I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
* Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại lâu đài Xaviê trong một gia đình quyền quý của Vương quốc Navarre nhỏ bé miền Bắc nước Tây ban Nha ngày nay. Khi Ngài 5 tuổi, nước Tây ban Nha thôn tính và sáp nhập Navarre khiến gia đình Ngài lâm cảnh nước mất nhà tan. Muốn tiến thân bằng con đường trí thức, năm 17 tuổi Ngài đến Paris học (1525-1536).
Tại Paris Ngài sống trong cùng một căn phòng với chân phước Favre, và sau đó với Thánh Ignatio. Lần lượt Phêrô Favre rồi Phanxicô Xaviê được thánh Ignatio thu phục. Năm 28 tuổi, ngài cùng với nhóm bạn của Thánh Ingatio khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và làm việc tông đồ. Năm 31 tuổi ngài chịu chức Linh mục tại Venezia miền Bắc nước Ý. Năm 35 tuổi ngài xuống tàu đi truyền giáo ở vùng Đông Á theo lệnh Đức Thánh Cha Phaolô III.
* Tháng 4 năm 1541 ngài xuống tàu tại Lisbon và mãi 14 tháng sau mới đến được Goa bên Ấn Độ. Trong suốt 10 năm truyền giáo (1542-1552) ngài đã đi cả trăm ngàn cây số. Trong 7 năm đầu, ngài truyền giáo ở vùng Mũi Cormorin, sau đó ở Ceylan, Malaisia và từ đó đến Inđônêsia. Là vị Giám mục đầu tiên của Tỉnh Dòng đầu tiên ngoài Châu Âu, ngài yêu mến và gắn bó keo sơn với Chúa Giêsu, tha thiết với Dòng và anh em trong Dòng, kính trọng và tuân phục Thánh Ingatio, nhiệt thành lạ lùng với việc tông đồ. Ngài đã rửa tội cho hàng trăm ngàn tân tòng và gầy dựng nhiều cộng đoàn tín hữu khắp nơi. Thành quả tông đồ của ngài đã tạo nên một đỉnh cao trong lịch sử truyền giáo của Hội Thánh.
Trong vòng 2 năm (1549-1551) ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản; trước khi ra đi, ngài trao lại cho một Linh mục Bồ đào Nha; 20 năm sau, cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn người. Cuối cùng vì muốn vào Trung Hoa truyền đạo, ngài đã đến đảo Thượng Xuyên ngay cửa khẩu Quảng Châu, để chờ thuyền lén lút đưa ngài vào Trung quốc. Tiếc rằng tại đây ngài ngã bệnh và qua đời trong một chòi tranh chỉ có anh thanh niên trẻ thông dịch viên bên cạnh. Vài tuần lễ sau, người ta từ Goa đến tìm xác ngài, đem về Goa để chôn cất.
* Thánh Phanxicô qua đời ngày 3.12.1552, được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh cùng với thánh Ingatio vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
Thánh Phanxicô Xaviê là vị truyền giáo vĩ đại, người tiên phong cho cuộc truyền giáo thời mới. Ngài hòa nhập vào dân mà ngài muốn mang Tin Mừng đến; ngài sống nghèo với những người lao động. Ngài hoạt động thật năng nổ cho cuộc truyền đạo và kích thích được tinh thần này ở Âu Châu. Hàng nghìn người đã theo gương ngài để mang Tin Mừng đi muôn phương.
B. TRÊN ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO.
* Động lực thúc đẩy Ngài đi truyền giáo
Con đường truyền giáo của Ngài bắt nguồn từ lòng yêu mến Chúa và các linh hồn. Đây chúng ta hãy nghe chính tâm tư của Ngài. Tâm tư được bộc lộ trong lá thư Ngài gửi cho thánh Ignatio
“Có rất nhiều người tại những nơi này hiện giờ chưa trở thành người có đạo, chỉ vì thiếu người làm cho họ nên người có đạo.
Nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc đi tới các Đại học bên Châu Âu, nhất là ở Paris, để điên cuồng kêu lên khắp đó đây và thúc bách những kẻ chỉ biết lý thuyết hơn là thực hành rằng : “Khốn thay, có vô số linh hồn, vì lỗi của các ông mà phải trục xuất khỏi trời và bị đẩy xuống hỏa ngục”.
