Phanxicô trong thánh lễ Lễ Lá ở Quảng trường Thánh Phêrô 2-4-2023
Những suy nghĩ về báo động sức khỏe của Đức Phanxicô, ý nghĩa của những điều này khi chúng ta bước vào tuần lễ quan trọng nhất của năm phụng vụ và còn hơn thế nữa.
Người công giáo thế giới có thể thở phào nhẹ nhõm. Đức Phanxicô đã về lại Nhà Thánh Marta sau khi đột ngột bị một cơn sợ về sức khỏe buộc ngài phải ở lại bệnh viện 3 ngày.
May mắn thời gian nhập viện và chẩn đoán cũng đáng lo ngại như lần ngài vào bệnh viện 10 ngày tháng 7 năm 2021 khi các bác sĩ mổ cắt bỏ một nửa ruột kết vì bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Đức Phanxicô đã 86 tuổi, đã về nhà sáng thứ bảy, chúng ta có thể nói đây là “tam nhật bệnh viện” trước Tuần Thánh, không đầy ba ngày (chưa đủ 72 giờ) trên “tầng mười dành cho giáo hoàng” của bệnh viện Gemelli, nơi được thành lập lần đầu năm 1981 cho Đức Gioan Phaolô II.
Sưng phổi, “pizza” và rửa tội
Ngày thứ tư 29 tháng 3 Đức Phanxicô nhập viện, các xét nghiệm y khoa cho biết ngài bị nhiễm trùng đường phổi. Ngày thứ năm, buổi sáng ngài cầu nguyện ở nhà nguyện bên cạnh phòng ngài, ngài tiếp tục công việc giấy tờ bình thường, buổi tối ngài có “bữa tiệc pizza” trong phòng với nhân viên bệnh viện và các phụ tá thân cận nhất của ngài! Ngày thứ sáu, ngài cầu nguyện trong nhà nguyện trước khi bất ngờ viếng thăm khoa ung bướu trẻ em. Ngài tặng cho các bệnh nhi sôcôla Phục sinh và quyển sách Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem. Trước sự vui mừng của nhiều người, ngài rửa tội cho em Miguel Angel mới sinh.
Ngày thứ bảy 1 tháng 4, trước khi rời bệnh viện Gemelli ngài an ủi cha mẹ em Angelica 5 tuổi vừa qua đời vài giờ trước đó. Và khi ngài rời bãi đậu xe trước bệnh viện, ngài xin dừng xe để chào một nhóm nhà báo. Giáo hoàng nặng hơn một chút so với một năm trước, ngài chống gậy để ra xe và cám ơn các nhà báo đã đưa tin về sức khỏe của ngài. Khi họ hỏi ngài cảm thấy thế nào, ngài cười nói: “Tôi vẫn còn sống!”
Vẫn còn một việc phải làm trước khi về Vatican, ngài ghé đền thờ Đức Bà Cả để tạ ơn Đức Mẹ như trước và sau tất cả các chuyến tông du nước ngoài và trong các dịp quan trọng khác. Lần này ngài phó dâng các bệnh nhi ngài đã thăm ở bệnh viện Gemelli.
Ngài về nhà đúng lúc Tuần Thánh bắt đầu với Lễ Lá ngày chúa nhật 2 tháng 4 ở Quảng trường Thánh Phêrô, sau đó là các nghi thức Tuần Thánh và lễ Phục sinh. Dù chỉ vài ngày trước vẫn chưa ai biết liệu ngài có thể tham dự tất cả các nghi thức phụng vụ này hay không, nhưng ngày thứ sáu Văn phòng Báo chí Tòa thánh đã cho biết ngài sẽ “có mặt”.
Vatican và sức khỏe của giáo hoàng
Những ngày vừa qua đã cho thấy, hoặc đã xác nhận lại một số điều. Trước hết, nó nhắc cho những người có trí nhớ ngắn, rằng Vatican đã không làm tốt cho lắm trong việc loan tin tình trạng sức khỏe của giáo hoàng. Giáo hoàng la-mã luôn khỏe mạnh cho đến những giờ… (thường là) sau khi qua đời, cuối cùng Vatican mới thông báo về cái chết. Cho đến lúc đó, vẫn còn chúc may mắn cho tình trạng sức khỏe của giáo hoàng.
Điều này xảy ra gần như trong tất cả các triều giáo hoàng, nhưng đặc biệt là trong triều hiện tại. Đức Phanxicô không chỉ cực kỳ kín đáo trong việc tiết lộ chi tiết tình trạng sức khỏe của ngài mà ngài còn giữ kín với cả những người có trách nhiệm loan tin – những người thường có nhiệm vụ loan những tin như vậy – họ không biết. Thật không may, đây là một trong những mặt tối của triều giáo hoàng của ngài. Hệ thống thông tin liên lạc không đầy đủ không phải do lỗi hoàn toàn của những người làm việc ở Văn phòng Báo chí. Họ chỉ có thể loan những gì giáo hoàng nói với họ. Và dường như là không bao giờ là đủ.
Người ta kể Đức Phanxicô đã cám ơn các nhà báo túc trực ngày đêm tại bệnh viện Gemelli để loan tin mới nhất sức khỏe của ngài. Chắc chắn những đồng nghiệp ở tuyến đầu của tôi xứng đáng được cám ơn. Nhưng thậm chí những người tại ở văn phòng báo chí Vatican còn xứng đáng được ngài cám ơn nhiều hơn vì đã giữ được bí mật nhiều hơn.
Các phụng vụ giáo hoàng
Khi ngài đi xe cứu thương vào bệnh viện thứ tư tuần trước, mọi người có lý do chính đáng để biết, liệu ngài có đủ sức để dẫn cuộc chạy ma-ra-tông các nghi lễ Tuần Thánh trong vài ngày sắp tới hay không. Nhưng có một số người lại nghĩ, nếu ngài không đủ sức tham dự các nghi lễ lớn và kéo dài này, như thế chắc chắn là ngài không còn có thể hoàn thành đầy đủ chức vụ người Mục tử tối cao của Giáo hội la-mã. Tuy nhiên, phong tục các giáo hoàng cử hành thánh lễ công khai thường xuyên – thỉnh thoảng hàng tuần hoặc hàng tháng – là một tiến triển tương đối gần đây (hoặc có lẽ là sự hồi sinh của một truyền thống xưa). Điều đó cũng áp dụng cho những ngày lễ trọng.
Cho đến thời điểm cải cách phụng vụ, nổi lên vào những năm 1940 và 50 dưới thời Đức Piô XII và là một trong những trọng tâm chính của Công đồng Vatican II (1962-65), các giáo hoàng hiếm khi cử hành thánh lễ với đông đảo giáo dân. Khi các ngài làm lễ, thường các ngài ngồi với sự hiện diện của một hồng y chủ sự. Điều này đã thay đổi sau Công đồng Vatican II với Đức Phaolô VI, giáo hoàng đầu tiên chủ sự thường xuyên hơn và mở ra cho giáo dân đặc biệt trong những ngày lễ lớn. Đức Gioan Phaolô II còn làm nhiều hơn thế, ngài cử hành thánh lễ ở Đền thờ Thánh Phêrô, ở một giáo xứ Rôma, hoặc ở một số nơi khác gần như mỗi chúa nhật.
Nhưng chính trong những năm cuối cùng triều của ngài, Đức Gioan-Phaolô II khi bị suy yếu nặng vì bệnh Parkinson, đã trở lại với một điều gì đó giống với thông lệ trước đây là tham dự “thánh lễ giáo hoàng” mà một hồng y sẽ chủ sự. Đức Phanxicô vì đi đứng khó khăn đã làm điều tương tự.
Và cách những người lên kế hoạch cho các nghi thức phụng vụ của giáo hoàng xử lý vấn đề này đã tạo một chút nhầm lẫn về danh từ và do đó là thần học phụng vụ. Họ dùng thuật ngữ “chủ sự” và “cử hành” thường không chính xác. Khi giáo hoàng ngồi ở bên cạnh mặc áo choàng và chủ trì mọi phần của thánh lễ ngoại trừ nghi thức dâng Thánh Thể phải làm ở bàn thờ, thì họ nói ngài “chủ sự” và người ở bàn thờ “cử hành”. Hay ngược lại? Trên thực tế, các nhân viên ở Vatican đã dùng các thuật ngữ theo cách khác. (Đúng ra theo thần học Giáo hội, mọi người trong cử tọa đều “cử hành“ thánh lễ.)
Tuy nhiên điều này thực sự không quan trọng. Vấn đề là giáo hoàng không nhất thiết phải chủ sự phụng vụ để tiếp tục sứ mệnh của mình. Dĩ nhiên đó là lý tưởng. Nhưng trên thực tế, việc ngài không thể làm như vậy không nhất thiết là một trở ngại cho việc thực hiện nhiệm vụ giáo hoàng của ngài.
Đức Phanxicô sẽ không ở bên chúng ta mãi mãi
Một điều chúng ta nên nhớ, Đức Phanxicô cũng như tất cả chúng ta, ngài cũng là phàm nhân. Không ai trong chúng ta sẽ sống mãi mãi. Và không ai trong chúng ta biết mình sẽ chết khi nào. Nhưng tuổi tác và sức khỏe (và cả sự may mắn) là những yếu tố quan trọng giúp xác định chúng ta sẽ ở trên hành tinh trái đất này bao lâu và ở tình trạng thể chất như thế nào.
