga của Tàu điện nằm ngay khúc cua, nên điểm giao nhau giữa chúng với “đầu máy” thẳng góc của làn xe có một khoảng cách – đủ nhỏ để không gây chú ý, nhưng đủ rộng để gây nguy hiểm. Chính vì thế, vào năm 1968, một cảnh báo âm thanh được lắp đặt để đảm bảo hành khách chú ý khi bước qua lại giữa khoảng không này, tức là cửa xe và nhà ga. Bây giờ, bất kỳ ai đến ga Tàu điện đều quen với âm thanh đặc trưng qua thông báo ngắn: Hãy chú ý khoảng cách giữa tàu điện và nhà ga.

Mặc dù “hãy chú ý” không phải là lối nói thông dụng ở Mỹ, nhưng nó gợi lên nghĩa căn bản về “việc nhắc nhở” chúng ta điều gì đó dễ bị quên, một thứ gì đó không được rõ ràng. Được dùng ở dạng mệnh lệnh, nó gây cho chúng ta sự chú ý hơn, đặc biệt là về phẩm tính hay bản chất sự vật.

Sau vụ bê bối của hàng giáo sĩ và trong một xã hội ngày càng tục hóa, nhiều người Công giáo đang xem xét lại cách nhìn của họ về các linh mục. Theo một nghĩa nào đó, người dân bị đòi hỏi phải chú ý tới các linh mục theo một cách thức mới, cố gắng để hiểu bậc sống độc đáo và có vẻ nghịch lý của những người mà họ gọi là cha. Có ba cách nhìn căn bản về các linh mục.

Hai cách đầu tiên 

Trước hết, người Công giáo có thể nhìn các linh mục cách ngây thơ. Họ thấy sự cao cả củachức tư tế, do từ Latin officium, nghĩa là “cử hành một tác vụ riêng biệt.” Tác vụ này là gì đối với những con người được chọn? Họ được thánh hiến trong Bí tích Truyền Chức để làm cho Thiên Chúa hiện diện giữa cuộc sống chúng ta. Nói rõ hơn, linh mục hiện hữu là cho Thánh Thể; vì trong tư cách của Đức Kitô, linh mục cử hành mầu nhiệm bằng chính giọng nói của mình và gìn giữ mầu nhiệm trong chính đôi tay mình. Khi mầu nhiệm của chức vụ này được hòa hợp nơi đời sống hy tế của vị linh mục, người tín hữu không thể không bị thúc đẩy để có lòng tôn kính sâu xa vì điều kỳ diệu Chúa làm qua công cụ là những con người bình thường.

Nhưng nếu người Công giáo chỉ giới hạn vào cách nhìn này, thì họ vẫn còn chất phác và lý tưởng về tình trạng thật sự của chức linh mục trong Giáo hội. Thật tuyệt vời khi nhận ra vẻ huy hoàng vốn có của chức linh mục; nhưng làm như thế với thái độ tán dương, thiếu kinh nghiệm hoặc chưa chín chắn thì chỉ dẫn tới nỗi thất vọng khó tránh khỏi vốn là điểm đến của mọi ảo tưởng.

Thứ hai, người Công giáo nhìn các linh mục với thái độ phê phán. Nếu quan điểm trước phổ biến trong Giáo hội trước Công đồng Vaticanô II, quan điểm sau lại nổi bật trong thời đại chúng ta. Cái nhìn phê phán về chức linh mục là cái nhìn tập trung vào con người của linh mục, chứ không phải chức vụ của ông. Họ nhìn mọi sự cách chủ quan chứ không khách quan – nghĩa là, họ nhìn vào chủ thể mang lấy chức thánh. Quan điểm này càng được chú trọng hơn bởi những bê bối gần đây, ở đó sự mỏng dòn cực độ (thậm chí là xấu xa) của người đảm đương chức vụ thánh chưa bao giờ xuất hiện rõ ràng hơn. Với nhiều người Công giáo, linh mục là một con người – đơn giản là người – một người tội lỗi như bao người khác; do đó hoàn toàn có thể chịu phê bình.

Vấn đề của cách nhìn phê phán này không phải ở chính sự phê bình; nhưng là việc mặc nhiên loại bỏ điều mà người đơn sơ trực giác thấy rõ. Người phê bình loại bỏ phẩm giá khách quan của chức linh mục khi chỉ nhìn vào sự bất xứng chủ quan của con người linh mục. Tự thân, cách nhìn phê bình này dẫn đến sự hoài nghi, rồi thành sự bài xích. Điều đáng chú ý nhất trong thời đại chúng ta là cách nhìn phê phán này về các linh mục lại không đến từ chủ trương cấp tiến thế tục của phe tả nhiều cho bằng từ chủ nghĩa truyền thống cực đoan của phe hữu. Cuối cùng, cả hai đều đánh mất mục tiêu.