Chớ gì những người đó chuyên chú vào việc tông đồ này như họ đã chuyên chú vào văn chương để có thể trả lẽ cho Chúa về đạo lý và những nén bạc đã uỷ thác cho họ” (CGKPV trang 535)
* Phương pháp của Ngài là luôn kết hiệp mật thiết với Chúa.
Ở thành phố Yamaguchi miền Nam nước Nhật, Ngài dựng được một túp lều nhỏ để làm nhà nguyện. Ngài vẫn dâng lễ và cầu nguyện ở đó hàng ngày. Nhiều buổi sáng sớm người ta phát hiện Ngài ngủ say mê ngay cạnh bàn thờ.
Người ta nói rằng có nhiều ngày Ngài làm việc say mê đến mức độ không có đến cả giờ để đọc sách nguyện. Tuy nhiên, dù đêm khuya, Ngài vẫn muốn đến chia sẻ gian khổ và hy vọng của mình với người bạn chí thân là Chúa Giêsu. Lịch sử kể lại rằng một lần kia ngài quì gối trước Chúa Giêsu Thánh Thể, nhưng vì quá mệt mỏi nên ngài ngủ gục ngay trên bục bàn thờ. Biết rằng làm như thế là không phải nên ngài đã cầu nguyện với Chúa: “ Lạy Chúa, nếu linh hồn con không tỉnh thức được với Chúa thì ít nữa xác con đây muốn ở gần Chúa”
Rồi ngài đã lăn ra ngủ thiếp đi cho đến sáng.
* Và không quên cuộc sống của một chứng nhân.
Một ngày kia Thánh Phanxicô Xaviê đang giảng trong một thành phố Nhật bản, một người đến gặp ngài và muốn nói chuyện riêng với ngài. Ngài cúi đầu xuống để nghe cho rõ, thì bỗng nhiên kẻ kiêu ngạo đã nhổ nước miếng vào mặt ngài. Không có một lời hay có cử chỉ phản đối, ngài lấy khăn tay lau mặt và tiếp tục cuộc nói chuyện. Chàng kia kinh ngạc, tỏ vẻ kính phục thánh nhân. Một trong những người trí thức nhất thành phố có mặt một hôm ấy nhận định rằng đức tính khiêm hạ như thế nâng cao đạo đức, lòng can đảm và tự chủ, chỉ xuất phát từ Thiên Chúa cho các tôi trung của Chúa. Củ chỉ khiêm hạ của Thánh Phanxicô đã đánh động lòng ông, ông trở lại đạo công giáo và lôi cuốn rất nhiều người khác theo đạo. Đức khiêm hạ của nhà truyền giáo đã mang lại biết bao thành công cho việc mở mang nước Chúa.
Đây là lời dạy của Chúa Giêsu: “Hãy học cùng ta, vì ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”(Mt 11,29). Và lời Đức Mẹ: “Chúa hạ kẻ quyền thế khỏi địa vị của họ và nâng các kẻ khiêm nhường lên” (Lc 1,52)
*. Mừng lễ thánh Phanxicô Xaviê hôm nay, chúng ta hướng về Ngài với những tâm tình :
– Cảm phục, vì Ngài đã hết mình cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.
– Cảm tạ, vì nhờ Ngài mà các dân tộc ở vùng Đông Á châu được đón nhận Tin Mừng của Chúa sớm hơn
– Cảm mến : vì nhờ gương sáng và lòng nhiệt thành truyền giáo mà khơi động cho nhiều người, và cho mỗi người chúng ta đem lòng mộ mến và thao thức làm tông đồ và rao giảng Tin Mừng cho tha nhân.
– Ngưỡng mộ : Đời sống và lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng của thánh nhân đã khơi dậy cho chúng ta lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng.
Nguyện xin Chúa, qua lời bầu cử và gương mẫu của thánh Phanxicô Xaviê, ban cho chúng ta lòng yêu mến Chúa và lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng bằng đời sống chứng nhân và bằng những công tác tông đồ truyền giáo.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý