Suy niệm 1:
Sau khi Phêrô thay mặt cho các môn đệ tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Chúa Giêsu cho họ biết Đấng Kitô sẽ phải chịu đau khổ, bị sỉ nhục, phải chết và rồi sống lại. Đó là con đường thập giá mà Ngài sẽ trải qua tại Giêrusalem.
Do đó, Ngài để cho đám đông dân chúng và các môn đệ tự do chọn lựa theo Ngài hoặc không theo Ngài tùy ý, Ngài không ép buộc ai hết. Nhưng một khi đã quyết định chọn lựa đi theo Ngài, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Sau khi nói cho các môn đệ và đám đông dân chúng biết điều kiện để theo Ngài Chúa Giêsu bắt đầu hành trình đi lên Giêrusalem chịu thương khó để thi hành ý muốn của Chúa Cha. Tin Mừng Gioan cho thấy Chúa Giêsu hoàn toàn tự do, hoàn toàn chủ động khi bước vào cuộc thương khó.
Trước khi tiến vào Giêrusalem, bắt đầu hành trình thập giá, Đức Giêsu biến hình sáng láng trước mặt ba môn đệ thân cận nhất, để các ông cảm nghiệm trước vinh quang Phục Sinh của Người, đồng thời củng cố đức tin của các ông, để các ông củng cố đức tin cho các môn đệ khác. Qua việc biến hình Chúa Giêsu cho các ông biết rằng cảnh khổ hình thập giá không phải là một thất bại, nhưng chỉ là một sự biến đổi từ đau khổ tới vinh quang. Chính Thầy là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa, mà còn phải chịu đau khổ mới bước vào vinh quang Phục Sinh thì các ông không thể bước vào vinh quang Phục Sinh nếu không phải qua đau khổ, thử thách.
Trong cuộc sống ai trong chúng ta cũng có những đau khổ, thập giá riêng của mình, dù chúng ta sống trong đời sống gia đình, hay độc thân tu trì tất cả chúng ta đều có thập giá để vác hằng ngày và ngay lúc này. Đó có thể là những lo âu, những buồn phiền, những đau đớn nơi thể xác và dằn vặt trong tâm hồn…tất cả đều là thập giá. Tuy nhiên nếu chúng ta vui lòng đón nhận, vác lấy những thập giá đó chạy đến với Chúa chúng ta sẽ được Ngài cho nghĩ ngơi dưỡng sức vì Ngài đã hứa: tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với tôi, tôi sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng, tâm hồn anh em cũng sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Thêm nữa Vinh quang Phục Sinh mà thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan được xem thấy trước, khi chứng kiến Đức Giêsu biến hình cũng sẽ là vinh quang chúng ta được hưởng mai này, nếu chúng ta tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô, luôn tuân giữ và thi hành ý muốn của Chúa Cha, sống theo tinh thần tám mối phúc, chấp nhận từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa.
Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta, để khi gặp đau khổ, khó khăn thử thách trong cuộc sống, trong đời sống đức tin, chúng ta không than trách nhưng vui lòng chấp nhận, biết kết hiệp những đau khổ đó với những đau khổ mà Chúa Giêsu đã trãi qua trong niềm xác tín: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người”.
Anrê Nhật Trường
Suy niệm 2:
BIẾN ĐỔI
Quy luật tất yếu để mọi sinh vật tồn tại và phát triển trong thế giới này đó là sự biến đổi. Biến đổi để lớn lên, để thích nghi với những thay đổi của môi trường sống. Sự biến đổi để phát triển này cũng đúng cho đời sống đức tin của người Kitô hữu trong hành trình đi về với Thiên Chúa. Dù rằng niềm tin vào một Thiên Chúa toàn năng đầy tình yêu thương là một đức tin tinh ròng được truyền lại từ bao thế hệ không thể nào sai lầm được, nhưng trải qua những thăng trầm của cuộc sống, những biến đổi của lịch sử, nhưng tiến bộ của khoa học kĩ thuật, và ngay cả những thay đổi trong tư duy của nhân loại thì việc phải mới lại hằng ngày một đức tin đã lãnh nhận từ thuở bé, một con người được mang danh là Kitô hữu không phải là một chuyện “dư thừa” chút nào.
