Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm B

Suy Niệm 1:

 Khuôn Mặt Của Người Truyền Giáo

Hôm nay, Chúa Nhật Truyền Giáo, Giáo Hội mời gọi chúng ta ý thức sâu sắc hơn về sứ mạng loan báo Tin Mừng – một trách nhiệm không thể tách rời khỏi bản chất của người Kitô hữu. Lời mời gọi của Chúa Giêsu vẫn vang vọng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” Đây là lệnh truyền cho tất cả chúng ta, không phân biệt ai. Truyền giáo không chỉ là một ơn gọi, mà là bổn phận của mọi Kitô hữu.

Sứ vụ Chúa Kitô trao cho Giáo Hội vẫn còn dang dở. Cánh đồng của Chúa bao la, nhưng thợ gặt lại thiếu. Truyền giáo có thể chưa cuốn hút hoặc gặp khó khăn trong việc thực hiện. Có phải Giáo Hội đang thiếu nhân sự, thiếu chiến lược, hay thiếu nhiệt huyết? Điều quan trọng là khuôn mặt của người truyền giáo phải như thế nào để có thể đem Chúa đến với người khác.

Trước hết, người truyền giáo phải là “một con người gắn bó với Chúa Giêsu.” Nhà truyền giáo không bao giờ ngừng là môn đệ, cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong mọi bước đi. Chỉ khi có Chúa làm trung tâm, lòng nhiệt huyết mới không vơi cạn.

Thứ hai, người truyền giáo phải đầy tràn Chúa Thánh Thần. Thánh Thần là linh hồn của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ngài hướng dẫn và ban sức mạnh để chúng ta thực thi lệnh truyền của Chúa Giêsu một cách hiệu quả nhất.

Thứ ba, một người truyền giáo cần có sự thánh thiện. Lòng nhiệt thành truyền giáo phải xuất phát từ một đời sống thánh thiện, được nuôi dưỡng bằng cầu nguyện và phép Thánh Thể. Hành động của chúng ta thường có sức thuyết phục hơn lời nói, và chính đời sống thánh thiện là cách rao giảng hùng hồn nhất.

Thứ tư, người truyền giáo phải là một người tuyệt đối tin vào Chúa. Niềm tin là nền tảng cho mọi Kitô hữu, giúp chúng ta có đủ can đảm và sức mạnh để đem đức tin đến cho người khác.

Thứ năm, khuôn mặt của người truyền giáo cần gần gũi với mọi người, đặc biệt là người nghèo. Chúa mời gọi chúng ta ra đi đến những vùng ngoại biên, sống với những người chưa biết đến Chúa, cảm thông và sẻ chia với họ.

Thứ sáu, người truyền giáo phải biết yêu thương và tôn trọng tha nhân. Truyền giáo không xa lạ, mà chính là yêu thương và tôn trọng những người xung quanh, sống theo luật yêu thương của Chúa Giêsu.

Thứ bảy, khuôn mặt người truyền giáo phải đầy tràn niềm vui. Người loan báo Tin Mừng không thể mang bộ mặt u ám, mà phải tràn ngập niềm vui vì đã nhận được niềm vui từ Đức Kitô.

Thứ tám, người truyền giáo cần biết lắng nghe. Lắng nghe giúp chúng ta hiểu và tạo dựng mối tương quan sâu sắc hơn với người khác, từ đó dễ dàng chia sẻ về Chúa với họ.

Thứ chín, người truyền giáo phải biết đối thoại, với sự khiêm tốn và cởi mở, đón nhận những người chưa biết Chúa, cũng như những người thuộc các tôn giáo khác.

Cuối cùng, khuôn mặt của người truyền giáo phải mang dấu ấn từ bỏ và vác thập giá. Truyền giáo không dễ dàng, nhưng chúng ta phải sẵn sàng hy sinh và đứng vững trong ơn gọi này, ngay cả khi xã hội không còn coi trọng Thiên Chúa.

