Trong bài tham luận tại cuộc họp của Liên Hiệp Quốc, dịp kỷ niệm 30 năm Tuyên bố về các quyền của những người thuộc về thành thần thiểu số của quốc gia, dân tộc, tôn giáo hoặc ngôn ngữ, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh cho rằng chính văn hoá đối thoại và hợp tác là con đường bảo vệ các nhóm thiểu số.
Đức Hồng Y đưa ra lời mời gọi đầu tiên liên quan đến việc từ chối sử dụng một cách phân biệt thuật ngữ “thiểu số” khi đề cập đến một bộ phận nhỏ của một dân tộc, bởi vì điều này tạo ra “cảm giác bị cô lập và mặc cảm”. Theo ngài, khi sử dụng cụm từ “thiểu số” hoặc “đa số” trong ngôn ngữ hiện nay, cần nhớ phải làm sao để những từ ngữ này không làm xói mòn nguyên tắc dựa trên các quyền con người và tự do cơ bản, nghĩa là “tất cả mọi người đều bình đẳng về phẩm giá”.
Theo Đức Hồng Y, khẳng định căn tính của mình và sống trong hòa bình với người khác là nguyện vọng mà tất cả các dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ thiểu số chia sẻ trên toàn thế giới, do đó việc bảo vệ họ không thể không tôn trọng các nguyên tắc như bảo vệ sự tồn tại, không loại trừ, không phân biệt đối xử và không đồng hóa.
Quốc vụ khanh Toà Thánh cho biết, Tòa Thánh đặc biệt quan tâm lưu ý rằng các Kitô hữu là nhóm bị bách hại nhiều nhất trên thế giới và không chỉ ở các quốc gia nơi họ là một nhóm thiểu số. Ngài nói: “Người ta ước tính có khoảng 360 triệu Kitô hữu tại 76 quốc gia bị phân biệt đối xử, bạo lực và bách hại vì đức tin. Đó là sự vi phạm rõ ràng quyền cơ bản về tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo. Thật không may, một sự phân biệt đối xử cũng làm ảnh hưởng đến các nhóm thiểu số tôn giáo khác”.
Đức Hồng Y khẳng định rằng để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số trên cơ sở quốc gia, dân tộc, tôn giáo hoặc ngôn ngữ, việc áp dụng “văn hóa đối thoại” là cơ bản, được hiểu là một con đường tiến tới, thông qua các quy tắc ứng xử chung, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau như một phương pháp. Và ngài kết luật: “Bản sắc và đối thoại không phải là hai cực không thể hòa giải. Bản sắc của chúng ta được củng cố và trở nên phong phú nhờ đối thoại với những người không giống chúng ta”.
Theo Ngọc Yến – Vatican News (23/9/2022)