Vào đêm trước khi chịu nạn, Chúa Giêsu đã đấu tranh dữ dội để chấp nhận thánh ý Chúa Cha. Các Phúc âm trình thuật Ngài sấp mình trên mặt đất ở vườn Giếtsêmani, “đổ mồ hôi máu” và nài xin Chúa Cha cứu Ngài khỏi cái chết thảm khốc đang chờ. Và khi cuối cùng Ngài vâng theo Chúa Cha, một thiên thần đến và tăng sức cho Ngài.
Điều này gợi lên một câu hỏi: thiên thần đó ở đâu khi mà chỉ xuất hiện khi Ngài cần đến nhất? Vì sao thiên thần không xuất hiện sớm hơn để tăng sức cho Ngài?
Tôi nghĩ có hai câu chuyện sau có thể giúp giải thích điều này:
Câu chuyện đầu tiên là về mục sư Martin Luther King. Trong những ngày trước khi bị ám sát, ông bị chống đối dữ dội và bị nhiều người dọa giết. Tuy rất can đảm, nhưng ông cũng là con người. Có lúc, những lời đe dọa làm ông vô cùng sợ hãi. Một đoạn nhật ký của ông viết như sau:
“Một tối cuối tháng 1, tôi đi ngủ trễ sau một ngày vất vả. Coretta đã ngủ say, và khi tôi chuẩn bị chìm vào giấc ngủ thì chuông điện thoại reo. Một giọng giận dữ nói, ‘Nghe này, thằng đen, bọn tao chịu hết nổi mày rồi, nội tuần này mày sẽ phải hối tiếc vì mày đã đặt chân đến Montgomery’. Tôi gác máy, nhưng không thể nào ngủ được. Có vẻ mọi nỗi sợ của tôi cùng lúc dâng lên. Tôi đã đến điểm bão hòa.
Tôi ra khỏi giường và đi lui đi tới trong nhà. Cuối cùng, tôi xuống bếp, nấu một ấm cà phê. Tôi đã sẵn sàng từ bỏ. Với ly cà phê chưa hề động đến trước mặt, tôi cố nghĩ cách để thoát khỏi chuyện này mà không bị mang tiếng là kẻ hèn nhát.
Trong tình trạng kiệt quệ này, khi mọi can đảm của tôi đều tan biến, tôi quyết định thưa vấn đề này lên Chúa. Hai tay ôm đầu, tôi cúi mình trên bàn ăn và cầu nguyện thành tiếng. Tôi vẫn nhớ rõ như in những lời tôi thưa với Chúa tối hôm đó.
‘Con ở đây để đứng ra bảo vệ những gì con tin là đúng đắn. Giờ con đang sợ hãi. Người dân đến với con để nhờ con lãnh đạo, và nếu con đứng lên dẫn đầu họ mà trong con chẳng có sức mạnh và dũng cảm, thì họ cũng sẽ nao núng. Con đã cạn kiệt sức lực rồi. Con chẳng còn gì nữa. Con đã đến độ không thể một mình đương đầu nữa’. Chính lúc đó, tôi cảm nghiệm được sự hiện diện của Đấng Tối cao hơn bao giờ hết”. (Sải bước đến Tự do, Strive Toward Freedom)
Chúng ta thấy thiên thần xuất hiện ở thời điểm nào trong cuộc đấu tranh của ông.
Và trong tự thuật của mình, Sự cô độc lâu dài (The Long Loneliness), bà Dorothy Day đã chia sẻ câu chuyện này. Thời trẻ, cùng với người đàn ông bà yêu, bà là chiến binh không tín ngưỡng. Thật sự, việc họ ngần ngại tiến đến hôn nhân cũng là lời tuyên bố họ không chấp nhận các giá trị kitô giáo truyền thống. Rồi bà mang thai và đứa con ra đời, khởi đầu cho một hoán cải triệt để. Niềm vui khi bồng đứa con trên tay làm bà tin chắc có một Thiên Chúa và sự sống có một mục đích yêu thương. Bà trở lại đạo công giáo la mã, bất chấp sự bực mình của người yêu, người cha của con mình. Ông bắt bà chọn lựa, nếu bà rửa tội cho đứa bé thì hai người cắt đứt. Bà đã rửa tội cho con và mất mối tình này, dù họ vẫn tiếp tục là bạn bè của nhau. Tuy nhiên, lúc đó, bà là bà mẹ đơn thân không có công việc, không hình dung hay dự tính gì cho cuộc đời của mình.
Có lúc bà đã tuyệt vọng. Bà để con lại cho người khác chăm sóc và lên tàu đi New York đến Đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội ở Washington. Trong tự thuật, bà kể lời cầu nguyện của bà ngày hôm đó, một lời cầu nguyện quá đỗi khẩn thiết. Như Chúa Giêsu trong vườn Giếtsêmani và mục sư Martin Luther King ở Montgomery, lời cầu nguyện của bà nói lên sự cùng quẫn và bất lực cùng cực, một thừa nhận bà không còn đủ sức để đi tiếp. Bà đã cầu nguyện như sau: Con đã từ bỏ mọi sự vì Ngài và giờ con cô độc, sợ hãi. Con không biết phải làm gì và con thiếu sức mạnh để tiếp tục sự dấn thân này.
Bà dâng lên lời nguyện bất lực này, rồi lên tàu về lại New York, và không lâu sau, ông Peter Maurin, thần học gia công giáo tìm đến nhà bà, ông nói ông đã nghe người ta nói về bà và hình dung được bà nên làm gì lúc này, đó là thành lập hội Công nhân Công giáo, Catholic Worker. Và chính hội này đã mở ra một con đường cho quãng đời còn lại của bà. Thiên thần đã đến và tiếp sức cho bà.
Hãy để ý thời điểm thiên thần xuất hiện trong những câu chuyện này, là khi sức mạnh của con người đã cạn kiệt. Tại sao lại không phải trước đó? Vì trước khi kiệt quệ, chúng ta không thật sự để thiên thần ra tay, thay vào đó, chúng ta dựa vào sức mình. Nhưng như nhà văn, nhà hoạt động Canada Trevor Herriot nói, “Chỉ sau khi chúng ta để hoang mạc làm hết phần việc của nó trên mình, thì thiên thần mới đến và nâng đỡ chúng ta”.
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch