Đức Thánh Cha tiếp các thành viên và nhân viên của Bộ Truyền thông

Hồng Thủy – Vatican News

Vatican News (12.11.2022) – Trong diễn văn được soạn nhân cuộc gặp gỡ các thành viên và nhân viên của Bộ Truyền thông vào trưa thứ Bảy 12/11/2022, nhân Đại hội toàn thể của Bộ, Đức Thánh Cha nhắc rằng truyền thông phải trình bày các ý kiến đa dạng nhưng đồng thời luôn cố gắng duy trì sự hiệp nhất và sự thật, đồng thời chống lại sự vu khống, bạo lực bằng lời nói, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cực đoan.

Đại hội diễn ra từ ngày 10 đến 12/11/2022 với chủ đề “Thượng Hội đồng và truyền thông: một tiến trình để phát triển.” Tham dự Đại hội có Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho, thành viên của Bộ Truyền Thông.

Tiến trình hiệp hành: lắng nghe, hiểu và thực hành ý muốn của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài diễn văn với lời nhắc nhở rằng bản chất của tiến trình hiệp hành nằm ở chân lý căn bản mà chúng ta không bao giờ được lãng quên: có mục đích lắng nghe, hiểu và thực hành ý muốn của Thiên Chúa.”

Truyền thông chính là kiến tạo các mối quan hệ

Và ý muốn của Thiên Chúa, theo Đức Thánh Cha, luôn được ban cho Giáo hội trong tư cách toàn thể, không bao giờ cho cá nhân. Ngài đưa ra nhiều ví dụ trong Kinh Thánh cho thấy rằng không có những anh hùng đơn độc, nhưng sự anh hùng của họ được thể hiện qua các tương quan. Câu chuyện của tổ phụ Ápraham là câu chuyện của các tương quan của ông. Ông Môsê không thể thực hiện sứ vụ nếu không có sự trợ giúp của ông Aron và cô em Maria. Đức Mẹ không thể hát bài ca Magnificat nếu không có sự hiện diện và tình bạn của bà Êlidabét, không thể bảo vệ Chúa Giêsu nếu không có thánh Giuse ở bên. Và chính Chúa Giêsu cũng cần các tương quan.

Từ đó Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng sự đóng góp của truyền thông là làm cho chiều kích hiệp thông, tương quan này trở nên có thể. Truyền thông chính là việc kiến tạo các mối quan hệ, trong đó tiếng Chúa vang lên và được nghe.

Làm cho con người bớt cô độc

Đức Thánh Cha gợi ý ba công việc mà truyền thông cần làm. Thứ nhất là làm cho con người bớt cô độc. “Nếu nó không làm giảm đi cảm giác cô đơn mà rất nhiều người cảm thấy bị kết án, thì truyền thông đó chỉ là giải trí, nó không phải là kiến tạo các mối quan hệ.” Truyền thông thật sự được thực hiện bởi việc lắng nghe cách cụ thể, bởi các cuộc gặp gỡ, các khuôn mặt, các câu chuyện.

Giúp người không có tiếng nói có tiếng nói

Điểm thứ hai là giúp người không có tiếng nói có tiếng nói. “Nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo hội biết rõ rằng bổn phận của mình là phải ở bên người rốt cùng, và môi trường sống tự nhiên của mình là môi trường sống của các vùng ngoại biên của cuộc sống.”

Hoà hợp những tiếng nói khác nhau

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nói rằng các nhà truyền thông phải học chịu sự khó nhọc trong truyền thông. Hiệp thông không phải là đồng nhất nhưng là khả năng kết hợp các thực tại rất khác nhau. “Truyền thông cũng phải tạo ra sự đa dạng về quan điểm, đồng thời luôn cố gắng duy trì sự hiệp nhất và sự thật, đồng thời chống lại sự vu khống, bạo lực bằng lời nói, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cực đoan, viện cớ trung thành với sự thật, chỉ gieo rắc sự chia rẽ và bất hòa. Nếu nhượng bộ những suy thoái này, thay vì mang lại nhiều điều tốt đẹp, truyền thông chỉ gây ra nhiều tác hại.”

Nguồn: vaticannews.va/vi

Để lại một bình luận