WHĐ (29.01.2024) – Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
BÀI 17: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN
I/ VĂN KIỆN
– Kinh Tin kính, cũng gọi là lời tuyên xưng đức tin, nhằm làm cho cộng đoàn hiện diện đáp lại lời Chúa đã được công bố trong các bài đọc lấy từ Thánh Kinh và được trình bày qua bài giảng; đồng thời khi tuyên xưng đức tin theo công thức đã được chuẩn nhận để dùng trong phụng vụ, họ nhớ lại và tuyên xưng các mầu nhiệm cao cả của đức tin, trước khi bắt đầu cử hành các mầu nhiệm ấy trong bí tích Thánh Thể (QCSL 67).
– Kinh Tin kính phải do linh mục hát hoặc đọc chung với cộng đoàn vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng; cũng có thể đọc trong những cử hành đặc biệt khá long trọng. Nếu hát, thì linh mục, hoặc tùy nghi, một ca viên hay ca đoàn xướng lên, rồi tất cả mọi người cùng hát, hoặc cộng đoàn hát luân phiên với ca đoàn. Nếu không hát, thì mọi người cùng đọc hoặc chia làm hai bè đối đáp (QCSL 68).
– Linh mục đọc hoặc hát kinh Tin kính chung với cộng đoàn (x. số 68). Mọi người đứng. Khi tới câu: Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.., mọi người đều cúi mình; nhưng trong lễ Truyền tin và lễ Giáng sinh, thì mọi người bái gối. (QCSL 137).
– Giảng xong, khi có luật buộc, đọc hoặc hát kinh Tin kính (NTTL 18); Thay thế kinh Tin kính Nicea-Constantinopoli, có thể đọc kinh Tin kính khi Rửa tội của Giáo Hội Rôma, quen gọi là kinh Tin kính các Thánh Tông Đồ, nhất là trong Mùa Chay và Mùa Phục Sinh (NTTL 19).
II/ LỊCH SỬ
Gọi là kinh Tin kính bởi vì kinh này bắt đầu bằng câu “Tôi tin kính” (Credo). Ngoài ra còn có những danh xưng khác của kinh Tin kính là: (1) “tuyên xưng đức tin” (professio fidei) và (2) “biểu thức đức tin” (“tín biểu” – symbolum fidei). Thời xưa, người ta phân biệt ba dạng tín biểu: “rửa tội”, “công đồng” và “vinh tụng.”[1]
A/ Tín biểu rửa tội
Đây là bản tóm lược đức tin (tín biểu “rửa tội”) mà các dự tòng phải tuyên xưng trước khi lãnh nhận bí tích Rửa tội trong Hội Thánh ở Giêrusalem cổ xưa bởi vì Credo từ ban đầu là một yếu tố trong cử hành bí tích Rửa tội chứ không phải đọc trong Thánh lễ. Chắc chắn lúc đó, các dự tòng không phải đọc kinh Tin kính Nicea – Constantinopoli, nhưng tuyên xưng qua hình thức đối đáp.[2] Sau mỗi câu hỏi và trả lời, họ được dìm xuống nước.