Khuôn mặt của người truyền giáo là điều quan trọng trong việc Loan Báo Tin Mừng. Chúng ta có thể rao giảng như Thánh Phanxicô Xaviê, cầu nguyện như Thánh Têrêsa Hài Đồng, hay yêu thương và bác ái như Mẹ Têrêsa. Điều quan trọng là làm sao để Tin Mừng của Chúa được truyền đến khắp nơi và cho mọi người.

Lạy Chúa, xin cho cánh đồng truyền giáo của Chúa có thêm nhiều thợ gặt lành nghề để Lời Chúa được rao giảng khắp mọi nơi. Amen.

(Lấy ý tưởng từ Cẩm Nang Loan Báo Tin Mừng – Nhóm biên soạn SJVN)

Iris

Suy Niệm 2:

Hội nhập văn hoá để loan báo Tin Mừng

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay là Chủ Nhật Truyền giáo, Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta nhận thức rõ hơn về sứ mệnh loan báo Tin Mừng của từng tín hữu Kitô và bản chất truyền giáo của Giáo Hội. Tuy nhiên công cuộc này chưa có hiệu quả ở Việt Nam cũng như ở nhiều nơi trên thế giới. Các số liệu thống kê của Giáo Hội cũng như của các tổ chức khác đã chứng minh điều đó. Vì thế, chúng ta cùng tìm hiểu nguyên nhân bắt nguồn từ đâu và cần phải làm gì để truyền giáo hiệu quả.

  1. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc không đổi mới ngôn ngữ để hội nhập văn hoá

Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XIII năm 2012 với chủ đề “Tân Phúc Âm hoá để thông truyền đức tin Kitô” yêu cầu ta đổi mới ngôn ngữ vì muốn cho con người ngày nay nghe và hiểu, chúng ta phải dùng ngôn ngữ của họ. Đó cũng là yêu cầu của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI năm 2021 nhắc ta phải “đồng hành”.

Chúng ta hãy nhìn vào các sân vận động, các tụ điểm giải trí ở nhiều nước Âu Mỹ trong những ngày cuối tuần đông nghịt người tham dự, trong khi nhà thờ rộng lớn chỉ lèo tèo vài chục ông già, bà lão trong một góc nhỏ dự lễ, ta mới thấy mình cần phải đổi mới ngôn ngữ truyền giáo. Giới trẻ ngày nay thờ ơ với tôn giáo, nhất là Kitô giáo, bởi vì con người thời nay chú tâm vào khoa học với những lý chứng cụ thể, vào những nhu cầu vật chất cần thiết mỗi ngày, vào thể xác làm sao cho khoẻ đẹp, vào tâm hồn sao cho an vui hạnh phúc, vào các thần tượng hiển hiện ngay trước mắt qua các diễn viên, nghệ sĩ, cầu thủ, danh nhân thành đạt thế chỗ cho các nhà tu hành, đạo đức, triết học, thần học của các thế kỷ qua.

Đáng lẽ chúng ta phải là chứng nhân của Chúa Giêsu và nói về Người bằng ngôn ngữ của thời đại như các tông đồ xưa, thì ta lại được dạy bảo cứ dùng thứ ngôn ngữ “kinh điển” của thời trung cổ, cận đại trong các trường lớp, tu viện và chủng viện, để bảo đảm là ta giữ đúng truyền thống đức tin. Có lẽ vì thế mà ta ngại ngùng, không biết phải nói về Chúa Giêsu như thế nào để thu phục người nghe. Chúng ta ít quan tâm đến việc hội nhập văn hoá của thời đại mới như Công đồng Vaticanô II đã dạy.

Tiếp nối định hướng của Công đồng, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nhấn mạnh đến văn hoá và việc hội nhập văn hoá hàng trăm lần trong tông huấn “Giáo Hội tại châu Á”, công bố ngày 6/11/1999 tại New Dehli, Ấn Độ. Ngài nhắc nhở rằng: “Nhờ hội nhập văn hoá, Giáo Hội sẽ trở thành một dấu chỉ dễ hiểu hơn, giúp người ta hiểu được bản chất của mình, đồng thời Giáo Hội cũng trở thành một dụng cụ đắc lực hơn để thi hành sứ mệnh” (x. Tông huấn số 21; Tông thư Sứ vụ Đấng Cứu thế, số 52, năm 1991).

