Chúng ta không thể cho rằng mình thực sự tin vào xác loài người sẽ sống lại mà lại phó mặc mình cho bất kỳ hình thức ô uế nào trong thế giới ngày nay.
Tôi đã bị đánh động khi xem đoạn video về đám tang của bố tôi vài tháng trước, vào giây phút hạ huyệt trong lời kinh của gia đình và bạn bè. Sau đó, tôi nghiêm túc tự vấn rằng: niềm tin của tôi vào việc kẻ chết sống lại xác thực đến mức nào. Tôi tin điều đó, và khi đối diện với cái chết của người thân yêu, tôi cảm thấy mình như càng tin mạnh mẽ hơn. Và rồi, tôi cầu xin Chúa ban ơn để tôi xác tín hơn nữa vào tín điều này.
Chúng ta đã đọc Kinh Tin Kính rất nhiều lần, và tuyên xưng rằng chúng ta tin vào việc kẻ chết sống lại. Nhưng có bao giờ chúng ta dừng lại để tự hỏi mình rằng: Tôi có thực sự tin vào sự sống lại của người chết không? Nói cách khác, niềm tin vào sự sống lại có tác động gì đến cuộc sống của tôi không?
Trong Tin Mừng thuật lại, vì không tin vào sự sống đời sau, nên những người Xađốc đã chế nhạo ý niệm về sự sống lại bằng việc đưa ra câu chuyện về người phụ nữ có 7 đời chồng mà khi chết vẫn không có con. Họ kết thúc câu chuyện với lời chất vấn dành cho Đức Giêsu, “Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?”.
Đức Giêsu đáp lại câu hỏi ấy bằng cách khẳng định rằng kinh nghiệm phục sinh biến đổi chúng ta và các mối tương quan của chúng ta với nhau một cách trọn vẹn. Thật thế, khi sống lại, chúng ta sẽ không có sự kết hợp như chúng ta có trong cuộc sống này, “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng” Chúng ta cũng được biến đổi qua kinh nghiệm sống lại, “họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20, 27-38).
Nếu sự sống lại hoàn toàn biến đổi chúng ta và các mối tương quan của chúng ta với người khác, thì đức tin của chúng ta vào sự kẻ chết sống lại cũng sẽ biến đổi chúng ta và lối sống của chúng ta. Hơn cả một tín điều được xác tín và tuyên xưng, niềm tin vào việc kẻ chết sống lại phải được thể hiện rõ ràng trong cách chúng ta sống cuộc đời của mình ngay trong giây phút hiện tại.
Có 5 dấu hiệu cho thấy rằng chúng ta thực sự tin vào sự phục sinh thân xác:
1. Chúng ta không bao giờ đánh mất hy vọng trong cuộc sống này.
Niềm hy vọng của chúng ta không nằm ở bất cứ thứ gì mà thế gian có thể mang lại, hoặc chúng ta có thể chiếm hữu được. Niềm hy vọng về sự phục sinh hoàn toàn đặt nền trên những gì Thiên Chúa đã thực hiện trong việc cho Đức Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Ðức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại” (1Pr 1, 3).
Vì được xây dựng trên sự phục sinh của Đức Kitô, niềm hy vọng sống động này giúp chúng ta không từ bỏ bất cứ điều gì mà tình yêu của Thiên Chúa khơi lên trong tâm hồn mình. Chúng ta không từ bỏ đời sống cầu nguyện, phục vụ, tình yêu đối với những người thân yêu, cuộc chiến đấu liên lỉ với tội lỗi, không ngừng hoán cải, và chứng tá về chân lý của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta không ngã lòng trước bất cứ hoàn cảnh nào; chúng ta không sống trong sợ hãi, lo âu vì biết rằng đau khổ, tội lỗi, thất bại, mất mát,… không thể và không bao giờ là tiếng nói cuối cùng.
2. Chúng ta yêu thương người khác như anh chị em trong Đức Kitô.
Là con cái của sự sống lại, chúng ta xác tín vào lời của Đức Giêsu: “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống” (Lc 20, 37). Do đó, chúng ta yêu mến tất cả mọi người – dù còn sống hay đã qua đời – trong tình yêu của Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao chúng ta tưởng nhớ, dâng hy sinh, và lời cầu nguyện cho những người đã ra đi trước và đang được thanh luyện trong ngọn lửa tình yêu của Luyện ngục.