Một dạng khác của tín biểu rửa tội thông dụng tại Rôma có tên là “Tín biểu các thánh tông đồ.” Nếu một người đến xin chịu Bí tích Rửa tội, họ phải lãnh nhận kinh Tin kính (traditio Symboli), học thuộc lòng “Tín biểu các thánh tông đồ.” Khi thời gian dự tòng hoàn tất (để chuẩn bị lãnh nhận các bí tích khai tâm), người dự tòng sẽ phải nhắc lại tín biểu này, họ phải đọc kinh này một mạch từ đầu đến cuối trước mặt Đức Giám mục (nghi thức trả kinh Tin kính – reditio Symboli) trước khi ngài cử hành bí tích Thánh tẩy cho họ.[3] Việc tuyên xưng đức tin được thực hiện một cách cá nhân, từng người một mà không phải cả cộng đoàn cùng nhau tuyên xưng, cho nên, chủ từ được nói ở ngôi thứ nhất: “Tôi tin...”[4]
B/ Tín biểu công đồng
Sau cái chết của Đức Giêsu, Hội Thánh phải mất hằng mấy thế kỷ để xây dựng kinh Tin kính như được các tín hữu tuyên xưng hiện nay. Kinh Tin kính có lẽ được soạn thảo từ thế kỷ IV nhưng không phải để đọc trong Thánh lễ. Văn kiện của Công đồng Chalcedonia (năm 451) coi kinh Tin kính như là bản tuyên xưng đức tin của 150 nghị phụ nhóm họp tại Constantinopoli. Sau đó, nó được coi như bản tóm lược đức tin vốn đã được hai Công đồng Nicea (325) và Constantinopoli (381) công bố chứ không phải hai Công đồng trên soạn thảo. Đây là bản tuyên xưng đức tin công giáo trọng thể được phổ biến rộng rãi dưới những hình thức khác nhau nhờ sự chuẩn nhận của Công đồng Chalcedonia, tại nhiều giáo phận thuộc Đông phương.[5]
Tại Đông phương, kinh Tin kính này đã được đọc trong mọi Thánh lễ ngay từ thế kỷ VI. Các tín hữu phải bắt buộc sử dụng kinh Tin kính từ năm 568 do sắc lệnh của hoàng đế Byzantine là Justinianô II (563-578). Tuy nhiên, người ta đọc nó không phải liền sau bài Tin Mừng, mà sau Lời nguyện Tín hữu, trước khi xướng Kinh Tạ Ơn (Anaphora).[6] Lời nguyện Tín hữu và kinh Tin kính trong những thế kỷ đầu không thuộc về Phụng vụ Lời Chúa, nhưng là phần chuyển tiếp để bước sang Phụng vụ Thánh Thể. Thông thường, tất cả cộng đoàn cùng đọc, và không bao giờ hát. Ngoài ra, để diễn tả niềm tin tập thể, hầu hết các Hội Thánh Đông phương dùng ngôi thứ nhất số nhiều: “Chúng tôi tin kính…” (Credimus).[7]
Từ Đông phương, tục lệ được truyền sang Tây phương qua ngả Tây Ban Nha. Tại đây, kinh Tin kính được Công đồng Teledo đưa vào đọc ngay trước kinh Lạy Cha trong mọi Thánh lễ từ cuối thế kỷ VI (589) nhằm chống lại lạc giáo Ariô.[8] Từ Tây Ban Nha, kinh Tin kính đã được truyền sang Ái Nhĩ Lan, rồi tới vùng Anglo-saxon (Anh Quốc), nó được đọc lúc kết thúc Phụng vụ Lời Chúa. Tại Pháp, kinh Tin kính được áp dụng trong Thánh lễ khoảng thế kỷ VIII. Đến thời Charlemagne (thế kỷ IX), ông truyền đem kinh Tin kính vào Thánh lễ trong toàn đế quốc Carolingian. Năm 1014, Đức Bênêđictô VIII chấp nhận phong tục của Pháp-Đức (từ phụng vụ Gallican) về việc đọc kinh Tin kính trong Thánh lễ do lời thỉnh cầu của vua thánh Henry II khi ngài đến nhận vương miện hoàng đế tại Rôma. Tại đây, nhà vua hết sức kinh ngạc bởi không thấy kinh Tin kính được đọc trong các Thánh lễ (PL 142:1060-1061). Nhờ vậy, từ đó trở đi, kinh Tin kính được đọc trong Thánh lễ ở khắp nơi.[9] Tuy nhiên, kinh Tin kính chỉ được đọc trong các Thánh lễ Chúa nhật và những cuộc cử hành mà mầu nhiệm của lễ này được kinh này gợi lên trong bản văn. Dần dần về sau, (thế kỷ XI-XII), kinh Tin kính đã được đọc cả trong các lễ mừng khác nữa.[10]
Lý do kinh Tin kính bị chậm đưa vào Thánh lễ bên Rôma là vì người ta thấy không cần thiết. Kinh này xem ra chỉ dành cho người lung lay đức tin hay bị lạc giáo đe dọa. Trong khi đó, Roma vẫn luôn gắn bó đoàn kết với thánh Phêrô cũng như đức tin của các tín hữu tại Rôma lại luôn được che chở và không có nguy cơ ly giáo nào![11] Sau đó, kinh Tin kính được đọc trong các lễ: Giáng sinh, Phục sinh, Truyền tin, lễ các thánh tông đồ, các thánh tiến sĩ Hội Thánh và tất cả các lễ Chúa nhật.
