Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
WGPMT (19.02.2024) – “Toàn bộ Cựu Ước cắm neo nơi biến cố quan trọng nhất trong lịch sử Israel, là cuộc giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ Pharaon, biến cố được gọi là Xuất Hành. Mọi lời trong Cựu Ước đều được viết ra sau biến cố Xuất Hành, viết trong ánh sáng của cuộc xuất hành và có lẽ đã không được viết ra nếu không có biến cố Xuất Hành, đơn giản là vì không có dân tuyển chọn mà những lời này hướng tới” (Demetrius Dumm, Praying the Scriptures, viii)
Sách Xuất Hành có ý nghĩa quan trọng như thế nên không lạ gì khi Đức giáo hoàng Phanxicô chọn chủ đề Sứ điệp Mùa Chay 2024 là “Xuyên qua sa mạc Thiên Chúa dẫn ta tới tự do”, và mời gọi các tín hữu Công giáo sống Mùa Chay trong ánh sáng của biến cố Xuất Hành. Khi đọc Sứ điệp này, tôi rút ra được ba điều.
Thứ nhất là tầm nhìn tích cực về Mùa Chay. Mùa Chay là mùa phụng vụ phủ đầy sắc tím, chỉ có Chúa nhật IV được gọi là Chúa nhật màu hồng. Thêm vào đó, các bài thánh ca cũng đượm nét buồn, nhắc nhớ tâm tình sám hối, nhìn lại quá khứ tội lỗi để ăn năn hơn là nhìn tới tương lai tươi sáng. Sứ điệp của Đức Thánh Cha lại nhìn Mùa Chay bằng tầm nhìn tích cực như là hành trình tự do: “Khi Thiên Chúa chúng ta mặc khải chính mình Ngài, sứ điệp của Ngài luôn là sứ điệp về tự do: Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, ra khỏi nhà nô lệ (Xh 20,2)… Mùa Chay là mùa hoán cải, mùa tự do”.
Chính sự tự do và giải thoát ấy là ánh sáng soi chiếu toàn bộ hướng đi của mùa Chay. Những việc đạo đức truyền thống trong Mùa Chay mang một ý nghĩa mới: “Cầu nguyện, bố thí và ăn chay không phải là ba hành vi tách rời nhau nhưng là động thái duy nhất của sự cởi mở và trút rỗng chính mình, qua đó chúng ta tống khứ những ngẫu tượng đè nặng trên mình, những quyến luyến giam hãm mình. Rồi trái tim khô héo và cô lập của chúng ta sẽ được hồi sinh…Trước tôn nhan Thiên Chúa, chúng ta trở thành anh chị em với nhau, nhạy cảm với nhau hơn: chúng ta khám phá ra những bạn đồng hành, những người cùng bước đi với mình, thay vì là những kẻ thù và những mối đe dọa”.
Thứ hai là để bước vào hành trình tự do, bước đầu tiên là phải nhận ra tình trạng nô lệ của mình. Không nhìn nhận thân phận nô lệ thì cần gì ơn giải thoát. Trong phương pháp chữa trị nghiện rượu của nhóm Alcoholics Anonymous (AA), bước đầu tiên là phải nhìn nhận mình nghiện: “Chúng tôi nhìn nhận rằng chúng tối bất lực trước sự cuốn hút của rượu, và đời sống chúng tôi trở thành không kiểm soát nổi”!
Trong đời sống tinh thần cũng thế, bước đầu tiên là phải nhìn nhận sự thật về bản thân. Tuy nhiên không dễ để nhìn nhận tình trạng nô lệ của mình vì nó rất tinh vi: “Hành trình mùa Chay của chúng ta sẽ cụ thể nếu ta nhận ra rằng ngay cả ngày nay ta vẫn ở dưới sự cai trị của Pharaon. Một sự cai trị khiến chúng ta mệt mỏi và thờ ơ. Một kiểu thức phát triển gây chia rẽ và cướp đi tương lai của chúng ta. Trái đất, không khí và nước bị ô nhiễm, nhưng cả tâm hồn chúng ta cũng thế. Quả thực Phép Rửa đã bắt đầu tiến trình giải phóng chúng ta, tuy nhiên vẫn còn đó trong ta nỗi khao khát thân phân nô lệ không thể giải thích được. Đó là thứ sức hút tìm sự an toàn của những cái quen thuộc, dù gây tổn hại đến sự tự do của chúng ta”.
Cuối cùng, phải ý thức rằng hành trình tự do cũng là hành trình đòi hỏi chiến đấu chứ không dễ dãi. Chúng ta vẫn ước muốn quay về đường cũ như dân Israel trong sa mạc xưa, tuy phải làm nô lệ đấy nhưng “được ngồi bên nồi thịt và ăn bánh no nê” (Xh 16) thay vì tự do mà chết đói: “Giống như dân Israel trong sa mạc vẫn lưu luyến Ai Cập, hoài vọng về quá khứ và phàn nàn chống lại Đức Chúa và ông Môsê – ngày nay cũng thế, dân Thiên Chúa có thể bám víu vào thứ xiềng xích áp bức mà họ được mời gọi bỏ lại đằng sau”
Những xiềng xích đó là gì? Rất nhiều thứ, kể cả những thứ mà bản thân chúng ta không ý thức: “Chúng ta có thể trở thành người bám chặt vào tiền bạc, vào những dự án, những ý tưởng hay mục tiêu nào đó, bám chặt vào địa vị của mình, vào một truyền thống, kể cả vào một cá nhân nào đó”. Xiềng xích của dân Israel xưa bên Ai Cập là những xiềng xích thể lý và hữu hình, còn xiềng xích ngày nay tinh vi và thâm hiểm hơn nhiều: “Điều đáng sợ hơn cả Pharaon là những ngẫu tượng mà chúng ta tự dựng lên cho mình; có thể coi chúng như tiếng nói của kẻ thù đang thầm thì trong ta: (ước muốn) trở nên toàn năng, được mọi người ngưỡng mộ, thống trị người khác. Ai cũng biết những lời dối trá này có thể quyến rũ chúng ta mạnh mẽ tới chừng nào!”
Tương tự như biến cố Xuất Hành trong Cựu Ước, “Toàn bộ Tân Ước được cắm neo nơi biến cố Xuất Hành thứ hai và dứt khoát, là sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Mọi lời trong Tân Ước đã được viết ra sau Phục Sinh, được viết trong ánh sáng của Phục Sinh, và chắc chắn đã không được viết ra nếu không có Phục Sinh. Bởi lẽ tại sao lại phải ghi lại lời nói và đời sống của một người mà cuối cùng hóa ra chỉ là người dẫn đường sai lầm? Thánh Phaolô đã hiểu rất rõ điều này khi ngài viết cho dân thành Côrintô rằng: “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và niềm tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14) (Demetrius Dumm).
Vâng, chính Phục Sinh là đích tới và Phục Sinh làm cho mùa Chay trở thành hành trình tự do đích thực.
Nguồn: giaophanmytho.net