Việc giáo hoàng đương nhiệm miễn cưỡng nói thẳng về sức khỏe của ngài và từ chối không cho phép các bác sĩ đưa ra kết quả thử nghiệm, có nghĩa, cuối cùng, chúng ta thực sự không biết chính xác lý do nào đã làm ngài bệnh. Nhưng rõ ràng sức khỏe của ngài đang bị giảm sút. Rốt cuộc, ngài đã 86 tuổi, đã mổ một vụ mổ lớn, đã có trọng lượng cơ thể không lý tưởng và đi đứng vẫn còn khó khăn.
Đức Phanxicô – cũng như tất cả chúng ta – phải điều chỉnh lại những mong chờ của mình trước thực tế về tuổi tác và bệnh tật ngày càng tăng. Không phải là nói quá khi nói rằng thời gian triều của ngài không còn nhiều. Câu hỏi đặt ra là ngài hy vọng sẽ làm được gì trong thời gian Chúa tiếp tục ban cho ngài ở Ngai tòa Thánh Phêrô. Ngài đã duy trì một chương trình làm việc rất bận rộn, cực kỳ tham vọng và hẳn là vô cùng mệt mỏi với một người ở tuổi ngài. Chắc chắn, điều quan trọng là phải tiếp tục hoạt động, nhưng có lẽ đã đến lúc ngài nên dùng năng lượng của mình một cách chiến lược hơn.
Đây cũng là thời điểm quan trọng của Hồng y đoàn, đặc biệt với những hồng y dưới 80 tuổi đủ điều kiện để bỏ phiếu trong mật nghị. Họ phải bắt đầu nhận xét kỹ hơn những bạn hồng y của mình, bắt đầu phân định để biết ai sẽ là người kế vị Đức Phanxicô một khi ngài từ nhiệm hay qua đời. Điều này không có gì là âm mưu. Đó là chuyện thận trọng, lương tri và có tình thương với tương lai Giáo hội. Sau đó, chúng ta hy vọng Chúa Thánh Thần sẽ bỏ lá phiếu quyết định.
Di sản của Đức Phanxicô
Có một điều dường như chắc chắn – di sản của Đức Phanxicô đã được bảo đảm. Ngài đã đưa Giáo hội công giáo vào con đường đổi mới thiêng liêng một cách rộng rãi và cải cách cơ cấu theo cách chưa từng xảy ra kể từ Công đồng Vatican II và những hệ quả ban đầu của nó. Trước cuộc bầu chọn của ngài mười năm trước, mối quan tâm của người công giáo có đầu óc cải cách đã bị hai giáo hoàng phớt lờ từ lâu, một Giáo triều la-mã độc đoán và một thế hệ giám mục mới của hậu công đồng gồm những giám mục cứng nhắc về mặt học thuyết. Đức Phanxicô đã thay đổi hoàn toàn điều đó bằng cách không chỉ cho phép thảo luận về các vấn đề nóng bỏng, mà còn thực sự khuyến khích ngay cả trong Vatican và Thượng Hội đồng giám mục.
Dự án “tính đồng nghị” của ngài thực sự có thể có tác động sâu đậm và lâu dài hơn với Giáo hội toàn cầu (hoặc ít nhất là với một số thành phần của nó) so với Công đồng Vatican II. Rốt cuộc, công đồng chủ yếu là một tập hợp các giám mục và các cố vấn thần học của họ. Tiến trình đồng nghị này đã bao gồm tất cả mọi người trong Giáo hội – ít nhất là những người đã muốn, và đã dành thì giờ để tham dự. Có một động lực và một loạt các mong chờ sẽ khó có thể dừng lại hoặc bỏ qua.
Kế hoạch sửa đổi mà Đức Gioan Phaolô II thực hiện sau Công đồng Vatican II (và Đức Bênêđictô XVI sau đó tăng cường) đã tương đối dễ dàng. Nó chủ yếu bao gồm việc thay thế các giám mục. Bất kỳ một nỗ lực nào để thiết lập sự phục hồi tương tự sau Đức Phanxicô sẽ khó khăn hơn nhiều. Bạn không thể đơn giản thay thế tất cả những người công giáo trên thế giới. Thật vậy, bất kỳ nỗ lực nào để quay trở lại các đặc tính và phong cách trước đây của Giáo hội sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong Giáo hội thậm chí còn tệ hơn khủng hoảng chúng ta đang gặp phải.
Đức Phanxicô đã mở ra một tiến trình biến đổi Giáo hội hết sức cần thiết, đưa chúng ta vào một hành trình loại bỏ và thay đổi tất cả những điều ngăn cản cộng đồng đức tin toàn cầu này thực sự sống và chia sẻ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta chưa biết liệu giáo hoàng vững mạnh và ông ngoại này có thể tiếp tục đồng hành với chúng ta trong bao lâu. Và đó là lý do vì sao người công giáo – và tất cả những người có thiện tâm – nên tận hưởng thời gian này nhiều hơn nữa.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch(phanxico.vn)