Việc giới thiệu Đức Giêsu và Tin Mừng cứu độ của Người cho một cá nhân hay cho một dân tộc tuỳ thuộc vào trình độ văn hoá của cả người nói lẫn người nghe. Người nói phải có đủ trình độ nhất định để có thể chọn lựa từ ngữ thích hợp theo đúng ngôn ngữ của người nghe, cũng như phải hành động tích cực theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần thì mới hy vọng truyền giáo kết quả. Lịch sử truyền giáo của Giáo hội Công giáo toàn cầu cũng như ở Việt Nam đã chứng minh cho ta thấy: càng hội nhập văn hoá, việc truyền giáo càng hiệu quả (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Hội nhập văn hoá để loan báo Tin Mừng, NXB Đồng Nai, 2024, tr.34-67).

Hoạt động truyền giáo này cũng tương tự như mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa vô hình đã mang lấy thân xác, hoà nhập vào thế giới hữu hình, đón nhận nền văn hoá cụ thể của dân tộc Do Thái để rao giảng về Chúa Cha và giới thiệu con đường sự thật và sự sống cho nhân loại. Người cũng dùng cách suy nghĩ, các từ ngữ, tâm tình, hành vi của con người cùng thời với mình để loan báo Tin Mừng cứu độ và truyền cho các môn đệ tiếp tục công trình này. Đây là hoạt động gọi là hội nhập văn hoá, nghĩa là đem những giá trị vô cùng cao quý của Thiên Chúa hoà nhập vào đời sống con người và biến đổi những giá trị tốt đẹp của con người thành cao quý, siêu việt của Thiên Chúa.

  1. Nên làm gì để truyền giáo hiệu quả?

Chúng ta thử tưởng tượng nếu Đức Giêsu không mang một thân xác cụ thể, không dùng ngôn ngữ Do Thái mà dùng tiếng La Tinh của người Rôma đang cai trị toàn cầu vào thời điểm đó, không nói những lời đầy uy quyền để dạy sự thật, không làm những phép lạ để giúp cho người đói được no nê, người bệnh hoạn tật nguyền được chữa lành, người bị ma quỷ kiềm chế được giải thoát, người chết được sống lại và chính Người không tự nguyện chết nhục nhã trên thập giá để đền tội thay cho muôn loài và sống lại để phục hồi sự sống vĩnh hằng, thì ai sẽ tin vào Tin Mừng của Người?

Tuy nhiên, rất nhiều người chúng ta lại đang giới thiệu một Đức Giêsu “phi xác thể” (x. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium, số 89; thư ngày 17/7/2024, số 14) hoàn toàn xa lạ với ngôn ngữ thời đại như thể Người đến từ một hành tinh xa lạ nào đó ngoài vũ trụ, với những lời rao giảng không dùng những sự thật của khoa học để chứng minh, mà chỉ để cổ vũ những phong trào đạo đức gồm các nghi lễ hình thức bên ngoài, không củng cố lời rao giảng bằng những hành động đầy quyền năng như Chúa Giêsu và môn đệ trước đây, không chứng minh một tình yêu đến cùng để sẵn sàng chịu chết và sống lại như Người thì làm sao con người thời nay tin theo lời chúng ta được?

Các bài đọc Thánh Kinh hôm nay như gợi ý cho ta về tình yêu tuyệt vời đó. “Đức Chúa đã muốn người tôi trung phải bị nghiền nát vì đau khổ… Nhờ đó Người sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (x. Is 53,10-11). “Chúng ta có một vị Thượng tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vị đó không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (x. Dt 4,14-16). Chính Chúa Giêsu đã xác định con đường tình yêu này: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x. Mc 10,45).

