Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm A

Suy niệm 1:

“Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy”. (Mt 1,24)

Chúng ta biết, ở đời ai sinh ra cũng có gốc tích: Người là con một gia đình nghèo khó, người còn thuộc về dòng dõi hoàng gia, vua chúa, người là con ông kia bà nọ!  Trong cuộc sống, nhất là đường tiến thân trong sự nghiệp, công danh, ta thường nghe nói: “ông này, bà kia…có gốc lớn lắm”, điều ấy hiểu rằng họ có thể đứng vững trước mọi thử thách của cuộc đời.

Chính Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người cũng không ngoại lệ. Ngài được sinh ra trong hoàng tộc vua Đavid theo chương trình đã định sẵn của Chúa Cha.
Để đặt niềm tin vào một người, ta cần phải biết gốc tích của người đó. Không ai có thể tin tưởng một người mà không hề biết gì về gốc gác người đó, những việc họ làm, và họ làm với mục đích gì?

Cha mẹ của Người: Đức Maria một cô thôn nữ đơn sơ, nhỏ bé, bình dị đã thành hôn với ông Giuse thuộc dòng tộc Đa-vít. Ông là người công chính, luôn mau mắn vâng nghe và thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Nhưng vấn đề ở chỗ là bà Maria mang thai bé Giê-su không phải do chung sống với Giu-se, chồng bà, mà do “quyền năng của Chúa Thánh Thần”: “Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”. (Mt1, 18) Giu-se, trong một cú “sốc” bất ngờ vì bà Maria đã có thai trước khi về nhà chồng, nhưng nhờ sứ thần Thiên Chúa, ông đã kịp nhận ra chương trình của Thiên Chúa, ông đã “tin” vào Mầu Nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể, và mau mắn đón rước Đức Maria về nhà.

Khi đến trần gian, Chúa cũng muốn có một quê hương như chúng ta. Nhưng Chúa đã không chọn một đế quốc hùng cường, rộng lớn mà lại chọn một đất nước nhỏ bé, một đất nước đang bị đô hộ. Chúa muốn đến với chúng ta, những con người nghèo khổ. Chúa muốn cho chúng ta, những kẻ bé mọn, được gần gũi Chúa, có thể trở thành những người bạn thân của Chúa.

Càng cận kề ngày đại lễ, lòng chúng ta càng vui sướng, hân hoan như tâm tình chờ đợi của một trẻ thơ chờ mẹ đi chợ về cho cái bánh, cái kẹo. Để được như thế, ngay trong giây phút hiện tại này chúng ta phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để đón chờ ngày Chúa đến với từng người trong chúng ta.

Suy gẫm Tin mừng hôm nay, chúng ta duyệt xét lại cuộc đời mình – chúng ta đã và đang viết những trang sử riêng của đời ta như thế nào? Chúng ta đã sống đáp lại tình thương của Chúa như thế nào? Chúng ta sống với mọi người xung quanh ra sao? Đủ nhiệt tâm? Đủ chân tình?

Và Như Thánh Giu-se, làm sao tôi biết được ý Chúa?

Như những tôi tớ trung thành, người con hiếu thảo, mỗi chúng ta cũng viết lên trang sử cuộc đời mình bằng cách sống vâng nghe và tuân giữ lệnh Chúa truyền, sống tràn đầy niềm vui và hy vọng, sống yêu thương và phục vụ trong tin yêu, phó thác để làm nên một gia đình gương mẫu như thánh gia xưa hầu có thể trở thành chứng tá Tin mừng cứu độ trong cuộc sống. Có như thế, mỗi năm khi kỉ niệm mừng Con Chúa ra đời là mỗi lần lòng chúng ta được tràn ngập niềm vui sướng và biết ơn Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương và vẫn còn yêu thương ta mãi mãi trong cuộc đời. Đấng đã làm nên lịch sử và luôn dẫn dắt quan phòng để lịch sử ấy hướng về cùng đích là chính Người.

Xin Thiên Chúa chúc lành và giúp chúng con chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đón mừng đại lễ kỷ niệm ngày Con Thiên Chúa giáng trần. Nguyện xin Chúa giúp chúng con luôn biết nhận ra thánh ý Chúa trong từng biến cố của cuộc đời và sẵn sàng thực thi thánh ý Chúa trong tinh thần khiêm tốn, hy sinh và phục vụ mọi người để đón chờ Chúa đến. Amen.