Tâm lý bình thường thì người ta hay e ngại việc phải thay đổi một điều gì đó khi mọi sự đã “đâu vào đấy”. Nhất là những việc đã đi vào khuôn khổ, lề thói, hay có khi là cả truyền thống! Vì khi thay đổi luôn kèm theo việc phải thích nghi. Lời Chúa trong bài đọc Cựu ước hôm nay có đề cập đến một sự thay đổi lớn của một nhân vật lớn trong lịch sử cứu độ đó là sự di cư của tổ phụ Abraham. Lời mời gọi của Chúa đã thôi thúc ông rời bỏ quê hương xứ sở, bà con thân thuộc để đi đến một nơi gọi là “đất hứa”, để làm cha một dân tộc vĩ đại trong khi hoàn cảnh hiện tại là ông chưa có lấy một người con trai để “nối dõi tông đường”. Xét theo lẽ thường của một người sống thiên về lý trí chắc hẳn họ đã e dè nếu không nói là sẽ từ chối. Nhưng Abraham đã ra đi, ông đã lấy đức tin của mình mà suy phục Thiên Chúa, ông tin vào lời hứa của Thiên Chúa và nhờ đức tin đó cuộc đời của ông đã được biến đổi theo đúng lời hứa mà Chúa đã nói với ông.
Tin mừng Chúa Nhật hôm nay cũng nói đến việc Chúa Giêsu biến đổi hình dạng trước mặt các môn đệ đó là ông Phêrô, Giacôbê và Gioan – 3 người được coi là thân tín nhất của Chúa Giêsu. Trước khi được chiêm ngưỡng vẻ huy hoàng xán lạn mà Chúa Giêsu dành cho các ông, Ngài cũng mời gọi các ông hãy rời bỏ đám đông, rời xa anh em và đi lên núi với Ngài. Giả sử nếu các ông e ngại việc phải leo núi vất vả, mệt nhọc hay các ông luyến tiếc thời gian được ở gần anh em bạn bè thì liệu các ông có thấy được cửa trời rộng mở, thấy vinh quang của Thiên Chúa và nghe được tiếng phán của Chúa Cha? Những gì mà các ông đạt được khi nghe theo lời mời gọi của Chúa thì quả là vượt xa những gì mà các ông đã bỏ ra.
Qua hai hình ảnh trên chúng ta thấy được lời mời gọi biến đổi của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta trong đời sống đức tin là một điều liên lỉ và cần thiết hằng ngày. Có ai đó đã từng nói: “Cuộc đời là một dòng nước chảy, nếu ta không cố gắng bơi lên chắc chắn ta sẽ bị đầy lùi, không có việc đứng yên tại chỗ”. Thực tế, chúng ta dễ dàng ru ngủ bản thân trong lối suy nghĩ “tôi sống đạo từ trước tới nay như vậy là quá tốt rồi cần gì phải thay đổi”. Thay đổi ở đây không phải là ở hình thức thờ phượng Thiên Chúa hay tương quan với người khác nhưng là thay đổi từ trong tâm tưởng với một ý thức: “lời Chúa là rượu mới nên tôi phải trở thành một bầu da mới”. Sự biến đổi này là một điều không phải đơn giản nếu không có ơn Chúa giúp và sự cố gắng rất nhiều từ bản thân của mỗi người. Chúa luôn ban ơn nhưng nếu tôi không đến với Ngài để đón nhận thì tôi chẳng nhận được gì. Chúa luôn nói với tôi qua Lời Chúa, qua biến cố trong đời sống hay qua người này người kia nhưng nếu tôi không chịu lắng tai nghe, không chịu mở mắt nhìn thì tôi cũng chẳng nghe chẳng thấy gì hết. Thiên Chúa luôn đi bước trước để đến với tôi nhưng tôi lại đi xa Ngài thì mãi mãi giữa tôi với Chúa luôn có một khoảng cách. Chúa muốn biến đổi tôi nên tốt đẹp thánh thiện hơn nhưng tôi vẫn ngủ vùi trong con người cũ kĩ của mình thì tôi vẫn chưa biết được sự trọn hảo là như thế nào.
Việc từ bỏ bản thân để đón nhận và làm theo Lời Chúa không phải là một điều dễ dàng nhưng việc gì càng khó thực hiện thì khi thành công nó lại mang một giá trị cao quý, một niềm vui lâu bền nhất. Xin Chúa cho con luôn biết sống theo lời kinh của mầu nhiệm 5 Sự sáng chục thứ 4: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi, ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành lời Chúa.
Bảo Bảo
Suy niệm 3:
Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay” (Mt 17, 4a)
Chủ nhật tuần trước, chúng ta suy gẫm về cơn cám dỗ của Đức Giêsu, và cách thức Ngài chọn để chiến thắng cơn cám dỗ, đó là kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa Cha, sống khiêm nhường, tín thác vào Thiên Chúa và lấy Lời Chúa làm vũ khí để đánh bại sự dối trá của ma quỷ.
Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm vinh quang thiên tính được ẩn giấu nơi Đức Giê-su được tỏ hiện trong cuộc biến hình trên núi Ta-bo. Cuộc biến hình này, không chỉ tỏ hiện vinh quang Thiên Chúa trong tương lai cho các môn đệ được biết, nhưng còn củng cố niềm tin, thêm sức mạnh để các ông kiên vững vượt qua những thử thách khi bước theo Thầy Giê-su, và nhất là khi chứng kiến những khổ đau mà Thầy mình sẽ phải chịu trong cuộc thương khó.
Với ba môn đệ thân tín: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan, các ông được chiêm ngưỡng vẻ đẹp rạng ngời nơi bản tính Thiên Chúa của Đức Giê-su, được hiệp thông vào thế giới thần linh, sống với thực tại thần thiêng mà chỉ những ai sống gần Chúa mới thấy được “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. Trong sự tuyệt diệu ấy, tông đồ Phê-rô cảm thấy phấn khởi và muốn ở lại mãi trong vinh quang đó, nên ông thưa với Đức Giê-su: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay”. Có lẽ vì được hưởng nếm ánh vinh quang Thiên Chúa cách bất ngờ, nên tâm trí ông bị choáng ngợp bởi sự thiện hảo đó, ông quên rằng mình cần phải trải qua phận người, thanh luyện chính mình, vượt thắng những khổ đau – là thách đố, sự đe dọa, những gian lao khốn khó trong cuộc đời thì mới có được hạnh phúc, vinh quang đích thực. Đó cùng chính là con đường mà Đức Giê-su mời gọi chúng ta bước đi, con đường của thập giá đến vinh quang.
Quả thật, Đức Giê-su có thể sử dùng quyền năng Thiên Chúa để cứu độ con người. Tuy nhiên, Ngài đã tự giới hạn bản tính thần linh trong thân phận con người: Ngài chấp nhận những giới hạn yếu đuối nơi bản tính người, Ngài chung chia những khổ đau, bất hạnh, lầm than của kiếp nhân sinh để thánh hóa và giúp ta đạt đến ánh vinh quang bất diệt. Ánh vinh quang trên núi Ta-bo mà Đức Giê-su cho các môn đệ hưởng nếm, đó cũng chính là niềm hy vọng mà mỗi người chúng ta mong cầu được chung hưởng.
Là người Ki-tô hữu, người theo Chúa trong ơn gọi tận hiến, đời sống của tôi cũng không tránh khỏi những thử thách trăm chiều. Những cung bậc cảm xúc, những gam màu sáng tối của cuộc sống dường như là để dành riêng cho những ai đang hết tình cố gắng bước theo Thầy Giê-su. Thật vậy, những lúc bình an, yên vui giống như gam màu sáng, giống như cảm giác phấn khởi mà các tông đồ đã cảm nhận trên núi Ta-bo. Cảm giác đó còn vấn vương, lưu luyến trong tâm hồn nhờ được chia sẻ ánh vinh quang của Thiên Chúa. Thế nhưng, cuộc đời đâu hẳn chỉ là ngọn núi cao khi có Chúa Giê-su biến hình. Dòng đời đôi lúc cũng không thiếu những gam màu tối, đó là cảm giác thiếu vắng Chúa trong tâm hồn, là sư cô đơn khi đối diện với những khao khát nơi bản tính tự nhiên của con người, là sự hoang mang khi đối diện với sự khủng hoảng ơn gọi nơi chính tâm hồn mình, là mất hướng đi hay lạc lối trong những sự chọn lựa, là quên đi mục đích, ý nghĩa ban đầu khi chọn sống đời dâng hiến….Phải chăng đây chính là những kinh nghiệm mà Đức Giê-su muốn tôi trải qua khi bước theo Ngài? Hy vọng những điều này sẽ trở nên như chất liệu để tôi kết nối, hòa nhịp cùng bước đi với Thầy Giê-su trên con đường thập giá, và cũng chính là linh đạo mà tôi chọn “Per Crucem ad Lucem – Qua Thập Giá Đến Vinh Quang”
Lạy Chúa Giê-su, con muốn bước đi cùng Ngài trên con đường thập giá, nhưng con biết bản thân sẽ không thể trung thành bước đi với Ngài đến cùng trên đỉnh đồi Can-vê nếu như Ngài không trợ giúp. Xin giúp con cảm nếm thật xâu xa những hồng ân Ngài đã thương ban trên cuộc đời con, qua đó con có thêm sức mạnh, lòng tin vững vàng để dấn thân tiến bước vào con đường khổ giá – con đường tình yêu – con đường vinh quang mà Chúa đã mời gọi con bước đi.
M. Nhị Thơ
Suy niệm 4:
TRONG ÁNH SÁNG CỦA ĐẤNG PHỤC SINH, LÀM CHO CHÚNG CON SỐNG TRONG ÁNH SÁNG CỦA NGÀI
Bài Tin Mừng được Phụng Vụ trình bày trong chúa nhật hôm nay đưa chúng ta trở lại một thời điểm quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu, Ngài đang trên đường đến Jerusalem, Ngài vừa loan báo cho các môn đệ biết Ngài sẽ bị bắt tại đó, bị kết án và bị đóng đinh trên thập giá. Đối với các Tông Đồ, điều đó không thể chịu đựng được. Biến cố được thuật lại cho chúng ta hôm nay sẽ giúp cho các ông thích nghi với chương trình của Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su dẫn ba người “tách rời nhau, lên một ngọn núi cao”. Trong thế giới của Kinh thánh, ngọn núi tượng trưng cho sự gần gũi của Thiên Chúa và cuộc gặp gỡ với Người, đó là nơi cầu nguyện và chúng ta đang thực sự ở trong sự hiện diện của Chúa.
Chính trên ngọn núi này đã diễn ra biến cố Chúa Giêsu Biến Hình. Nó giống như một ngọn hải đăng sáng cho chúng ta thấy điểm đến của đời sống Con Người và Kitô hữu của chúng ta. Bằng cách cho các môn đệ của mình một cái nhìn thoáng qua về vẻ đẹp thần thánh của mình, Ngài tiết lộ cho họ mục tiêu của hành trình cứu độ của mình. Ánh sáng mầu nhiệm này là một cửa sổ mở về sự phục sinh và sự sống với Chúa Cha. Chúng ta không giống như những người bị lạc trong sa mạc. Chúng ta có một người hướng dẫn, đó là chính Chúa Giêsu. Ngài là “đường, là sự thật và là sự sống”, nhờ Ngài và cùng với Ngài mà chúng ta đến với Chúa Cha.
Tin Mừng Biến Hình này mô tả cho chúng ta những gì xảy ra vào mỗi Chúa Nhật trong Thánh Lễ: sau sáu ngày làm việc, Chúa Giêsu dẫn chúng ta đến một nơi “cao”; điều quan trọng đối với chúng ta: tất cả chúng ta cần vươn lên, vấn đề không phải là trốn chạy khỏi thế giới cũng không phải là trốn chạy chính chúng ta. Đức Kitô mời gọi chúng ta đến với Người, đó là để làm cho chúng ta chiêm ngắm “những sự trên trời”. Cuộc hẹn này của chúng ta với Ngài mỗi tuần là một sự kiện không thể bỏ lỡ.
Sau đó là sự trở lại với cuộc sống kém rực rỡ thường ngày. Sự huy hoàng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ có cả đời đời để chiêm ngưỡng nó. Thiên Chúa cho chúng ta ở thế giới này, nơi vinh quang thiêng liêng không phải lúc nào cũng chói lọi. Chúng ta nên làm việc để biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn. Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói với chúng ta về “những vùng ngoại biên”, tất cả những người đau khổ vì bệnh tật, bất công, nghèo đói về vật chất và tinh thần. Chính trong thế giới này, chúng ta được sai đến để làm chứng cho niềm hy vọng đang làm sống động chúng ta.
Trong suốt Mùa Chay này, tất cả chúng ta được mời gọi ra khỏi cuộc sống thường nhật để lên núi gặp gỡ Chúa. Chúng ta hãy nhớ rằng những lời của Ngài là những lời của “Sự Sống Đời Đời”. Chúng ta bị thu hút bởi hy vọng về sự biến hình cuối cùng. Vậy cũng như Abraham, Phaolô và nhiều người khác, chúng ta hãy lên đường theo Chúa. Xin Người luôn ở bên chúng ta và chúng ta luôn ở bên Người để trọn đời làm chứng cho tình yêu Người dành cho chúng ta. Amen.
Fiat