Trong Sách lễ hiện nay, kinh Tin kính chỉ đọc trong các Chúa nhật và lễ trọng. Trong những Thánh lễ đòi buộc đọc kinh Tin kính, các tín hữu thường đọc kinh Tin kính Nicea – Constantinopoli. Nhưng Nghi thức Thánh lễ mới [2002] quy định có thể đọc kinh Tin kính các thánh tông đồ bất cứ chỗ nào cần đọc kinh Tin kính, nhất là trong mùa Chay và mùa Phục sinh (số 19).
Sách lễ 1570 yêu cầu quỳ gối xuống khi đọc các từ liên quan đến biến cố nhập thể: “Bởi phép Chúa Thánh Thần….” Nhưng Sách lễ 1970 đổi thành “cúi sâu” vào lúc này và hướng lên bàn thờ. Tư thế bái gối chỉ còn thực hiện trong Thánh lễ Truyền tin (25/03) và lễ Giáng sinh (24-25/12) để kính nhớ đặc biệt mầu nhiệm nhập thể đang cử hành (QCSL 137, 275b).[12]
C/ Tín biểu “Vinh tụng ca”
Đây là dạng thức tuyên xưng đức tin theo kiểu tôn vinh bằng Vinh tụng ca ngắn (“Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”) hay mẫu Vinh tụng ca dài (kinh Gloria) trong nghi thức đầu lễ.[13]
Nên biết rằng, ngoài hai kinh Tin kính nêu trên, còn có kinh Tin kính Athanasia[14] và kinh Tin kính Trentô.[15] Cả hai kinh này đều được đánh dấu bằng tính chính xác và nghiêm ngặt về thần học, nhưng hầu như không được sử dụng trong Thánh lễ. Vào những thế kỷ đầu, ba dạng tín biểu cũng không được đọc trong Thánh lễ. Mãi đến năm 515, lần đầu tiên kinh Tin kính xuất hiện trong Thánh lễ do thượng phụ Timôtê ở Constatinopolis đưa vào.[16] Lý do hàng mấy thế kỷ kinh Tin kính mới được đưa vào trong Thánh lễ, theo Roguet là vì nguyên cử hành Thánh lễ đã là việc tuyên xưng đức tin rồi, đưa vào Thánh lễ hóa ra có vẻ như dư thừa.[17]
III/ Ý NGHĨA
Đọc kinh Tin kính giúp cho giáo hữu đang tập họp cử hành Thánh lễ đáp lại Lời Chúa được loan báo trong các Bài đọc và được giải thích trong bài diễn giảng (x. QCSL 67): cộng đoàn cần diễn tả lòng tin này, trước hết bằng lời nói (và sau này bằng hành động trong Phụng vụ Thánh Thể), với tư cách là một cộng đoàn bởi vì Lời Chúa được nhắm đến toàn thể cộng đoàn đã quy tụ.[18]
Khi đọc quy luật đức tin theo công thức trong phụng vụ, các tín hữu tham dự Thánh lễ nhớ lại và tuyên xưng những mầu nhiệm chính của đức tin cũng như nhằm thanh luyện đức tin trước khi bắt đầu cử hành Thánh Thể (x. QCSL 67).[19] Do đó, việc đọc kinh Tin kính vào giây phút này chính là sự tán thành hay “xin vâng” của cộng đoàn đối với Lời Chúa, với sứ điệp của Thiên Chúa đã được mặc khải và công bố qua các Bài đọc cũng như trong bài giảng lễ.[20] Nói cách khác, qua lời tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng…,” các Kitô hữu diễn tả lòng trung thành, sự tán thành và niềm tin của mình vào tất cả những gì chứa đựng trong Kinh Thánh từ sách Sáng thế cho đến sách Khải huyền.[21] Quả thật, nội dung của kinh Tin kính gồm tóm toàn bộ lịch sử thánh từ công cuộc sáng tạo cho đến sự sống vĩnh cửu đời sau, qua biến cố Chúa Kitô Nhập thể, Chúa Thánh Linh hiện xuống, cũng như qua mầu nhiệm Hội Thánh và các bí tích. Một cách cụ thể, ngay câu mở đầu kinh Tin kính: “Tôi Tin kính [vào] một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất…” đã gợi lên nội dung của sách Sáng thế, vì nói đến chuyện tạo dựng; và cuối kinh Tin kính, lại đề cập tới sách Khải huyền, vì nói đến thời cánh chung: “Tôi tin Hội Thánh duy nhất… Tôi trông đợi kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau. Amen.”[22] Như vậy, kinh Tin kính là lời kinh nhắc lại chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Việc tuyên xưng đức tin bằng kinh Tin kính trong Thánh lễ có những ý nghĩa sau: (1)Thứ nhất, tín hữu chấp nhận và đáp lại Lời Chúa mới được loan báo; (2) Thứ hai, các tín hữu tưởng niệm bí tích Rửa tội và đặc ân họ đã lãnh nhận do bí tích này mang lại. Nhờ đó, họ tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô cũng như được quyền dâng lễ lên Thiên Chúa, cách riêng là tham dự vào cử hành Phụng vụ Thánh Thể sắp diễn ra; (3) Thứ ba, kinh Tin kính được đọc chung với nhau là dấu chỉ sự hiệp nhất của họ trong một đức tin, một phép Rửa và một Thiên Chúa là Cha của hết thảy mọi người. Các tín hữu bày tỏ mối hiệp thông với niềm tin của Hội Thánh hoàn vũ khắp nơi cũng như cho thấy niềm hy vọng vào sự đoàn tụ mọi tín hữu, những người cùng một đức tin, dù là người còn sống hay kẻ đã ly trần (x. QCSL 67).[23]
Hành động cúi mình/bái quỳ/bái gối khi đọc câu “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai…”/ “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã …” là nhằm kính nhớ đặc biệt mầu nhiệm nhập thể đang cử hành (x. QCSL 137; 275b),[24] thừa nhận quà tặng vĩ đại mà Thiên Chúa ban cho loài người, đó là Con Một của Ngài.[25] Cử chỉ nhỏ bé này giúp huấn luyện đầu óc và trái tim chúng ta biết luôn sống tâm tình tôn kính và cảm tạ Chúa Kitô vì Ngài đã khiêm nhường tự hạ chia sẻ thân phận làm người để cứu độ chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng học biết cách để hiến dâng chính mình.[26]
VI/ MỤC VỤ
1/ Có 3 hình thức tuyên xưng đức tin trong Thánh lễ: (1) Kinh Tin kính Nicea – Constantinopoli (còn gọi là kinh Tin kính dài); (2) Kinh Tin kính các thánh tông đồ (còn gọi là kinh Tin kính ngắn); (3) Hỏi – Thưa. Điều này có nghĩa là không được phép sử dụng cách tuyên xưng đức tin không có trong các sách phụng vụ được phê chuẩn hợp lệ (x. QCSL 67; BĐ 29; BTCĐ 69): chỉ được chọn đọc/hát hoặc là kinh Tin kính Nicea – Constantinopoli hoặc là kinh Tin kính các thánh tông đồ; còn hình thức Hỏi – Thưa chỉ áp dụng khi sách phụng vụ chỉ định cách rõ ràng trong các trường hợp sau (x. QCSL 67; BĐ 29; BTCĐ 69): [i] Trong Thánh lễ Vọng Phục sinh;[27] [ii] Trong chính Chúa nhật Mùa Phục Sinh chứ không phải các Chúa nhật khác của Mùa Phục Sinh;[28] [iii] Trong dịp cử hành bí tích Rửa tội hay bí tích Thêm sức, không đọc kinh Tin kính, vì những lời hứa rửa tội hoặc đã thực hiện hoặc được lập lại trong nghi thức rồi;[29] [iv] Trong Thánh lễ với Bài lễ Truyền chức thánh hoặc Bài lễ Khấn dòng (nhưng nếu sử dụng Bài lễ khác trong dịp này, thì vẫn đọc kinh Tin kính nếu theo luật chữ đỏ ngày đó phải đọc);[30] [v] Nghi thức Thánh lễ (2002) cho phép sử dụng kinh Tin kính các thánh tông đồ thay cho kinh Tin kính Nicea – Constantinôpôli bất cứ khi nào đòi hỏi việc tuyên xưng đức tin, nhất là trong Mùa Chay và Mùa Phục Sinh (NTTL 19);[31]
2/ Theo truyền thống, chủ tế có thể dùng tay ra hiệu cho cộng đoàn đứng, và nên chờ cho mọi người đứng rồi mới bắt đầu hát/xướng câu đầu của kinh Tin kính (x. QCSL 68, 137; LNGM 143).[32]
3/ Kinh Tin kính phải do linh mục hát hoặc đọc chung với cộng đoàn vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng; cũng có thể đọc trong những cử hành đặc biệt khá long trọng (x. QCSL 68, 137; NTTL 18; Notitiae 7 [1971] 112, n. 2).
4/ Nếu hát kinh Tin kính, linh mục, hoặc tùy nghi một ca viên hay ca đoàn xướng lên, rồi tất cả mọi người cùng hát, hoặc cộng đoàn hát luân phiên với ca đoàn. Nếu không hát, thì mọi người cùng đọc hoặc chia làm hai bè đối đáp (x. QCSL 68; MVTN 159). Giữa đọc và hát, nên chọn đọc thì tốt hơn vì nguồn gốc và bản chất của kinh Tin kính chỉ ra rằng kinh này phù hợp một cách tự nhiên với việc đọc hơn là hát.[33] Chỉ nên hát trong trường hợp/hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như trong Thánh lễ có đông người tham dự hoặc trong dịp cử hành long trọng mà muốn nhấn mạnh/tập trung hơn vào việc tuyên xưng đức tin.[34]
5/ Mọi người đứng khi đọc kinh Tin kính (QCSL 43). (1) Đối với kinh Tin kính các thánh tông đồ, mọi người cúi mình khi đọc câu “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh”. (2) Đối với kinh Tin kính Nicêa – Constantinôpôli, tất cả cúi mình/sâu khi đọc câu “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người”. (3) Riêng trong Thánh lễ Truyền Tin và Giáng Sinh, khi đọc một trong hai câu trên, mọi người bái quỳ/bái gối, nghĩa là quỳ trên một gối chứ không phải hai gối (x. NTTL 18-19; QCSL 68, 137, 274; LNGM 143).[35]
V/ SUY NIỆM
“Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. Vào một đêm thanh minh, chúng con nhìn xem bầu trời và thấy chi chít các vì sao, chúng tường thuật vinh quang của Chúa là Đấng Tạo Hóa. Vẻ đẹp của thiên nhiên do Chúa làm ra luôn thu hút chúng con, mặc dù cũng có lúc làm chúng con sợ hãi hoang mang khi chúng như thể bùng phát những “cơn giận dữ”. Chúng con sững sờ bởi những tiến bộ khoa học vượt bậc ngày nay. Nhưng mọi sự đang thúc giục chúng con phải kêu lên: “Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng…”
“Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô”. Lạy Chúa, chúng con vẫn nhìn thấy chung quanh chúng con bao trẻ em phải bỏ học, nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi, và không ít em bé phải gánh chịu những hành vi vô liêm sỉ giáng xuống… Chắc chắn Chúa đã cảm thấy một cơn đau nhói nơi trái tim dịu dàng của Chúa khi nhìn thấy các trẻ em kém may mắn như thế. Lạy Chúa, sau này trong cuộc sống công khai, Chúa đã đi rảo khắp nơi để rao giảng về tình thương của Chúa Cha. Những gì Chúa rao giảng, chữa lành, xua trừ quỷ dữ và làm phép là một bức tranh rõ ràng hơn về Chúa Cha, là một bằng chứng thuyết phục hơn về tình yêu của Người. Đúng thật, Chúa là phản ảnh huy hoàng hình ảnh của Chúa Cha. Khi nhìn Chúa, chúng con thấy Chúa Cha. Nhưng các nhà lãnh đạo của dân tộc Do Thái đã không đồng ý với những gì Chúa thực thi và rao giảng, thế rồi, Chúa đã bị họ kết án, đóng đinh vào thập giá.
“Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần”. Ngài ngự trong trái tim chúng con. Ngài dẫn lối chỉ đường khi chúng con lạc mất. Ngài soi sáng cho chúng con khi phải đưa ra những quyết định quan trọng trong đời. Chính Chúa Thánh Thần đã trợ giúp cho các vị tử đạo và tất cả các thánh khi họ vác thánh giá theo chân Chúa, khi họ đấu tranh để trung thành với Chúa trong những thời điểm gian truân ngặt nghèo. Chúng con tin kính Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi và truyền cảm hứng cho chúng con khi chúng con cảm thấy chán nản vì bệnh tật, tuổi già và thất bại. Amen.