M. Hoa Rơi

Suy niệm 2:

NGÃ RẼ

Sau khi giới thiệu về cuộc đời và sứ mạng của Gioan Tẩy Giả – vị Tiền Hô danh giá của Thiên Chúa – Tin Mừng hôm nay mở sang một chương mới: giới thiệu với mọi người về gia thế, gia cảnh và gia đình mà Con Thiên Chúa sắp giáng trần. Nhưng điều đáng quan tâm ở đây, gương mặt nổi bật được Tin mừng nhắc đến không phải là Mẹ Maria mà là Thánh Giuse – một người âm thầm nhất trong Tin Mừng cứu độ.

Tên Giuse nhắc nhớ cho chúng ta về một nhân vật có thật trong Cựu Ước, là tên của một người trong 12 người con trai của ông Gia cóp, Giuse là người đã được Thiên Chúa ưu ái một cách đặc biệt khi cho ông được vinh quang tột cùng khi sống nơi đất khách quê người vì ông đã sống công chính trước nhan Chúa. Vì thế, hôm nay khi nhắc đến Giuse, chồng sắp cưới của Đức Maria, Tin Mừng lặp lại lời giới thiệu về ông: đó là người công chính và thuộc hoàng tộc Đa vít.

Cùng nhìn lại trong Cựu ước và Tân ước để thấy những nét tương đồng của hai nhân vật mang tên Giuse này:

  • Cả hai đều được mang danh là công chính, mà trong Kinh Thánh, người công chính là người biết kính sợ Đức Chúa.
  • Hai người đều có cuộc lưu vong nơi đất khách quê người.
  • Đều được Thiên Chúa mạc khải những điều bí nhiệm qua những giấc mơ.

Nhưng cái tên không hẳn làm nên cuộc đời.

  • Nếu trong Cựu ước, ông Giuse đã phải trải qua những khó khăn thử thách để rồi được vinh dự, quyền thế ở đất Ai Cập thì ngược lại Thánh Giuse cũng đến Ai Cập nhưng là để lánh nạn, để lẩn trốn sự truy giết của Hêrôđê với Hài Nhi Giêsu và rồi rời Ai Cập trong sự lặng lẽ.
  • Tiếng nói của Giuse trong Cựu ước rất có giá trị trước mặt vua Pharao và toàn thể đất nước. Nhưng trong Tân ước, chúng ta không hề nghe được một tiếng nói nào của Thánh Giuse, chỉ thấy ngài im lặng và hành động.
  • Trong thời Cựu ước, Vua Pharao đã nói với toàn dân: có việc gì cứ đến với Giuse và tự nhận ông ta chỉ hơn Giuse ở ngai vua mà thôi. Thời bấy giờ, Chúa cũng nói với chúng ta như thế: hãy đến cùng thánh Giuse. Vì Thiên Chúa không thể nào từ chối lời chuyển cầu của cha nuôi Con Một Ngài.

Sau khi cùng nhau nhìn lại cuộc đời của hai nhân vật nổi tiếng công chính này, chúng ta thấy được một điều rằng: chẳng ai trong họ là người chủ động quyết định cuộc đời của chính mình – mà người đó là Thiên Chúa – Đấng làm nên những ngã rẽ cho cuộc đời của họ.

Như trong Tin Mừng hôm nay đề cập đến việc thánh Giuse đã đính hôn với Đức Maria là người cùng quê với mình. Đó là một việc rất bình thường, rất tự nhiên và có lẽ cả hai cũng đang mong chờ một hạnh phúc rất bình dị như bao gia đình khác. Đó là hướng nhìn là hướng đi mà cả hai người đang hướng đến. Nhưng Thiên Chúa lại có kế hoạch khác cho cả hai người:

  • Thay vì làm cha mẹ bình thường như những người khác, Mẹ Maria được Chúa chọn làm Mẹ Thiên Chúa và Giuse trở thành đấng dưỡng nuôi Con Chúa Trời.
  • Thay vì chung sống với nhau như bạn đời thì Chúa mời gọi hai người sống khiết tịnh cho Thiên Chúa để trở nên gương mẫu cho những kẻ muốn dâng trọn vẹn cuộc đời Ngài.
  • Thay vì có một cuộc sống êm ả nơi làng quê nghèo Nadaret, thì ngang qua cuộc đời của Chúa Giêsu, Thiên Chúa mời gọi Mẹ Maria và thánh Giuse cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa trong những gian lao đau khổ mà họ sẽ gặp khi đón nhận hài nhi Giêsu.
  • Và cuối cùng, thay vì họ sẽ sống và qua đi như những người bình thường không còn ai nhớ đến. Thì sau khi đã đón nhận và thi hành ý định của Thiên Chúa, bây giờ Đức Maria và Thánh cả Giuse đã được vinh hiển ngàn đời nơi Thiên quốc.

Càng gần đến lễ Giáng Sinh, lời Chúa càng mời gọi chúng ta nhìn ngắm về cuộc đời của những người được Thiên Chúa tuyển chọn để công tác vào chương trình cứu độ của Ngài, để chúng ta thêm xác tín vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại chúng ta.

Thiên Chúa là Đấng thích vẽ những đường thẳng bằng những nét cong. Ngài luôn vạch ra những ngã rẽ bất ngờ cho cuộc sống của mỗi người. Ngài không bắt buộc nhưng là mời gọi mỗi người đón nhận và chấp nhận những gì Ngài gởi đến. Dù lắm khi đó là đêm tối của đức tin, là đau khổ của thử thách và nghi ngại của những bất toàn yếu kém của phận người nhưng hãy vững tin. “Hãy kí thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay”. (Tv 36, 5)

Bảo Bảo

Suy niệm 3:

“Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt1, 18b)

Hai con người, hai lời “Xin Vâng” chính là Đức Maria và Thánh Giuse. Trước ngày đại lễ Giáng Sinh, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp sống mầu nhiệm xin vâng triệt để của Đức Maria và Thánh Giuse.

Sống mầu nhiệm xin vâng triệt để, được diễn tả nơi hành vi của Thánh Giuse thay vì “tố giác” Đức Maria thì lại “toan tính bỏ đi cách kín đáo”. Một cử xử rất thánh thiện và công chính, mà ngôn ngữ ngày nay người ta thường gọi là “cử xử trí tuệ”. Vì theo lẽ thường của luật, phản ứng tự nhiên của con người bình thường, Thánh Giuse có quyền làm điều đó. Bởi vì sao? Tự dưng ai “ăn ốc bắt mình đổ vỏ” (cách nói theo ngôn ngữ bình dân), thật không hợp tình hợp lý chút nào! Thế nhưng, sự thánh thiện, công chính của Thánh Giuse hoàn toàn hóa thành hợp lý. Thánh Giuse đã sống mầu nhiệm Xin Vâng đời mình trước Thiên Chúa.

Còn Đức Maria thì sao? Chắc có lẽ hơn ai hết lời Xin Vâng của Mẹ đậm chất hiến dâng trọn vẹn cuộc đời mình cho chương trình riêng của Thiên Chúa. Là một thôn nữ làng quê, mười lăm đôi mươi, bỗng dưng đâu phải mang thai “trước khi hai ông bà về chung sống” tưởng tượng rằng: chắc tâm trí Mẹ cũng “đánh lô tô”, rối bời … không hề nhẹ.

Trước lòng xao xuyến, khó xử của Đức Maria và Thánh Giuse, Sứ Thần Thiên Chúa đã cho một lời giải đáp khúc mắc thật thỏa đáng: “Bà có thai do quyền ngăng Chúa Thánh Thần”

Cảm ơn Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, vì tình thương của Mẹ Maria, Thánh Giuse dành cho Chúa quá lớn lao hơn những vấn đề mình phải đối diện. Tạ ơn Thiên Chúa, vì tình yêu vô biên mà Ngôi Hai Thiên Chúa không ngại nhập thể và nhập thế để ở cùng nhân loại.

Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta” Xin Chúa hãy đến và ở mãi với chúng con, cho nhân loại chúng con nhận ra sự hiện diện sống động của Chúa qua mọi biến chuyển, biến cố của thời đại và trong cuộc sống hầu chúng con trung thành nói lời Xin Vâng như Đức Maria và Thánh Giuse năm xưa. Amen.

M.Nhị Thơ

Suy niêm 4:

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật này, chúng ta tìm thấy lời loan báo về việc Đấng Cứu Thế đến: đó là lời thiên thần truyền tin cho thánh Giuse. Ngài được mời rước Maria về nhà mình: “Hài nhi bà sinh ra là do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Những lời này cho chúng ta biết sứ mệnh Thiên Chúa trao phó cho thánh Giuse: ngài được kêu gọi làm người bảo vệ Đức Maria và Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng việc gìn giữ này cũng liên quan đến toàn thể Giáo hội. Thánh Giuse hiện là người bảo vệ thần bí của toàn thể Giáo hội.

Thánh Giuse sau khi nhận Thánh ý Chúa, Ngài thi hành một cách thận trọng và khiêm tốn trong im lặng. Các sách Phúc âm không nói gì với chúng ta về Ngài nhưng chúng làm chứng cho sự hiện diện liên tục và lòng trung thành tuyệt đối của Ngài, ngay cả khi Ngài không hiểu. Ngài đồng hành trong từng khoảnh khắc với sự chu đáo và yêu thương. Ngài ở với Mẹ Maria trong những lúc bình an cũng như những lúc khó khăn.

Do đó, Thánh Giuse là người bảo vệ của Đức Maria, của Chúa Giêsu và của toàn thể Giáo hội. Tất cả những điều này chỉ trở nên khả thi nhờ sự gắn kết thường xuyên của Thánh Giuse với Chúa. Thánh Giuse là người bảo vệ vì Ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, Ngài để cho ý muốn của Người hướng dẫn mình, Ngài chú ý đến những gì xung quanh mình và biết cách đưa ra những quyết định khôn ngoan nhất. Giống như Thánh Giuse, tất cả chúng ta đều được kêu gọi giữ Đấng Cứu thế trong đời sống mình.

Chúng ta chỉ có thể trải nghiệm một Lễ Giáng Sinh đích thực nếu chúng ta đón Đức Maria, Mẹ của chúng ta, vào nhà của chúng ta. Cùng với Mẹ, chúng ta chào đón Chúa Giêsu đến để tìm và cứu những kẻ lạc lối. Chính trong lời cầu nguyện và hồi tâm mà chúng ta cũng sẽ có thể điều chỉnh bản thân theo ý muốn của Thiên Chúa và tham gia vào dự định của Ngài. Giống như Thánh Giuse, chúng ta học cách biến mình thành đầy tớ của một chương trình nằm ngoài khả năng của chúng ta. Cũng như Người, Chúa dẫn chúng ta đi trên những con đường mà chúng ta không hề biết trước. Nhưng những lời Ngài nói với chúng ta là những lời của sự sống đời đời.

Nhiều người không biết và không muốn nghe về ý nghĩa thực sự của Lễ Giáng Sinh, của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria, của hang đá. Nhưng sứ điệp Tin Mừng phải được loan báo khắp nơi trên thế giới. Nhiệm vụ của chúng ta không phải chỉ là tin tưởng mà là nói và làm chứng. Mỗi khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta hướng về Đấng đến với chúng ta. Trong mỗi Thánh Lễ, Ngài tham gia cùng các cộng đoàn quy tụ nhân danh Ngài. Ngài là “Emmanuel”, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài là Đấng đưa chúng ta vào giao ước dứt khoát giữa Thiên Chúa và con người.

Lạy Chúa, lời mời gọi của Chúa luôn gây xáo trộn đời con. Bao dự định riêng tư dường như mất hút trong đời. Con mong muốn thế này Chúa lại mong muốn thế kia…” Chúa thích lấy đi những gì con hay cậy dựa, để con chỉ luôn nương tựa vào một mình Chúa mà thôi. Chúa thích cắt tỉa con khỏi những rườm rà, khỏi những gai chà, để cây đời con nở ra ngày càng đơm hoa kết trái. Xin cho con dám ra khỏi mình, khỏi những bận tâm và toan tính khôn ngoan người đời. Xin cho con sẵn sàng đi tới, dám sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa để con mãi thuộc về Ngài. Amen.

Fiat

Để lại một bình luận