Điều cần không phải là trở lại cách nhìn ngây thơ, vốn chỉ làm an tâm người Công giáo khỏi thực tại đầy thách đố hiện nay của Giáo hội. Tôn sùng các linh mục cũng không làm các vị “trong sạch hơn”; nó chỉ là tô điểm bên ngoài. Vì thật sự, tập trung vào chức thánh mà quên con người linh mục, hoặc quá nhấn mạnh đến con người linh mục đến nỗi bỏ quên chức thánh, cả hai đều thiếu sót. Điều cần thiết là sự tỉnh táo lành mạnh của một đời sống Công giáo chân thành ngang qua cách phê bình đúng đắn hơn. Phê bình lành mạnh là một phần của giáo dục Công giáo; như Luigi Giussani lưu ý, “phê bình nghĩa là nắm vững sự vật” – nó là hoạt động không có ý tiêu cực.1 Hơn thế nữa, Hans Urs von Balthasar kết luận: người phê bình “xem xét sự bê bối ở mọi sự thuộc về Giáo Hội và phải thiêng liêng hóa mọi sự để có thể chịu đựng mà không than phiền. Thậy vậy, người phê bình phải gắn kết với Giáo Hội ngay trong những việc bê bối. Giáo hội là công cụ hoàn hảo của Thiên Chúa: Giáo hội xứng đáng với tình yêu vĩ đại nhất và sự tuân phục tuyệt đối nhất của chúng ta, đồng thời, Giáo hội cũng hoàn toàn có thể hạ chúng ta xuống và loại bỏ lối suy nghĩ đòi hỏi sự hoàn hảo của chúng ta.”2

Thứ ba, cách nhìn tán thành 

Các linh mục sống trong những nghịch lý. Nếu vượt qua, họ trở thành những phép lạ sống động. Không giống những người sống bậc giáo dân (những người sống trong thế gian) hoặc những người sống bậc tu trì (những người ở ngoài thế gian), linh mục sống trong tình trạng trung gian, giữa cả hai – phân nửa trong thế gian, phân nửa ngoài thế gian. Từ đó, họ sống trong nghịch lý vì bị chi phối bởi mối căng thẳng hoàn toàn lạ đời và độc nhất. Đối với cả hai nhóm giáo dân (kết hôn) và tu trì, cuộc sống của họ đặt nền trên các lời thề, lời khấn – là những hành động cá nhân, tự do chủ thể. Nhưng với linh mục thì không như thế, vì họ không tự làm linh mục, mà là do Giáo hội (nên họ không thề). Chức tư tế, vốn chỉ thuộc về Đức Kitô, được ban cho họ dù họ không xứng đáng. Chức thánh là chiều kích khách quan của đời sốnglinh mục, không bao giờ đồng hiện hữu với chủ quan tính của con người linh mục. Và điều này là thích hợp; vì nếu Đức Kitô chờ những con người xứng đáng với chức tư tế của Người, thì Giáo hội vẫn sẽ không có linh mục.

Chưa ai diễn tả nghịch lý này cách rõ ràng hơn nhà thần học Hans Urs von Balthasar. Ông viết, “sự hiện hữu của linh mục được cắm rễ cách dứt khoát trong sự khác biệt lớn lao giữa chức thánh và con người linh mục, và theo đó, đời sống linh mục bắt nguồn cách triệt để từ lòng khiêm tốn được làm mới liên lỉ, hầu thể hiện và làm sống động sự khác biệt vô tận giữa phẩm giá cao quý (của chức tư tế) và sự thi hành (của con người). Trong nỗ lực để xứng đáng với chức thánh và trong tiến trình ngày càng chấp nhận hy sinh và giảm đi tính chủ thể của mình, người linh mục có thể kỳ vọng phần thưởng duy nhất dành cho mình là sự nhận biết rằng chức thánh đã có thể phát triển nơi ngài dù ngài còn thiếu sót, chứ không phải là ngài đã ngang bằng chức thánh. Trong lối sống của linh mục, sự tương phản giữa chức vụ cao quý và con người luôn chiếm ưu thế cho đến cuối cùng – một tình trạng song hành mà không một nỗ lực hiện sinh nào có thể vượt qua hay làm yếu đi. Sự tự hiến của linh mục chủ yếu mang hình thái của sự khiêm tốn.”3

Tóm lại, người linh mục được đặc trưng bởi một căng thẳng nền tảng hay “sự khác biệt lớn lao” giữa chức vụ ngài đảm nhận và con người thực sự của ngài. Có một “khoảng cách” trong hiện hữu linh mục của ngài, một khoảng cách không chỉ nói lên bản chất cao quý bên trong, mà còn diễn tả bản tính yếu hèn của con người. Chính khoảng cách này mà người Công giáo phải tán thành, và đây là hành động đòi hỏi một tình yêu phó thác vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Tán thành là phải nói “chấp nhận” đối với toàn bộ thực tại linh mục – bao gồm chức thánh và con người linh mục trong sự hợp nhất có vẻ nghịch lý và kéo dài đến vô tận.

Vậy thì cách nhìn thứ ba này nói gì về các linh mục? Cách tán thành này vượt lên trên hai cách kia. Như người Công giáo chân thành, họ yêu mến thánh chức vì tất cả vinh quang và danh dự của nó. Như người phê bình, họ nhận biết rằng con người thì hoàn toàn không xứng đáng. Bất cứ ai thật sự có lòng yêu mến và thấu hiểu các linh mục thì chỉ có thể chấp nhận sự tán thành này. Hay nói theo người Anh, hãy chú ý khoảng cách.

1.   L. Giussani, Risk of EducationDiscovering our Ultimate Destiny, (New York: Herder and Herder, 2001), 9.

2.   H.U. von Balthasar, The Grain of Wheat: Aphorisms (San Francisco: Ignatius Press, 2011), 126.

3.   H.U. von Balthasar, The Christian State of Life(San Francisco: Ignatius Press, 2002), 269.

Father John Nepil

Người dịch: Lm. Phêrô Bùi Sĩ Thanh

Để lại một bình luận