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong thư ngày 17/7/2024 mới đây, khi bàn về “vai trò của văn chương trong việc đào tạo linh mục, tu sĩ và Kitô hữu”, đã nhắc nhở ta về việc hội nhập văn hoá (x. số 10-11) để có thể loan báo một Đức Giêsu đích thực cho mọi người và giúp họ gặp gỡ được Người trong thân xác con người cũng như trong lịch sử hiện tại, “xác thân ấy bao gồm các khát vọng, các tình cảm và các cảm quan, là những lời thách thức và an ủi, là những bàn tay đụng chạm và chữa lành, là những cái nhìn giải phóng và khích lệ, xác thân ấy bao gồm sự nồng nhiệt, tha thứ, phẫn nộ, can đảm, mạnh dạn, tắt một lời, đó là yêu thương” (số 14).

Thật ra, những khám phá mới nhất của khoa học về con người trong khoảng 20 năm gần đây như công thức di truyền của loài người bao gồm 3 tỉ base của ADN (axit deoxyribonucleic) trong 23 cặp nhiễm sắc thể với hơn 20 ngàn gen, cấu trúc nguyên tử với các hạt nhân proton và electron trong mỗi tế bào thay đổi không ngừng trong khi con người vẫn là một chủ thể biết yêu thương, suy nghĩ và hành động lâu dài,… càng giúp con người thời nay dễ dàng tìm về nguồn hiện hữu, vượt qua những lầm lẫn mà giả thuyết tiến hoá của Darwin gây ra cho nhân loại. Đây cũng là ngôn ngữ thời đại mà chúng ta cần phải nói nhiều hơn với các bạn trẻ để giới thiệu Đức Giêsu.

Lời kết

Xin Chúa Giêsu cho chúng con trở nên tông đồ nhiệt thành mở Nước Chúa Trời. Amen.

Suy Niệm 3:

Mc 10, 35-45

Tinh thần khiêm nhường và phục vụ là điều Chúa Giê-su dạy các môn đệ, và Ngài cũng mời gọi chúng ta trong Tin Mừng hôm nay. Theo lẽ thường, con người ai cũng mong muốn được phục vụ, được người khác coi trọng. Tuy nhiên, điều đó là tư tưởng của thế gian, không phải của người môn đệ theo Chúa. Nên Chúa Giê-su nói: “Ai muốn làm đầu, thì hãy làm đầy tớ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người” (Mc 10,43-45).

Thế gian khao khát quyền lực và sự thống trị. Môn đệ Giacôbê và Gioan cũng không ngoại lệ khi xin được ngồi bên hữu và bên tả Chúa Giê-su trong vinh quang. Họ giống như nhiều người, vẫn nghĩ rằng theo Chúa là để được địa vị cao trọng. Nhưng Chúa Giê-su lại dạy một điều hoàn toàn khác. Ngài phơi bày tinh thần lãnh đạo thế gian: “Những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân, và những lãnh tụ thì sai khiến dân chúng.” Quyền lực thế gian là uy quyền trên người khác, nhưng với Chúa Giê-su, quyền lực thực sự là khả năng phục vụ.

Chúa Giê-su dạy chúng ta cách sống và lãnh đạo bằng sự khiêm nhường. Chúa Giê-su không chỉ nói về cách phục vụ mà chính Ngài đã làm gương cho chúng ta bằng chính cuộc đời của mình. Cả cuộc sống nơi trần thế của Chúa Giê-su là sự hy sinh liên tục, từ việc rửa chân cho các môn đệ đến việc hiến mạng sống trên thập giá. Thật vậy, để trở thành môn đệ thật của Chúa Giê-su, chúng ta được mời gọi sống tinh thần ấy: “Ai muốn làm lớn, hãy tự làm đầy tớ anh em.”

Người lãnh đạo theo Chúa không dùng quyền lực để áp đặt, nhưng để phục vụ và yêu thương. Sự phục vụ ấy không đến từ tính toán hay tìm kiếm lợi ích cho mình, mà là sự dâng hiến cho tha nhân. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta, trong mọi hoàn cảnh, dù ở vị thế nào, hãy luôn nhớ đến việc quên mình vì người khác, không màng đến quyền lợi hay vinh dự cá nhân.

Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng để sống theo tinh thần phục vụ này, chúng ta cần phải biết khiêm nhường thực sự. Không phải là giả vờ khiêm nhường hay phục vụ để được người khác ca ngợi, nhưng là tinh thần dâng hiến hết mình cho anh chị em mà không mong nhận lại gì. Đây chính là chìa khóa dẫn chúng ta đến sự bình an nội tâm và trở nên giống Chúa Giê-su, Đấng đã hiến mạng sống vì yêu thương.

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta dễ bị cuốn theo sự hối hả của xã hội, quên mất bài học khiêm nhường và phục vụ. Khi được đặt vào những vị trí có quyền trên người khác, chúng ta rất dễ bị cám dỗ lạm quyền, bắt người khác làm theo ý mình. Chúa Giê-su hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng, tinh thần phục vụ phải được mặc lấy với sự yêu thương và khiêm nhường. Đó mới là con đường dẫn chúng ta đến gần Chúa hơn và đạt đến ơn cứu rỗi.

Nguyện xin Chúa Giê-su ban cho chúng con biết noi theo tinh thần khiêm nhường của Ngài, để chúng con trở thành những chứng nhân sống động của sự yêu thương giữa cuộc đời hôm nay. Amen.

M. Nhị Thơ

Suy Niệm 4:

Quyền Bính – Một Sự Phục Vụ

Trong Tin Mừng hôm nay, bà mẹ của hai người con ông Dêbêđê đến xin Chúa Giêsu cho họ được ngồi bên hữu và bên tả Ngài. Lời thỉnh cầu này thể hiện khát khao quyền lực của con người. Tranh cãi về quyền bính cũng từ đó bùng lên giữa các môn đệ. Vì thế, Chúa Giêsu đã dạy cho các ông bài học sâu sắc về quyền hành: “Ai muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Ai muốn thành người cầm đầu, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người.”

Chúa Giê-su mời gọi một quyền bính không dựa trên sự thống trị, nhưng trên tinh thần phục vụ. Chính Ngài đã làm gương khi phán: “Vì Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.”

Quả thật, con người thường khao khát quyền lực và địa vị. Có người dùng nó để thống trị, mưu cầu lợi ích riêng; nhưng cũng có người biết dùng quyền lực để phục vụ theo gương Chúa Giêsu. Trong mọi môi trường, cần có sự lãnh đạo để duy trì trật tự và công lý. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dạy: “Xã hội loài người sẽ không thể được tổ chức tốt nếu thiếu những người lãnh đạo có trách nhiệm.”

Thật vậy, Chúa Giêsu không phản đối quyền bính, nhưng Ngài nhắc nhở chúng ta sống đúng với những gì được trao ban. Không phải chỉ có chức vụ mới có ảnh hưởng; mỗi người đều có những khả năng, ân huệ Chúa ban. Điều quan trọng là chúng ta sử dụng chúng ra sao để phục vụ tha nhân.

Câu chuyện về hai người bạn già đồng hành mưu sinh hơn 20 năm trên chiếc xe máy. Một người mù, một người sáng mắt. Hằng đêm, người sáng mắt chở bạn mình đi hát rong để kiếm sống. Sau một đêm vất vả, họ cùng ngồi lại, đếm tiền. Người bạn sáng mắt luôn chia đôi số tiền kiếm được, nhưng thực tế anh luôn dành phần nhiều hơn cho người bạn mù.

Tôi chứng kiến cảnh anh sáng mắt lặng lẽ dúi vào tay bạn mình xấp tiền 100.000, 50.000 đồng, trong khi chỉ giữ lại những tờ 10.000 và 5.000 cho bản thân. Hành động ấy khiến tôi cay mắt. Sự “chia đôi” không chỉ nằm ở con số, mà còn ở tấm lòng. Người bạn mù tin tưởng hoàn toàn vào bạn mình, còn người bạn sáng mắt thì âm thầm cho đi nhiều hơn.

Câu chuyện đơn giản nhưng thấm đượm tình yêu thương, sự sẻ chia chân thật. Hai người bạn không giàu có về vật chất, nhưng họ thật sự giàu có trong tình bạn và lòng nhân ái. Đời sống này vẫn đầy rẫy những điều tốt đẹp, nếu chúng ta biết nhìn và cảm nhận bằng trái tim.

Lạy Chúa, chúng con thường khao khát địa vị, quyền lực, nhưng để sống theo lời Chúa dạy là một thách đố lớn lao. Xin cho chúng con biết khiêm nhường, sử dụng những ân huệ Chúa ban để phục vụ và yêu thương người khác, như chính Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.

Fiat

Suy Niệm 5:

Hiện nay, cả thế giới đang dõi theo cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, với sự tranh cử của ông Donald Trump và bà Kamala Harris. Cuộc đua này đầy căng thẳng, khi cả hai không ngừng tranh luận, chỉ trích lẫn nhau để chứng tỏ mình xứng đáng lãnh đạo nước Mỹ.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy hai môn đệ Giacôbê và Gioan cũng khao khát quyền lực, mong muốn được ngồi bên hữu và bên tả của Chúa Giêsu. Điều này khiến mười môn đệ còn lại tức giận, bởi họ cũng mang tham vọng tương tự.

Đứng trước sự cạnh tranh này, Chúa Giêsu đã gọi các tông đồ lại và dạy họ một bài học quan trọng: quyền lực trong Vương Quốc của Ngài không phải để thống trị, mà để phục vụ. Ngài nói: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” Lãnh đạo, trong mắt Chúa, không phải là địa vị quyền lực để sai khiến người khác, mà là phục vụ họ với tình yêu và khiêm nhường.

Trong mọi thời đại, ở bất cứ nơi đâu, con người luôn mong muốn quyền lực và địa vị cao. Nhiều người dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích của mình, và sau khi có quyền lực, họ thống trị và điều khiển người khác, bắt người khác phục vụ mình. Tuy nhiên, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi ngược lại con đường ấy.

Chúa Giêsu không tìm kiếm quyền lực hay sự vinh quang cho bản thân. Ngài đến trần gian vì yêu thương nhân loại, sống giữa dân Israel, và dùng cả cuộc đời mình để phục vụ. Ngài chữa lành bệnh tật, trừ quỷ, làm phép lạ, và ban ơn lành cho những ai đau khổ. Đỉnh cao của sự phục vụ đó là khi Ngài chịu chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã đến “không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.”

Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi từ bỏ tham vọng quyền lực, tránh xa sự thống trị và sai khiến người khác. Thay vào đó, chúng ta hãy học hỏi nơi Chúa Giêsu, sống tinh thần phục vụ, khiêm nhường và yêu thương. Phục vụ không chỉ là hành động bên ngoài, mà là tâm tình xuất phát từ lòng yêu mến Chúa và tha nhân.

Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng, để trở thành người lớn trong Vương Quốc của Ngài, chúng ta phải là người phục vụ mọi người. Đó là điều mà mỗi Kitô hữu cần khắc ghi, để biết cách sống và thực hiện sứ vụ của mình, không chỉ trong Giáo Hội mà còn trong đời sống thường ngày. Phục vụ là con đường dẫn chúng ta đến với Chúa, đến với tình yêu đích thực, và là cách chúng ta thể hiện lòng biết ơn đối với những ân huệ Chúa ban.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết noi gương Chúa Giêsu, biết sống tinh thần phục vụ và yêu thương mọi người, đặc biệt là những ai đang gặp khó khăn và đau khổ. Xin cho chúng con hiểu rằng quyền lực thực sự nằm ở khả năng phục vụ, chứ không phải ở địa vị hay chức quyền. Amen.

Anrê Nhật Trường

Để lại một bình luận