Đồng thời, chúng ta cũng sống tình liên đới với những người còn đang trên hành trình dương thế ngay cả khi họ không cảm kích hoặc đáp lại thiện ý của chúng ta. Khi thể hiện tình yêu thương qua những hành động bác ái, chúng ta biết rằng Thiên Chúa sẽ đón nhận và ban thưởng cho chúng ta ngay cả đó là những điều nhỏ nhặt nhất, “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10, 42).
3. Chúng ta cố gắng tuân giữ giới luật và điều răn của Thiên Chúa.
Anh em nhà Macabe sẵn sàng chịu tra tấn và bị giết chết vì không ăn thịt theo luật cấm của Giavê, “Chúng tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà vi phạm luật pháp của cha ông chúng tôi“. Với niềm tin vào sự sống lại, họ mạnh dạn nói với những kẻ tra tấn rằng: “Nhà vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2Mcb 7, 2. 9).
Chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta tin vào sự sống lại khi chúng ta cũng dám sẵn sàng thà chết hơn là vi phạm giới răn mà Thiên Chúa muốn chúng ta tuân thủ; khi chúng ta dám đương đầu với cái ác, cái xấu để trung thành tuân giữ Lời Ngài cho dù nhiều khi phải trả giá, chấp nhận bị thua kém, thiệt thòi. Chính khi thỏa hiệp với tội lỗi và lựa chọn không đi theo đường lối của Thiên Chúa là dấu cho thấy chúng ta thiếu niềm tin sâu sắc vào sự sống lại mai này.
4. Chúng ta sẵn sàng chịu đau khổ để sống trọn niềm tin Kitô được lãnh nhận qua Giáo hội. Thánh Phaolô cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn tâm hồn của các tín hữu Thêsalônica “để họ biết yêu mến Chúa và biết chịu đựng như Ðức Kitô” (2 Tx 3, 5). Tin vào sự sống lại mời gọi chúng ta thông phần vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô mỗi khi phải đối diện với thử thách, mất mát, đau khổ; và sẵn sàng chịu ghét bỏ, xỉ nhục, bắt bớ vì đức tin.
5. Chúng ta tôn trọng và sử dụng thân xác của mình để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Thánh Phaolô kết nối đời sống luân lý với niềm tin vào sự sống lại khi khẳng định rằng: “Thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại” (1Cor 6, 13-14).
Niềm tin vào sự sống lại ngụ ý rằng chúng ta không thể sử dụng thân xác của mình vào việc vô luân như thể thân xác là của chúng ta chứ không phải của Thiên Chúa. Thực ra, thân xác của chúng ta hoàn toàn thuộc về Đức Kitô và trở thành đền thờ của Chúa Thánh Thần từ khi chúng ta lãnh phép Rửa. Thiên Chúa sẽ cho chúng ta sống lại vinh hiển nếu chúng ta sống theo gương mẫu thánh khiết của Đức Kitô “Phàm ai đặt hy vọng vào Ðức Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Ðấng thanh sạch” (1Ga 3, 3). Chúng ta không thể cho rằng mình thực sự tin vào xác loài người sẽ sống lại mà lại phó mặc mình cho bất kỳ hình thức ô uế nào trong thế giới ngày nay.
Chúng ta tin kẻ chết sống lại vì Đức Kitô đã chịu chết và phục sinh. Người là “sự sống lại và là sự sống” (Ga 11, 25); Đức Kitô là Đấng duy nhất mặc khải về sự phục sinh và làm cho sự sống ấy hiện diện nơi chúng ta. Chúng ta có được niềm tin vào sự phục sinh này là do ân sủng của Người.
Trong đời sống ân sủng, Rước lễ luôn là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Phục sinh dưới hình thức bánh và rượu. Nơi Người, luôn có một sự phục sinh, một cuộc sống mới, một khởi đầu mới, một cuộc sống tốt đẹp hơn, và một cuộc sống từ bóng tối bước ra ánh sáng. Nếu chúng ta không bao giờ từ bỏ niềm tin của mình vào sự sống lại của kẻ chết, thì ân sủng của Bí tích Thánh Thể sẽ có thể biến đổi chúng ta và cách sống của chúng ta một cách trọn vẹn.
Lm. Nnamdi Moneme, OMV
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm